eMag azine
30/10/2024 07:00
Bài 1: Mơ xa, nghĩ lớn...

30/10/2024 07:00

TTTĐ - Hơn một năm sau khi được ban hành, Chỉ thị đã thực sự là “liều thuốc đặc trị” cho căn bệnh trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, tạo sức bật mới xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại…
Bài 1: Mơ xa, nghĩ lớn...
Bài 1: Mơ xa, nghĩ lớn...

Hơn 70 năm kể từ Ngày Giải phóng (10/10/1954), trải qua bao thăng trầm trong lịch sử, Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. Quy mô, cấu trúc đô thị, kết cấu hạ tầng, kiến trúc công trình, cảnh quan nhân tạo, cảnh quan tự nhiên ngày càng văn minh, đổi mới, hiện đại, xứng đáng là trung tâm, động lực phát triển vùng và cả nước, thành phố kết nối toàn cầu, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh, an toàn xã hội để xây dựng, phát triển Thủ đô bền vững.

Bài 1: Mơ xa, nghĩ lớn...

Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục và cải tạo thành phố. Chỉ một năm sau, Hà Nội đã hoàn thành cải cách ruộng đất, một nhiệm vụ chiến lược cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ.

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hàng chục vạn người con Thủ đô lên đường tòng quân chiến đấu khắp các chiến trường. Nơi hậu phương, Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Tự hào hơn nữa, Hà Nội đã cùng các địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” vào tháng 12/1972, buộc đế quốc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27/1/1973). Đây là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thu non sông về một mối.

Đất nước thống nhất, Hà Nội bắt tay vào xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân. Đặc biệt, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, từ ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội chính thức được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính. Việc mở rộng địa giới hành chính là thay đổi quan trọng, mang tầm vóc mới, cơ hội mới và diện mạo mới cho Thủ đô. 16 năm qua, Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu đi đầu trên mọi “mặt trận,” đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước.

Bài 1: Mơ xa, nghĩ lớn...
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ của Hà Nội 9 tháng năm 2024 tăng 10,5%. Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội.

Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Theo số liệu của Cục Thống kê TP Hà Nội, 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,12% (cùng kỳ tăng 5,99%); tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện đạt 92,8% dự toán (tăng 23,1% so với cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu tăng 16,8% so với cùng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,5%; vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 9,7%; giải quyết việc làm cho 178,8 nghìn lao động, vượt 8,3% kế hoạch cả năm...

Việc xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng đạt nhiều kết quả tích cực, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn, khang trang, hiện đại hơn. Đến nay, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn NTM; 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 186 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 68 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đồng thời tập trung phát triển cả kinh tế và văn hóa, xã hội, trong đó, đã có một chuyên đề về phát triển văn hóa. Hà Nội đã đầu tư, bảo tồn, tôn tạo trên 5.000 di tích lịch sử. Lĩnh vực giáo dục đứng đầu cả nước. Trong đầu tư hạ tầng kết nối vùng Thủ đô, Hà Nội đã triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các đường song hành để tăng tính kết nối với các tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/1/2025 và cho ý kiến với 2 quy hoạch lớn: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Hai quy hoạch này sẽ giúp định hình về không gian, quản lý đô thị, đầu tư, phát triển đô thị TP Hà Nội trong tương lai...

Bài 1: Mơ xa, nghĩ lớn...

Cùng với quá trình đô thị hóa, Hà Nội đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khi đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia. Nhiều dự án khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, văn minh, hiện đại đem lại không gian phát triển đô thị mở rộng và hiện đại hơn.

Hà Nội cũng đang tập trung đầu tư, hoàn thành các điều kiện để xây dựng các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để dần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh trong tương lai gần.

Về định hướng phát triển đô thị những năm tiếp theo, TP Hà Nội sẽ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (điều chỉnh) đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được phê duyệt.

Bài 1: Mơ xa, nghĩ lớn...

Với các giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm đã được TP Hà Nội xác định, cùng sự đồng lòng đoàn kết của cả hệ thống chính trị và người dân, Thủ đô sẽ có sức bật mới, tạo tiền đề quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế- xã hội trong những năm tới; qua đó, góp phần xây dựng Hà Nội văn minh, giàu đẹp và xứng tầm là Thủ đô - trái tim của cả nước.

Có thể thấy, Hà Nội qua mỗi biến động, thử thách của lịch sử vẫn luôn xứng danh là biểu tượng của niềm tin và hy vọng của dân tộc, xứng đáng với truyền thống Thủ đô ngàn năm Văn hiến - Anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo.

Bài 1: Mơ xa, nghĩ lớn...

Quy hoạch Thủ đô (Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị. Cùng với TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).

