Bài 1: 50 ngày đêm chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh
Dự báo sớm, chủ động phòng chống dịch bệnh
Trong thời gian thực hiện đợt giãn cách thứ nhất (từ ngày 24/7 đến 7/8), trung bình trên địa bàn thành phố ghi nhận 71,2 ca Covid-19/ngày.
Đến đợt giãn cách xã hội lần thứ tư, Hà Nội ghi nhận 353 ca Covid-19, trung bình là 27,7 ca/ngày. Cùng với đó, số ca mắc cộng đồng cũng giảm mạnh từ 35 ca/ngày ở đợt giãn cách thứ nhất xuống còn 2,7 ca/ngày ở đợt giãn cách thứ tư.
Những con số biết nói này cho thấy từ sự dự báo sớm, chính xác tình hình, Hà Nội đã đạt được hiệu quả trong công tác khống chế dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chủ động “2 mũi tấn công” là xét nghiệm và tiêm vắc xin diện rộng. Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Trong khoảng 1 tuần từ ngày 9/9 - 15/9, một chiến dịch xét nghiệm "thần tốc" đã được thành phố triển khai cả ngày lẫn đêm với sự hỗ trợ của gần 10.000 nhân viên y tế tại các bệnh viện Trung ương, Bộ, ngành và 12 địa phương khu vực phía Bắc.
Hàng chục nghìn điểm xét nghiệm được triển khai, thậm chí, nhân viên y tế đến tận nhà người dân để lấy mẫu, thành phố đã đánh giá được nguy cơ trên toàn địa bàn và đối chiếu với các tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế về nhóm chỉ số nguy cơ lây nhiễm, nhóm chỉ số những ca bệnh mắc mới trong cộng đồng.
Dựa trên kết quả xét nghiệm, Hà Nội không chỉ khoanh vùng được ca bệnh mà còn đưa ra các chiến dịch phòng, chống dịch trong thời gian tới, nới lỏng giãn cách xã hội, phục hồi nền kinh tế”.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kiểm tra điểm tiêm vắc xin và lấy mẫu xét nghiệm tại quận Long Biên |
Kết quả, việc triển khai chiến dịch xét nghiệm diện rộng và tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dân tại nhiều quận huyện cơ bản đã hoàn thành trước ngày 15/9.
Đặc biệt, việc lấy mẫu xét nghiệm cho người dân rất quan trọng, có giá trị trong thời điểm mà Hà Nội đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, giúp ngành Y tế phát hiện sớm những ca F0 trong cộng đồng để chủ động khoanh vùng, cách ly, dập dịch kịp thời; Sớm đưa cuộc sống sinh hoạt của người dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Đánh giá về chiến dịch tầm soát xét nghiệm và tiêm chủng của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, Hà Nội đã triển khai bài bản trong công tác tiêm vắc xin. Công suất tiêm của Hà Nội đều đạt những con số rất ấn tượng.
Bộ trưởng mong muốn: "Với vị trí là đầu tàu chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước, chúng tôi kỳ vọng thành phố sẽ sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới. Hai mũi giáp công của Hà Nội là rất đúng đắn".
Sẵn sàng nguồn lực đáp ứng kịch bản xấu nhất
Cùng với thần tốc trong truy vết, khoanh vùng và xét nghiệm, Hà Nội cũng đặc biệt chú trọng chuẩn bị các khu cách ly tập trung các trường hợp F1 nhằm bóc tách, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Công tác này được thành phố Hà Nội chuẩn bị với tinh thần chủ động, đi trước và cao hơn diễn biến tình hình dịch bệnh.
Với việc chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa xây dựng các kịch bản ứng phó trước và cao hơn diễn biến tình hình dịch bệnh, các khu cách ly trên địa bàn thành phố trong thời gian qua luôn được quản lý và vận hành hiệu quả, an toàn, không để xảy ra lây nhiễm chéo.
Ký túc xá cơ sở Hoà Lạc của Đại học FPT Hà Nội hiện đại, khang trang trở thành khu cách ly chống Covid-19 |
Cùng với chuẩn bị các khu cách ly tập trung, Hà Nội cũng xây dựng các kịch bản, phương án đáp ứng về y tế, với 40 nghìn giường điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, mục tiêu không để F0 phải cách ly, điều trị tại nhà.
Từ đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đến ngày 23/9, các cơ sở y tế của Hà Nội đã tiếp nhận, điều trị khỏi 2.950 bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, hiện còn 601 ca dương tính đang điều trị tại 6 bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Thủ đô và 2 cơ sở cách ly, điều trị.
Phương án di dời người dân ổ dịch phường Thanh Xuân Trung về khu cách ly Đại học FPT được xây dựng kỹ lưỡng nhằm bảo đảm giãn cách và an toàn |
Bên cạnh đó, thành phố hiện đang đảm bảo cung cấp oxy y tế đáp ứng công suất 40 tấn/ngày, 1.200 tấn/tháng. Trong trường hợp khẩn cấp có thể nâng công suất đạt 100 tấn/ngày, 3.000 tấn/tháng. Ngoài ra, thành phố cũng có 140 xe cứu thương, trên 200 xe taxi tham gia hệ thống vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân Covid-19 đến các cơ sở y tế.
Với sự chỉ đạo chủ động, quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố, ngành Y tế đã xây dựng các kịch bản, phương án, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khám chữa, điều trị bệnh nhân Covid-19 trong mọi cấp độ dịch.
(Còn nữa)