Hà Nội được bồi đắp và kết tinh bởi nền văn minh sông Hồng. Một trong những dòng sông với những trầm tích lịch sử, văn hoá vô cùng quan trọng không chỉ của riêng Thủ đô ngàn năm văn hiến mà còn của cả vùng Đồng bằng sông Hồng và đất nước.
Để nói về Hà Nội, đất Thăng Long - Kẻ Chợ, từ xưa đến nay, phải nhắc đến sông Hồng. Con sông đã tạo ra “bên kia sông Hồng” từ xa xưa và nay những cây cầu đã nối liền đôi bờ và cũng là chứng nhân lịch sử của sự phát triển của Thủ đô.
Với vị trí địa lý nằm ở đôi bờ sông nên những mốc son trong tiến trình phát triển của Thủ đô Hà Nội đã được đánh dấu bằng những nhịp cầu bắc qua sông Hồng. Đây không chỉ là những công trình gắn kết đôi bờ, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương mà nó còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đưa kinh tế - xã hội - văn hóa - khoa học - giao thông... của Hà Nội và cả vùng lên tầm cao mới.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Bảo Tuổi trẻ Thủ đô đăng tải loạt bài viết "Nghe sông Hồng kể chuyện những cây cầu".
Trong suốt tiến trình lịch sử ngàn năm, Thăng Long - Hà Nội luôn là đô thị đầu não, trung tâm chính trị, kinh tế của đất nước.
Theo dòng lịch sử, có thể nói, cuộc trung hưng Thăng Long - Hà Nội trong thời hiện đại có thể tính điểm mốc bắt đầu từ khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, khi Nhân dân ta đã đập tan ách phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp hơn 80 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, giành quyền độc lập dân tộc, thành lập Nhà nước Cộng hòa Dân chủ, đưa Nhân dân lên vị trí làm chủ đất nước.
Đó chính là lúc đất nước, dân tộc, Nhân dân ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Chiều 10/10/1954, lễ chào cờ mở đầu cuộc duyệt binh long trọng, hùng tráng đã diễn ra trên sân Cột cờ Hà Nội. |
Tuy nhiên, phải đến một buổi chiều mùa thu sau Ngày Độc lập 9 năm, 10/10/1954, hàng vạn Nhân dân Thủ đô xúc động, trang nghiêm về dự lễ mừng chiến thắng dưới chân cột cờ Hà Nội, công cuộc đó mới thực sự được bắt đầu trên thực tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào Hà Nội với niềm tin tưởng vững chắc rằng: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ cố gắng quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”. Khẳng định rằng: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta” nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu Hà Nội xác định và bảo đảm hoàn thành trách nhiệm vị trí “đầu tàu”, vai trò “gương mẫu” với cả nước. Hà Nội đã nỗ lực thực hiện lời dặn của Bác Hồ.
Sang những năm đổi mới, công cuộc phục hưng của Thăng Long - Hà Nội càng ngày càng được đẩy mạnh hơn. Bước ra từ khói lửa chiến tranh, Hà Nội đã trở thành Thành phố vì hòa bình và đang trên đà để Thủ đô là Thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Để đạt mục tiêu đó không thể không nhắc tới vai trò đặc biệt của những cây cầu vững chãi như những cánh tay rồng vắt qua sông Hồng.
Trước đây, đò thuyền là phương tiện chủ đạo của giao thông, giao thương đường thủy ở Thăng Long - Hà Nội. Sang thời cận - hiện đại, phong cảnh dòng sông Hồng và lịch sử Hà Nội được tô điểm thêm những cây cầu. Mặc dù vậy, trong suốt quãng thời gian gần một thế kỷ kể từ năm 1902, Hà Nội chỉ có duy nhất cây cầu Long Biên qua sông Hồng.
Qua 30 năm đổi mới, bên cạnh cây cầu Long Biên mang ký ức lịch sử vắt qua 3 thế kỷ, Hà Nội nay đã có thêm nhiều cây cầu lớn và hiện đại như: Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân... Đây được cho là những “cánh tay rồng” vững chắc vươn qua sông đã giải quyết phần nào tình trạng ùn tắc giao thông khi qua sông Hồng, kết nối và tăng trưởng ngoạn mục tốc độ lưu thông giữa Hà Nội với các địa phương khác.
Trong tương lai, dự án xây dựng những cây cầu qua sông Hồng của Hà Nội còn có: Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở... trải rộng và vươn xa, cùng với những hạ tầng kỹ thuật quan trọng khác, những công trình nối những điểm nút của các tuyến giao thông chạy qua Hà Nội có vai trò như những đòn bẩy mạnh mẽ đưa kinh tế - xã hội - văn hóa - khoa học, giao thông... của Thủ đô và cả vùng lên tầm cao mới.
Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi...
Đây là những vần thơ nói về cây cầu đầu tiên nối đôi bờ sông Hồng của Thủ đô Hà Nội – cầu Long Biên.
Có thể nói, nổi tiếng nhất trong số các cây cầu ở Hà Nội là cầu Long Biên với tuổi đời đã hơn 120 năm. Cây cầu ban đầu được đặt tên theo Paul Doumer, một vị chính trị gia người Pháp. Khi nắm giữ chức vụ Toàn quyền Đông Dương, ông đã cho xúc tiến quá trình xây dựng đường sắt tại Việt Nam bằng "Chiến dịch năm 1898," đặt nền móng cho 1.300km đường sắt từ năm 1898 đến năm 1914, và hơn 1.100km từ năm 1918 đến năm 1936.
