Bài 1: Gia sư "áo xanh" viết nên câu chuyện đẹp
San sẻ cùng tuyến đầu – Học cùng “chiến binh nhí” Lớp học online miễn phí dạy học trò nghèo của người trẻ Hà Nội TP HCM: 300 “gia sư áo xanh” dạy học miễn phí cho trẻ em khó khăn |
Nhiều tuần nay, Nguyễn Thái Nhật Duy, sinh viên năm nhất trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội có thêm một công việc đặc biệt - gia sư trực tuyến môn tiếng Anh cho hai học sinh lớp 9 và 12 trong chương trình "Học cùng chiến binh nhí". Trong đó, em Nguyễn Chí Thanh, học sinh lớp 12, trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Hà Đông) con của bác sĩ Lê Thị Lan, công tác tại Trung tâm Y tế quận Ba Đình (Hà Nội) là một học trò của Duy.
Nguyễn Thái Nhật Duy dạy học tiếng Anh trực tuyến cho học sinh |
Tuy không học sư phạm nhưng Duy từng tham gia trợ giảng và các buổi học ngoại khóa để có thêm nhiều kỹ năng, kiến thức trong việc dạy học nên tự tin đảm nhiệm vai trò gia sư. Sau mỗi buổi học, chàng trai trẻ làm báo cáo gửi phụ huynh để họ nắm được tình hình học tập của con và học sinh biết được tiến độ, từ đó xác định được mục tiêu ôn luyện.
Trước mỗi buổi học, Duy đều soạn bài cẩn thận, thiết kế chương trình học phù hợp với năng lực từng học sinh. Tuy nhiên, đôi lúc, chàng trai trẻ gặp khó khăn khi có những lần bất đồng quan điểm với các bạn học sinh hay thiếu sự tương tác trong dạy học... Dù vậy, đã là một tình nguyện viên, Duy xác định luôn phải cố gắng hết sức, tìm tòi nhiều cách khác nhau để giảng dạy cũng như giao lưu với học sinh.
Vì thế, mới học cùng gia sư vài buổi nhưng Nguyễn Chí Thanh đã rất yêu quý thầy giáo của mình. “Đợt dịch căng thẳng, mẹ em thường xuyên đi trực vắng nhà. Trong khi em đã là học sinh cuối cấp, cần ôn luyện nhiều, nhất là môn tiếng Anh nên rất lo lắng. May mắn em được thầy Duy đồng hành”, Thanh chia sẻ.
Dù học trực tuyến nhưng tình cảm thầy trò rất gắn bó |
Tình cảm thầy trò ngày càng khăng khít hơn. Duy cũng có niềm vui nho nhỏ khi không chỉ giúp đỡ được người khác mà bản thân hiểu hơn những khó khăn của công việc gia sư, học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng mới.
Trong chương trình “Học cùng chiến binh nhí” chỉ có 16 buổi học nhưng Duy vẫn tiếp tục đồng hành khi phụ huynh học sinh yêu cầu.
“Khi tham gia chương trình, mong muốn của mình là góp phần giảm bớt khó khăn cho các y, bác sĩ. Đây là một hành động dù là "gián tiếp" nhưng góp phần đẩy lùi dịch bệnh, giúp y, bác sĩ an tâm công tác nơi tâm dịch. Trong lòng mình, các y, bác sĩ không chỉ là thầy thuốc mà còn là chiến sĩ. Mình biết ơn và thấy cần đáp lại những công sức mà họ đã làm trong suốt thời gian qua”, Duy tâm sự.
Nguyễn Minh Hằng, gia sư của "Học cùng chiến binh nhí" |
Hơn 2 tuần nay, Nguyễn Minh Hằng, sinh viên năm thứ ba, khoa Sư phạm, ngành Giáo dục tiểu học, trường Đại học Thủ đô Hà Nội làm gia sư trực tuyến trong chương trình "Học cùng chiến binh nhí" cho em Bùi Tuấn Hùng, học sinh lớp 2A6, trường Tiểu học và THCS Thăng Long.
Hằng dạy vào sáng thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần. Dù từng đi thực tập, dạy học sinh tiểu học nhưng đây là lần đầu tiên Hằng dạy trực tuyến. Đặc biệt, năm nay lớp 2 học theo chương trình mới, vì vậy, Hằng phải lên mạng tải sách giáo khoa môn Toán, tiếng Việt về đọc, tìm tòi, học hỏi thêm phương pháp dạy phù hợp, để các em tiếp thu một cách tốt nhất.
Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, ngay từ buổi học đầu tiên, Hằng đã có được sự tương tác tốt với học sinh. “Em Hùng tiếp thu nhanh và hào hứng với việc học nên mỗi buổi học trôi qua rất nhẹ nhàng, vui vẻ”, Hằng chia sẻ.
Mẹ em Bùi Tuấn Hùng là bác sĩ, thường phải đi trực, tham gia phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, bên cạnh việc học, Hằng còn làm bạn với học sinh. Sau mỗi buổi học, Hằng đều dành thời gian trò chuyện, lắng nghe Hùng kể chuyện trường lớp, gia đình. Vì thế, dù học trực tuyến, chưa từng gặp mặt, tình cảm cô trò gắn bó gần gũi.
Hằng cho biết, dù dự án kết thúc, cô gái trẻ vẫn luôn sẵn sàng đồng hành cùng học sinh. “Chúng mình tham gia chương trình hoàn toàn tự nguyện. Là một giáo viên tương lai, mình mong muốn đem những điều tích cực tới học sinh. Nếu phụ huynh có nhu cầu, chắc chắn mình vẫn tham gia”, Hằng chia sẻ.
(Còn nữa)