eMag azine
14/11/2024 07:00
Bài 1: Điểm nghẽn thể chế - “Căn bệnh” kìm hãm sự phát triển của đất nước

14/11/2024 07:00

TTTĐ - Một trong những khâu yếu căn cốt của công tác lập pháp nước ta lâu nay là vẫn còn tình trạng nặng về hành chính, chồng chéo quy định pháp luật.

nước

Điểm nghẽn thể chế - Căn bệnh kìm hãm sự phát triển của đất nước
Bài 1: Điểm nghẽn thể chế - Căn bệnh kìm hãm sự phát triển của đất nước

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta và các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng nền pháp luật mang bản sắc riêng, đáng tự hào với những bộ luật nổi tiếng thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn.

Theo những tư liệu lịch sử, trước thời Lý, tại Việt Nam chưa có luật thành văn. Pháp luật chủ yếu tồn tại dưới dạng các quy ước và tục lệ. Bắt đầu từ thời Lý trở đi, một trong những tiến bộ quan trọng, đó là các Nhà nước quân chủ đã đạt được một số thành tựu trong lĩnh vực lập pháp, đặc biệt là việc ban hành luật thành văn. Mở đầu là Bộ luật Hình thư thời Lý (năm 1042), tiếp theo là các Bộ luật Hình thư thời Trần (năm 1341). Mặc dù vậy, phải đến Bộ Quốc triều hình luật thời Lê (còn gọi là Luật Hồng Đức - năm 1483) mới được xem là bộ luật thành văn hoàn chỉnh đầu tiên đề cao tính nhân văn và những giá trị pháp lý đi trước thời đại; rồi sau đó là Bộ Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long - ban hành năm 1815) thời nhà Nguyễn.

Trong tiến trình lịch sử dựng và giữ nước rồi đến thời hiện đại, cùng với “khoan thư sức dân” thì trọng pháp, trọng kỷ luật, kỷ cương, trọng hiền tài đã trở thành những kế sách trị quốc được lưu truyền mãi. Nói như vậy để thấy, ở bất cứ thời nào, nhu cầu xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, chuyển phương thức quản lý, điều hành từ chủ yếu dựa trên mệnh lệnh hành chính, quan liêu sang dựa trên luật lệ và tuân thủ quy luật thị trường ngày càng trở nên cấp thiết.

Một trong những khâu yếu căn cốt của công tác lập pháp nước ta lâu nay là vẫn còn tình trạng nặng về hành chính, chồng chéo quy định pháp luật, các quy định chưa theo sát thời cuộc và đời sống xã hội; người dân và doanh nghiệp quay cuồng giữa “rừng thủ tục”. Hệ quả là vừa không khuyến khích được sáng tạo, vừa không giải phóng được sức sản xuất, thậm chí làm tắc nghẽn nguồn lực và nảy sinh tiêu cực, từ đó kìm hãm sự phát triển của đất nước. Đó chính là điểm nghẽn về thể chế, thứ điểm nghẽn của điểm nghẽn.

Điểm nghẽn thể chế - Căn bệnh kìm hãm sự phát triển của đất nước

Những ngày này, mọi sự quan tâm đều đổ dồn vào khu vực quảng trường Ba Đình; nơi tọa lạc tòa nhà Quốc hội; nơi đang diễn ra kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; nơi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đang dành hết tâm huyết, trí tuệ của mình để bàn thảo, đưa ra những quyết sách quyết định đến vận mệnh, tiền đồ phát triển của đất nước.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV được tổ chức ngay sau thành công rất tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Hơn nữa, trong năm 2024 - 2025 cả nước tập trung bứt phá để phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XIII, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ để bước vào năm 2026, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, đưa nước ta bước vào một giai đoạn mới, một kỷ nguyên phát triển của dân tộc Việt Nam. Chúng ta cũng hân hoan, vui mừng chào đón tân Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường với tỷ lệ phiếu bầu tuyệt đối 100% (440/440).

Đặc biệt, tại phiên khai mạc, với tính chất quan trọng của kỳ họp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu chỉ đạo, định hướng, gợi mở. Trong đó, người đứng đầu Đảng thẳng thắn nhìn nhận trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, cần sớm được khắc phục. Đặc biệt, trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, các quy định chưa thực sự đồng bộ còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực ở trong dân.

Bài 1: Điểm nghẽn thể chế - Căn bệnh kìm hãm sự phát triển của đất nước

Đồng thời, thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công trực tuyến tuy đã được cải tiến nhưng chưa thuận tiện, thông suốt; tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập. Một bộ phận còn cồng kềnh, chồng chéo, giữa lập pháp và hành pháp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.