Bài 1: Mơ xa, nghĩ lớn... Bài 1: Mơ xa, nghĩ lớn...
Quy hoạch Thủ đô kỳ vọng làm "sống lại" hình ảnh dòng sông Tô Lịch xanh, sạch.

Quy hoạch Thủ đô đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Trong đó, nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét... để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị.

Cùng với đó, thành phố tập trung cải tạo những khu chung cư cũ; xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, không bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo khu phố cổ, khu có kiến trúc kiểu Pháp nhằm khai thác, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.

Quy hoạch Thủ đô gồm 5 vùng kinh tế - xã hội là: Vùng trung tâm, vùng phía Bắc sông Hồng, vùng phía Nam Thủ đô, vùng phía Tây Nam Thủ đô, vùng phía Tây Bắc Thủ đô; 5 vùng đô thị: Đô thị trung tâm, thành phố phía Tây, vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì, thành phố phía Bắc, đô thị phía Nam.

Thảo luận tại phiên họp của Quốc hội bàn thảo nhiều nội dung quan trọng liên quan tới Quy hoạch Thủ đô Hà Nội diễn ra vào 20/6, các đại biểu đánh giá cao và cho rằng Quy hoạch Thủ đô (Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) và Quy hoạch chung Thủ đô (Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065) đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, coi đây là công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và phát triển Thủ đô.

Bài 1: Mơ xa, nghĩ lớn...

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội) cho biết, ông rất mừng khi cầm trên tay 2 văn bản của Chính phủ và thành phố Hà Nội trình để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.

Về vấn đề quy hoạch lại thành phố, ông Trí cho rằng, cần phải có đường rộng để đi, có đường thoát khi xảy ra cháy nổ hay các sự cố nghiêm trọng khác. "Phải giảm và tiến đến không còn nhà ống tại Hà Nội. Vấn đề này cần phải bàn với dân để tìm sự đồng thuận cao. Nhà ống đã tồn tại mấy chục năm nên rất khó xử lý, sửa chữa. Chúng ta cần hạn chế dần, không cho phép xây mới và quy hoạch lại để thay đổi", ông Trí nói.

Về phát triển đường trên cao, ông Trí đề nghị chỉ xây dựng ở ngoài, còn trong phố đông đúc và có nhiều nhà cao tầng thì nên hạn chế tối đa vì sẽ cản tầm nhìn và mất mỹ quan tổng thể.

"Về quy hoạch hệ thống y tế ở Thủ đô, cần phải thấy được rằng đây là quy hoạch y tế không chỉ cho nhân dân Thủ đô mà là quy hoạch cho một miền, thậm chí cả nước, vì hầu hết các bệnh viện lớn và đầu ngành đều tập trung ở đây. Các bệnh viện lớn, đặc biệt là chuyên khoa thì nên có những trung tâm y khoa, trong đó có các viện chuyên khoa để phối hợp với nhau tốt hơn. Việc mở rộng nên hướng ra ngoại vi với hệ thống đường xá tốt và có sân bay. Các bệnh viện đa khoa dưới 500 giường phải có ở các quận, huyện. Các phòng khám đa khoa phải có ở khắp các khu dân cư, tạo nên một hệ thống phục vụ trực tiếp cho dân, khi ốm đau dù nặng hay nhẹ cũng cần chỉ khoảng 15 phút là đến nơi", ông Trí nêu kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đồng tình với việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD nhất là ngoại vi, kết nối vùng miền cả nước với tất cả các loại hình đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không... "Ở ngoại vi nơi có núi non, đồng bằng thì nên làm cầu cạn kết nối với các vùng miền khác để tránh phá vỡ tự nhiên và tiết kiệm được nguyên vật liệu. Nhiều đại biểu trước đây cũng đồng tình với ý kiến về việc làm cầu cạn như vậy", ông Trí nói.

Về không gian ngầm cần có một đồ án riêng, nên mời chuyên gia thật giỏi, có thể là quốc tế ở các nước tiên tiến để làm quy hoạch và vẽ đồ án.

Bài 1: Mơ xa, nghĩ lớn...

Về phần mình đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội) chia sẻ mình là người may mắn tham gia vào quá trình xây dựng Quy hoạch Thủ đô. Ông Cường nhấn mạnh, Quy hoạch Thủ đô là quy hoạch tỉnh nhưng không phải như các tỉnh khác, chỉ lập quy hoạch cho một địa phương, mà đây là quy hoạch cho Thủ đô của cả nước, mang tất cả những yếu tố, hội tụ, đại diện cho sự phát triển của cả nước. Chính vì vậy, quy hoạch này nhận được sự quan tâm, thu hút hàng trăm nhà khoa học cả nước, thuộc nhiều lĩnh vực để có được sản phẩm quy hoạch "hài lòng và yên tâm".

