Bác bỏ thông tin sai lệch "ông chú Bộ Y tế" cảnh báo dịch Covid-19 bùng phát ở Hà Nội
Bộ Y tế khẳng định thông tin "ông chú Bộ Y tế" cảnh báo dịch Covid-19 bùng phát ở Hà Nội là giả mạo
Bài liên quan
Bộ Y tế yêu cầu sàng lọc nghiêm người đến khám chữa bệnh để phòng chống dịch bệnh COVID-19
Hà Nội: 96/96 trường hợp nghi nhiễm đã có kết quả âm tính với Covid-19
Kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm COVID-19 tại cửa khẩu để cách ly
Tổ chức cách ly y tế người về từ vùng dịch Covid-19
Ông Vũ Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông Thi đua và Khen Thưởng (Bộ Y tế) cho biết: "Trên mạng xã hội đang lan truyền ảnh chụp màn hình một tin nhắn với nội dung khuyến cáo từ một nhân vật được cho là Chánh văn phòng Bộ Y tế về khả năng nguy cơ rất cao lây lan bùng phát dịch Covid-19 trong tuần tới tại Hà Nội. Chúng tôi khẳng định đây là thông tin giả.
Mọi khuyến cáo của Bộ Y tế tới người dân đều được tuyển tải qua các kênh truyền thông chính thức của Bộ Y tế, các cơ quan báo chí chính thống và các tin nhắn sms của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông".
Ngoài ra, Bộ Y tế Việt Nam cũng có phản hồi về báo Haaretz của Israel ngày 28/2/2020 đăng bài “What Israel Can Learn From Vietnam on How to Beat the Coronavirus”, đề cập bác sĩ Rafi Kot, người đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, có tham gia tư vấn cho Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Về vấn đề này, Bộ Y tế khẳng định chỉ tham vấn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Dự phòng và kiểm soát dịch bệnh của Hoa Kỳ (US CDC). Đây là hai tổ chức có hơn 120 chuyên gia làm việc tại Việt Nam từ nhiều năm, thường xuyên và liên tục phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế lắng nghe ý kiến của mọi tổ chức, cá nhân (không chỉ liên quan tới dịch bệnh này). Tuy nhiên, Bộ Y tế không mời một tổ chức hay cá nhân nào làm cơ quan tư vấn hay chuyên gia cho Bộ Y tế trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19.
Tính đến ngày 1/3/2020, Việt Nam đã qua 18 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới. Tổng số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly là 115. Tổng số người có tiếp xúc gần và đi về từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là 10.089 (trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 156; cách ly tập trung tại cơ sở khác 4 người.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, trong ngày 1/3, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai các hoạt động: Thực hiện khai báo y tế và cách ly y tế người nhập cảnh Việt Nam đến từ và đi qua Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran và Ý; phối hợp với Sở Y tế Cần Thơ và các đơn vị liên quan về việc tổ chức theo dõi, quản lý trường hợp người Việt Nam được xác định nhiễm Covid-19 tại Hàn Quốc; tổ chức họp trực tuyến giao ban hàng ngày giữa với Trung tâm PHEOC Việt Nam với các văn phòng PHEOC khu vực và tiếp tục triển khai hoạt động của tổ công tác thường trực phòng chống dịch của Bộ Y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại Vĩnh Phúc.