“Những tồn tại, hạn chế kéo dài đã nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và của Chính phủ”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Nhận định về điểm nghẽn thể chế được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, sở dĩ người đứng đầu Đảng gọi thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” bởi vì nó tác động trực tiếp tới hạ tầng và nhân lực. Nếu thể chế kém hiệu quả hoặc bế tắc, nó sẽ cản trở cả việc phát triển hạ tầng và tối ưu hóa nguồn nhân lực.

Thể chế được hiểu là hệ thống gồm các nguyên tắc, quy định, các luật lệ,... được sử dụng để định hướng sự phát triển của một tổ chức hay một Nhà nước, ở những lĩnh vực nhất định trong xã hội. “Nghẽn thể chế là hiện tượng hệ thống các thiết chế hoạt động bế tắc, kém hiệu quả vì các quy tắc, luật lệ ôm đồm, chồng chéo và xung đột”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhận định.

Như vậy, về bản chất, nghẽn thể chế là hiện tượng các thiết chế hoạt động bế tắc, kém hiệu quả. Nguyên nhân của nghẽn thể chế là sự ôm đồm, chồng chéo và xung đột của các quy tắc, luật lệ (hay hệ thống pháp luật).

Chia sẻ thêm về vấn đề này với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang cho rằng, thể chế của một quốc gia rõ ràng rất quan trọng, trong hầu hết các trường hợp, nó quyết định sự thành công của mỗi quốc gia. Giải Nobel về Kinh tế năm 2024 cũng đã đề cập đến vấn đề này.

Theo ông Phạm Văn Thịnh, thể chế pháp luật của chúng ta đang được hoàn thiện và ngày càng tiến bộ, tuy nhiên có thể thấy, so với yêu cầu của phát triển, thể chế của chúng ta vẫn còn tình trạng quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, thay thế; cơ chế, chính sách, pháp luật chưa tạo dựng được môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, thu hút nguồn lực đầu tư trong Nhân dân, nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo dựng nhanh những yếu tố thúc đẩy xã hội tự tiến bộ.

Nêu dẫn chứng về việc điểm nghẽn thể chế, ông Phạm Văn Thịnh nói về những vướng mắc, chồng chéo quy định pháp luật khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm, không đạt yêu cầu; hay vấn đề nhiều dự án bất động sản bỏ hoang hàng chục gây lãng phí nguồn lực đất đai do những quy định về thủ tục; hay như quá trình cấp phép và triển khai Dự án sân bay quốc tế Long Thành, dù là công trình trọng điểm quốc gia được Nhà nước và Nhân dân kỳ vọng rất lớn, dự án được phê duyệt từ năm 2005 nhưng mãi đến năm 2021 mới chính thức khởi công giai đoạn đầu. Quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc khiến dự án có thể kéo dài đến cuối năm 2026, thay vì hoàn thành chậm nhất trong năm 2025 theo yêu cầu của Quốc hội.

Một ví dụ nữa là hồi đầu năm 2024, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố báo cáo khảo sát Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý IV/2023 cho thấy, chất lượng pháp lý, quy định hành chính và thủ tục tiếp tục là chủ đề làm phiền lòng doanh nghiệp. Theo đó, có tới 52% số người được hỏi xác định “gánh nặng hành chính và sự kém hiệu quả của bộ máy” là một trong ba rào cản hàng đầu, nêu bật ảnh hưởng của sự quan liêu đối với hoạt động kinh doanh; 34% số người được hỏi cho rằng “các quy tắc và quy định không rõ ràng và được giải thích khác nhau” cũng là một thách thức lớn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc rõ ràng và nhất quán trong khuôn khổ pháp lý.

Bài 1: Điểm nghẽn thể chế - Căn bệnh kìm hãm sự phát triển của đất nước
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng được khởi công từ giữa năm 2016, nhằm kiểm soát ngập do triều cường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên diện tích 570km2, phục vụ khoảng 6,5 triệu dân ở khu vực trung tâm và ven sông Sài Gòn. Dự án đã hoàn thành 90% khối lượng công việc nhưng đã phải tạm dừng thi công ba lần, lần gần nhất kéo dài từ ngày 15/11/2020 đến nay. Mặc dù TP HCM rất nhiều lần có văn bản xin ý kiến Trung ương và Chính phủ cũng đã nhiều lần chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể tiếp tục triển khai. Một trong những vướng mắc là chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Thảo luận ở phiên họp tổ tại kỳ họp thứ 8, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng dẫn chứng dự án chống ngập ở TP HCM qua 2 nhiệm kỳ, nhưng Nhân dân thành phố vẫn phải chịu ngập lụt, trong khi tiền Nhà nước đã đầu tư. Hay trường hợp hai bệnh viện công được Nhà nước đầu tư, nhưng chục năm vẫn chưa đưa vào sử dụng, trong khi đó, nếu là dự án của tư nhân thì đã thu hồi vốn xong.