Để quy hoạch được triển khai thực hiện theo những điểm đã chỉ ra, theo đại biểu, có 3 vấn đề cần quan tâm: Giải quyết nút thắt lớn nhất của Thủ đô về giao thông, trong đó, trọng tâm là đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải tách khỏi hệ thống nước mưa, xây dựng khu vực xử lý nước thải cục bộ, tập trung và cuối cùng là cần có cơ chế hỗ trợ cho người dân khu vực phố cổ để cải tạo, chỉnh trang lại khu vực nội đô lịch sử.

Phân tích sâu hơn về việc đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng đây sẽ là một hệ thống mạng lưới đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông cho người dân, người dân có thể di chuyển đến bất kể một địa điểm nào trên khu vực Thủ đô. Theo đại biểu, khi sử dụng đường sắt thì các phương tiện giao thông cá nhân sẽ dần được thay thế và những vấn đề về ùn tắc hay ô nhiễm môi trường hiện nay sẽ được giải quyết thông qua việc phát triển hệ thống đường sắt này.

Ngoài ra, khi mạng lưới đường sắt phát triển thì việc kết nối với các vùng ngoại thành sẽ giãn các hoạt động kinh tế đang tập trung ở nội đô ra những vùng đô thị mới; đặc biệt là hệ thống đường sắt này còn kết nối với các tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam.

"Như vậy, các tỉnh đó, các đô thị sẽ gần đó sẽ như những đô thị vệ tinh để tạo ra kết nối phát triển, đồng thời cũng phân tán sự tập trung. Khi đã có được một hệ thống đường sắt như thế, tự động những khu vực đô thị hiện nay với nhiều vấn đề bức xúc như khu chung cư cũ, khu nhà dân thấp tầng lụp xụp, chen chúc, mất an toàn có thể xây dựng lên những mô hình đô thị hiện đại bằng cách dồn các khu nhà này lại để xây dựng 2-3 nhà cao tầng mới", đại biểu phân tích.

Mặt khác, theo đại biểu, quy hoạch sẽ phát triển hệ thống không gian ngầm bên dưới lòng đất trở thành một khu thương mại dịch vụ, còn trên mặt đất là không gian trống để phát triển cây xanh, phát triển công cộng... Đấy mới là hình ảnh của đô thị văn minh, hiện đại.

Quy hoạch Thủ đô đưa ra 8 quan điểm mang tính chiến lược, cốt lõi cho phát triển Thủ đô. Trong đó có quan điểm lấy kinh tế, phát triển không gian đô thị là động lực phát triển chủ yếu. Phát triển sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, trục văn hoá di sản, du lịch văn hoá kết nối vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phát triển không gian đô thị theo mô hình đô thị trung tâm và các "thành phố trong Thủ đô", các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái; kết hợp phát triển nông nghiệp nông thôn sinh thái, văn minh, có bản sắc của nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030 được xác định, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5 - 9,5%; GRDP bình quân/người (giá hiện hành) đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,88 - 0,90; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội Thủ đô trong mọi tình huống...

Bài 1: Mơ xa, nghĩ lớn...

Ngày 21/11/2012, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Tuy nhiên, đến nay, Luật Thủ đô đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt là về cơ chế, chính sách, thẩm quyền thi hành các điều luật... đòi hỏi cần thiết phải có Luật Thủ đô (sửa đổi). Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được thông qua với những chính sách mới được kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” để thúc đẩy Thủ đô ngày càng phát triển.

Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng trong bối cảnh thuận lợi, với sự kết hợp của "3 nguồn lực" quan trọng, đó là: Nghị quyết số 15/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Những yếu tố này không chỉ khơi thông các rào cản pháp lý mà còn tạo điều kiện nhân lực và tài lực cho sự phát triển của Thủ đô.

Bài 1: Mơ xa, nghĩ lớn...

TS Dương Thị Thanh Mai, chuyên gia cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho biết: “Từ khi bắt tay xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội, “3 nguồn lực” đó đã được chính quyền Thủ đô xem xét và sử dụng để tạo ra cơ hội, điều kiện cho phát triển Thủ đô. Cũng chính vì lẽ đó mà Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa thể hiện được đường lối, tầm nhìn dài hạn của Đảng và Chính phủ, vừa thấm đẫm những giá trị cốt lõi của ý Đảng, lòng dân, sự quyết liệt trong hành động của chính quyền”.

Một trong những điểm được đánh giá cao của Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ chế phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ, giúp chính quyền Thủ đô có đủ thẩm quyền, tự chủ và trách nhiệm trong quá trình triển khai luật vào đời sống. Với sự phân cấp, ủy quyền cho HĐND, UBND TP Hà Nội và các cấp như quy định tại khoản 5, Điều 9; Điều 14 sẽ trao trách nhiệm và trao nhiều quyền hơn để Hà Nội có thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan tới những điều kiện đặc thù của Thủ đô.