Ngoài ra, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công được cũng được Tổng Bí thư nêu ra, trong đó phải kể đến kết quả giải ngân vốn 9 tháng năm 2024 chưa đạt 50%, từ nay đến cuối năm liệu có tiêu được hết; chương trình mục tiêu quốc gia đã quyết rồi nhưng vẫn chậm vì vướng các quy định.

“Quy định thế nào mà đến Nhà nước còn không làm được thì doanh nghiệp làm sao làm được. Hàng trăm, hàng nghìn dự án ở địa phương được cấp cho doanh nghiệp nhưng triển khai lại vướng, lại đứng chờ nhau. Tất cả do mình cả; phải phối hợp, không đổ cho nhau hay chờ đợi nhau được, phải tìm cách trả lời cho dân”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu vấn đề.

Bàn về điểm nghẽn thể chế, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, một cụm từ được nhắc đến rất nhiều từ phiên khai mạc cho đến các phiên thảo luận, đó là cụm từ “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế, trong đó có 5 luật về đầu tư và 7 luật về tài chính, ngân sách.

Điểm nghẽn thể chế - Căn bệnh kìm hãm sự phát triển của đất nước

“Tôi cùng tổ thảo luận với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nghe Bộ trưởng khằng định các luật về đầu tư có nhiều điểm mới rất đột phá, giải phóng được sức sản xuất, khơi thông được các nguồn lực, nhất là những lĩnh vực mới. Tôi và chắc là nhiều đại biểu nữa đánh giá rất cao tinh thần này. Nhưng theo tôi, để gỡ được điểm nghẽn thể chế thì rất cần nhân lực, mà nhân lực thì thực sự cũng đang bị nghẽn”, ông Hà Sỹ Đồng chia sẻ.

Nêu dẫn chứng cụ thể, đại biểu Hà Sỹ Đồng bày tỏ đồng tình với ý kiến một số đại biểu Quốc hội đã nêu khi thảo luận tổ, đó là thực trạng nhân lực khu vực công chuyển sang khu vực tư đang diễn ra rất nhiều, trong đó phần lớn là nhân lực chất lượng cao. Việc thu hút nhân tài vào khu vực công cũng gặp khó khăn nhất định, mức lương khởi điểm không đủ thuê nhà ở các thành phố lớn, từ đó có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì nhân sự ở khu vực công là nhân sự làm chính sách.

Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng, bao nhiêu năm qua, Quốc hội nói rất nhiều đến sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương. Báo cáo của Bộ Nội vụ tại kỳ họp này nói rằng, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Nhưng khi phát biểu ở tổ thì Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết việc này mới làm từ xã, huyện một số vụ, cục, tổng cục... Trung ương chưa đụng được gì.

“Tổng Bí thư cũng nói ngân sách đang chi gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, vậy thì tinh giản biên chế đã thực sự đạt yêu cầu chưa. Rồi ở nhiệm kỳ này, đã có rất nhiều những phát biểu, những tranh luận kéo dài về việc chữa bệnh cán bộ công chức sợ sai, sợ trách nhiệm. Nhưng kết quả xếp loại chất lượng công chức trong năm 2023, chỉ có 6,57% là không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy như thế đã là đánh giá đúng tình hình chưa”, ông Hà Sỹ Đồng nêu vấn đề.

Về cải cách tiền lương, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, không thể phủ nhận nỗ lực tăng lương cơ sở 30% của năm nay. “Nhưng cho dù thế thì một cán bộ, công chức mới được tuyển dụng, dù xuất sắc đến đâu lương cũng mới chỉ đủ tiền thuê nhà ở mức bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện, chứ chưa nói đến những nhu cầu chính đáng khác. Thế nên rất dễ hiểu là các địa phương xin cơ chế riêng để thu hút nhân tài, Quốc hội ủng hộ, nhưng nhân tài thì vẫn như lá mùa thu.

Tổng Bí thư nói chúng ta cần mạnh dạn nhìn nhận những khó khăn đang phải đối mặt để vượt lên khó khăn phục vụ phát triển. Kỳ họp này, Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế. Nhưng tôi chưa thấy có đề xuất nào tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực. Mà khó khăn về nguồn nhân lực hiện nay là hết sức to lớn và tôi đề nghị nên đột phá từ chính khâu này thì mới có thể gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước”, ông Hà Sỹ Đồng nói.

Điểm nghẽn thể chế - Căn bệnh kìm hãm sự phát triển của đất nước

Trong bài viết “Tinh - gọn - mạnh, hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng; bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế.

Đồng thời, sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, cản trở phát triển, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động; tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua “nhiều cửa” thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển.

Bài 1: Điểm nghẽn thể chế - Căn bệnh kìm hãm sự phát triển của đất nước
Cùng khởi công từ cuối năm 2014, sau 10 năm, cả 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại TP Phủ Lý (Hà Nam) vẫn chưa thể đi vào hoạt động do còn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục, quy định, chưa thể giải quyết, trong khi những hạng mục xây dựng xong đã dần xuống cấp. Hai dự án được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ví dụ điển hình về sự lãng phí. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu trong nửa năm tới Bộ Y tế phải hoàn thiện, bàn giao, đưa vào sử dụng.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng cho rằng, so với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý “Nói không đi đôi với làm”.

Nhận định thêm về các nguyên nhân gây nghẽn thể chế, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, các luật và chính sách không được cập nhật để phản ánh thực tế hiện tại có thể dẫn đến sự kém hiệu quả, vì chúng có thể không còn phù hợp với những thay đổi về xã hội, kinh tế hoặc công nghệ. Đồng thời, sự chồng chéo trong quản lý và các quy trình phê duyệt phức tạp tạo ra sự chậm trễ, khiến cho việc phản hồi nhanh chóng và hiệu quả trước những nhu cầu cấp bách trở nên khó khăn hơn.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng dẫn chứng về bộ máy hành chính phức tạp gây nghẽn thể chế là quy trình phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng tại Việt Nam. Theo đó, để thực hiện một dự án đầu tư xây dựng, doanh nghiệp phải qua nhiều khâu phê duyệt từ các cơ quan khác nhau như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công an… cùng các cơ quan địa phương. Mỗi bước phê duyệt lại bao gồm nhiều quy trình nhỏ lẻ, yêu cầu hàng chục loại giấy phép và tài liệu khác nhau.

Việc phải qua nhiều khâu khiến doanh nghiệp phải nhiều thời gian chờ đợi để hoàn tất các thủ tục. Mỗi bước đòi hỏi thời gian thẩm định và phê duyệt khác nhau, dẫn đến dự án bị trì hoãn, làm tăng chi phí đầu tư và giảm tính hiệu quả. Quá trình xin cấp phép kéo dài buộc các nhà đầu tư phải chịu thêm chi phí quản lý, hành chính và lãi vay trong thời gian chờ đợi, từ đó làm tăng tổng chi phí dự án.

Hay như đầu tư công, các ý kiến cho rằng, việc phân cấp, phân quyền còn chưa triệt để; một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn và kết quả giải ngân trong kế hoạch đầu tư công hằng năm.

Các quy định nghiêm ngặt, không linh hoạt và không có điều chỉnh phù hợp cho từng trường hợp cụ thể có thể cản trở sự đổi mới và hạn chế các giải pháp cho các vấn đề độc đáo hoặc mới phát sinh; thiếu cơ chế minh bạch và trách nhiệm giải trình có thể khiến các tổ chức công vận hành theo cách không hiệu quả hoặc có tham nhũng, làm chậm tiến độ và giảm lòng tin. Cùng đó là sự trì trệ trong hệ thống, không dám nghĩ, không dám làm, không dám đổi mới và sự phối hợp không hiệu quả của các cơ quan cũng thường dẫn đến nghẽn thể chế.

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, muốn gỡ nghẽn thể chế thì phải cải cách hệ thống pháp luật. Theo đó, các cơ quan cần phải xác định một cách mạch lạc, rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế cấu thành nên thể chế, không để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa chúng với nhau.

“Đảng lãnh đạo chứ không làm thay Nhà nước; Quốc hội không làm công việc của Chính phủ; chính quyền Trung ương không làm công việc của các chính quyền địa phương; các tổ chức chính trị - xã hội không làm công việc của Đảng và Nhà nước”, TS. Dũng nêu.