Ví dụ như hiện nay, Hà Nội đang đô thị hóa, mở rộng sang các vùng ven, thành lập những quận mới thì việc xây dựng hạ tầng là đòi hỏi rất cấp thiết, trong đó theo quy hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng hàng chục cây cầu bắc qua sông. Với quy mô như vậy, thẩm quyền thuộc về Chính phủ, nhưng khi có Luật Thủ đô (sửa đổi), có cơ chế đặc thù thì Hà Nội có thể chủ động quyết định được chủ trương đầu tư, các vấn đề liên quan đến vốn, thi công...

Nhận định về tính đột phá này, TS Dương Thị Thanh Mai cho rằng, việc phân cấp, ủy quyền sẽ giúp chính quyền Thủ đô có thể chủ động, tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong quá trình triển khai các dự án một cách hiệu quả. Điều này cũng giúp Hà Nội không phải trông chờ vào nguồn vốn duy nhất từ ngân sách nhà nước mà còn có sự tham gia rất mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Bài 1: Mơ xa, nghĩ lớn...
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm.

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm, trên thế giới không quá 10 nước có luật riêng cho thủ đô. Vì vậy, với việc Thủ đô Hà Nội có được một bộ luật cho riêng mình thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đối với sự phát triển của Hà Nội. Cùng với các nghị quyết quan trọng của Trung ương liên quan tới Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua được xem như kim chỉ Nam để Thủ đô bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Đáng chú ý, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có riêng một điều về không gian ngầm, tạo thuận lợi rất lớn cho khai thác không gian tiềm năng mới trong phát triển Thủ đô. Luật cũng quy định rất rõ vai trò, trách nhiệm của từng cấp, ngành trong thực hiện cải tạo, tái thiết đô thị.

Đặc biệt, UBND thành phố được thành lập và quy định tổ chức, hoạt động của Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử. Đây là một yếu tố quan trọng để hiện thực hóa chủ trương cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khu vực nội đô lịch sử.

Đồng quan điểm, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, các đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến rất trách nhiệm. Quốc hội thông qua Luật tạo cơ sở pháp lý cho Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, kỳ vọng Hà Nội sẽ bước sang "kỷ nguyên mới".

“Thủ đô là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Xét về mặt hành chính, Thủ đô mang tính chất đặc thù đồng thời cũng mang tính chất đặc biệt. Vì Thủ đô không phải riêng của Hà Nội, dự án Luật sửa đổi lần này sẽ tạo đột phá để Hà Nội phát triển nhanh, cũng như tạo động lực phát triển cho cả nước” - đại biểu Trương Xuân Cừ chia sẻ.

Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, để đạt được mục tiêu này thì các chính sách phải mang tính chất đột phá, đặc thù, khi đó Thủ đô phát triển sẽ không gặp phải rào cản về thủ tục hành chính. Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa giúp đảm bảo Hà Nội phát triển đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn mang tính chất đặc thù riêng.

“Tôi hy vọng sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, khi đó cơ hội để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững là rất khả thi” - đại biểu Trương Xuân Cừ bày tỏ.

Bài 1: Mơ xa, nghĩ lớn...
Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội Trương Minh Tiến

Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội Trương Minh Tiến:

Hiện thực hóa nhiều khát vọng

Thủ đô là trái tim của đất nước, là trung tâm hành chính, chính trị, là bộ mặt quốc gia do đó cần phải có những cơ chế, chính sách đặc thù được phân cấp mạnh mẽ cho lãnh đạo Thủ đô có những quyết sách sớm, điều chỉnh ngay những bất hợp lý. Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”.

Việc Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo ra hành lang pháp lý phù hợp, thuận lợi hơn cho sự phát triển không chỉ riêng cho Thủ đô Hà Nội mà còn chung cho cả đất nước.

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật là chính sách phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và an sinh xã hội. Đây là những chính sách góp phần xây dựng văn hóa người

Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với một số cơ chế đặc thù mới để phát triển văn hóa. Đó là xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa theo quy hoạch. Ngoài ra, để huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô, Luật cho phép áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, đồng thời quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục...

Cá nhân tôi cho rằng, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức đi vào đời sống sẽ là cơ sở pháp lý để thành phố Hà Nội hiện thực hóa nhiều khát vọng, trong đó có mục tiêu xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

(Còn nữa)


Bài viết liên quan loạt bài "Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Cán bộ nêu gương - vững kỷ cương, bền hiệu quả":

Bài 2: Đột phá để khắc phục những biểu hiện trì trệ Bài 3: Sức mạnh lan toả Bài 4: "Chìa khoá" hiện thực hoá khát vọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thực hiện: Mai Anh - Phạm Mạnh

Bài 1: Mơ xa, nghĩ lớn...

Xem bài 2 »

Phạm Mạnh