Điểm nghẽn thể chế - Căn bệnh kìm hãm sự phát triển của đất nước

Cùng với đó là cần khắc phục tình trạng ôm đồm trong công tác xây dựng pháp luật. Khi các thiết chế bị điều chỉnh quá nhiều, sự ràng buộc sẽ gia tăng, sự tuân thủ sẽ trở nên vô cùng khó khăn, tốn kém. Trong không ít trường hợp, sự bế tắc sẽ xảy ra, vì các thể chế không biết phải làm thế nào để có thể tuân thủ cho hết các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó là cần xóa bỏ sự chồng chéo, xung đột của các văn bản quy phạm pháp luật, chồng chéo và xung đột giữa các văn bản pháp luật gây ra sự không rõ ràng cho việc thực thi, khiến các cơ quan quản lý không biết phải tuân theo quy định nào như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói khâu thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu; cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính rườm rà, bởi thủ tục hành chính rườm rà tạo ra nghẽn thể chế vì nó kéo dài quá trình xử lý, gây trì trệ và làm mất nhiều thời gian trong việc phê duyệt hoặc thực thi các chính sách.

Cũng đưa ra giải pháp, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang cho rằng, để gỡ nghẽn thể chế cần bám sát chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hoàn thiện pháp luật theo hướng phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

“Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng sức sản xuất và các nguồn lực cho phát triển bền vững; phát huy vai trò phản biện của Nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, đại biểu dân cử trong xây dựng luật pháp. Cơ quan lập pháp, cơ quan xây dựng pháp luật hãy lắng nghe và với trách nhiệm giải trình cao và công khai, sẽ góp phần hoàn thiện luật pháp được tốt hơn”, ông Thịnh nêu rõ.

Ông Phạm Văn Thịnh cũng cho rằng, cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, chuyển mạnh quy định tiền kiểm sang hậu kiểm, thậm chí khuyến khích mở rộng không gian cho các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế tự đối chiếu các quy định và được tự làm, tự chịu trách nhiệm, hạn chế Nhà nước cấp phép; mọi bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn hoặc pháp luật không rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau cần giải thích thì cần được sửa đổi, bổ sung và giải thích luật kịp thời. Đặc biệt là phải “đúng vai, thuộc bài”; trong đó, “đúng vai” tức là đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng việc làm, đúng vị trí, đừng làm việc của người khác, việc của mình thì bỏ; còn “thuộc bài” là nắm vững chức năng nhiệm vụ, luật pháp, cơ chế, chính sách, hiểu biết, bất cứ cương vị nào cứ làm đúng vai, thuộc bài thì ít xảy ra va vấp.

Theo ông Thịnh, thực tế vẫn còn tình trạng luật được ban hành, có hiệu lực nhưng vẫn phải chờ nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn. Trong khi đó, thời gian ban hành, sửa đổi một luật mất thời gian, còn phải chờ thêm các văn bản hướng dẫn nên sẽ kéo dài thời gian luật đi vào cuộc sống; hơn nữa “tuổi thọ” nhiều luật còn ngắn do sự phát triển của xã hội, phát sinh những vấn đề mới, nhưng một phần do dự báo và tầm nhìn trong công tác xây dựng pháp luật chưa đáp ứng.

Điểm nghẽn thể chế - Căn bệnh kìm hãm sự phát triển của đất nước

“Những điều này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan được giao xây dựng các dự thảo luật và trách nhiệm của các cơ quan triển khai và thực thi luật. Bởi, khi được Quốc hội thông qua, luật có đi vào được cuộc sống được hay không là do những đơn vị tổ chức thực hiện luật nghiêm túc, đổi mới sáng tạo để có sự cộng hưởng giúp tuổi thọ của luật kéo dài hơn”, ông Thịnh nói.

Cuối cùng, ông Thịnh cũng cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong xây dựng pháp luật, không để xảy ra tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách; đưa ra những nguyên tắc về khuyến khích phân cấp, về đơn giản thủ tục hành chính và về chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm để có căn cứ xử lý các tổ chức, cá nhân người đứng đầu không tuân thủ, có biểu hiện “lợi ích nhóm” khi xây dựng pháp luật.

Từ những hạn chế, tồn tại được nêu ra, ngay trong bài bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã đưa các giải pháp nhằm khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Một trong các nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Bí thư đề cập là tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống; rà soát các quy định pháp luật có liên quan để chủ động chuẩn bị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo đúng quy định, bảo đảm chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua.

(Còn nữa)


Bài viết liên quan loạt bài: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật - tạo đột phá đưa đất nước cất cánh trong kỷ nguyên mới

Bài 2: Đổi mới, cải cách, hết lòng hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ Nhân dân Bài 3: Dứt khoát bỏ tư duy “không quản được thì cấm” - Hiệu lệnh khơi thông mọi nguồn lực Bài 4: Đột phá tư duy - kiến tạo phát triển Bài 5: Vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Thực hiện: Hậu Lộc - Phạm Thành

Xem bài 2 »

Phạm Thành Hậu Lộc