Với tổng kinh phí trên 6 triệu Francs, cây cầu được xây dựng từ năm 1899 đến năm 1902. Công ty kiến trúc danh tiếng Daydé et Pillé đảm nhiệm trọng trách thực hiện và thi công bản vẽ sau khi vượt mặt các nhà thầu lớn khác trong một cuộc thi. Cây cầu chính thức được khánh thành vào ngày 2/2/1902 với sự hiện diện của chính Paul Doumer, người kế nhiệm ông là Paul Beau, và vua Thành Thái. Chuyến tàu đầu tiên đã lăn bánh qua cây cầu vào ngày 28/2/1902. Với cấu trúc phức tạp gồm 19 nhịp và 20 trụ, cây cầu được xem là một kiệt tác kỹ nghệ xây dựng lúc bấy giờ.
Mục đích xây cầu phục vụ cho việc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, nằm trong kế hoạch nâng cấp hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, phục vụ cho việc lưu thông hàng hoá từ đồng bằng Bắc bộ đến Hải Phòng và từ Hải phòng lên Hà Nội. Từ khi cầu đi vào hoạt động việc giao thương giữa các vùng trở nên dễ dàng hơn.
Dù được xây dựng khi đất nước còn là thuộc địa, nhưng Cầu Long Biên lại mang đậm bản sắc dân tộc, với những kiến trúc thời bấy giờ khi mang trên mình hình dáng giống một con rồng đang bay lên trên sông Hồng. Một biểu tượng gắn liền với nét văn hóa đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội.
Cầu Long Biên gắn liền với biết bao thăng trầm lịch sử của dân tộc Việt Nam và của Hà Nội. Theo các nhà sử học, trong chiến tranh chống Pháp, cầu Long Biên chính là nhân chứng sống động về tinh thần quyết chiến - quyết thắng, bất khuất của Nhân dân ta.
Những ngày đầu tháng 2/1947, cầu Long Biên gắn với cuộc rút lui thần kỳ của quân đội ta. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng chỉ huy, Thành uỷ, Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội quyết định tổ chức cho Trung đoàn Thủ đô rời liên khu I ra hậu phương để bảo toàn và xây dựng lực lượng nhằm kháng chiến lâu dài. Trước khi rời chiến luỹ, các chiến sĩ còn kẻ lên tường của các dãy phố những dòng chữ: “Quân xâm lăng chúng ta sẽ trở lại đây một ngày mai”, “Thủ đô Hà Nội mãi mãi là của dân tộc Việt Nam”, “Tạm biệt Hà Nội nhé! Hẹn ngày trở về”...
Cả dân tộc quyết tâm chung sức đồng lòng, lập nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ ngày 21/7/1954 công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương, chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Ngày 8/10/1954 quân Pháp làm lễ hạ cờ và ngày 9/10 bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu bộ đội ta vào tiếp quản tới đó. Chiều 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Cây cầu là nơi chào đón đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô.
Như lời hẹn ước, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, trước tinh thần chiến đấu ngoan cường “nếm mật nằm gai, gan không núng, chí không mòn” của quân và dân ta. Các chiến sĩ bộ đội lại trở về trên chính cây cầu Long Biên lịch sử.
Ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội Nhân dân chia làm nhiều cánh tiến vào Hà Nội. Cùng với đó, hai mươi vạn Nhân dân Thủ đô hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng trở về.
Sau khi bộ đội ta hoàn thành tiếp quản thành phố, đúng 15 giờ, ngày 10/10/1954 một buổi lễ đặc biệt diễn ra tại sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long: Lễ chào cờ đầu tiên ngay sau khi Hà Nội được giải phóng. Cảnh tượng ấy đã in sâu trong tâm trí của người dân Thủ đô trong ngày Hà Nội sạch bóng quân thù.
Theo các nhà sử học, do có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng nên cầu Long Biên rơi vào tầm ngắm của lực lượng không kích Mỹ những tháng năm sau này. Tháng 3/1965, khi quân Mỹ bắt đầu triển khai chiến dịch ném bom "Rolling Thunder" (Sấm Rền), lực lượng cách mạng đã cho lắp đặt súng phòng không trên các tháp giữa cầu để đáp trả.
Cầu Long Biên - biểu tượng văn hóa, lịch sử của Hà Nội
Tuy nhiên, trong giai đoạn năm 1966 - 1967, cầu Long Biên vẫn phải hứng chịu không dưới 10 lần tấn công. Nhiều nỗ lực sửa chữa đã được thực hiện để giúp cây cầu tiếp tục phục vụ giao thông đường sắt, nhưng đến tháng 8/1967, nhịp giữa của cây cầu đã bị phá hủy hoàn toàn, cắt đứt tuyến đường sắt huyết mạch của sông Hồng.
Trong 8 tháng khôi phục cầu Long Biên, một cây cầu phao đặc biệt mang tên gọi SH1 (Sông Hồng 1) đã được lắp đặt để giúp duy trình việc vận chuyển hàng hóa giữa Hà Nội và Gia Lâm. Vào ban đêm, xà lan được sử dụng để cố định các tấm phao vào vị trí, rồi kéo phao đi ẩn núp trước khi bình minh lên.
Diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10/1972, chiến dịch "Linebacker" của chính quyền Tổng thống Nixon đã gây tổn hại nặng nề cho cầu Long Biên. Cây cầu bị đánh bom 4 lần, khiến 3 nhịp cầu sụp đổ, một lần nữa cắt đứt tuyến đường sắt quan trọng giữa Thủ đô và các tỉnh miền Bắc. Một hệ thống cầu phao lần này mang tên gọi SH2 lại được gấp rút lấp đặt trên sông Hồng để tái thiết giao thông giữa Hà Nội với Gia Lâm.
Tổng cộng 7 nhịp cầu và 4 cột bị phá hủy trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ. Sau khi Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết, chính quyền thành phố bắt đầu cho xây dựng lại cầu Long Biên bằng hệ thống dầm thép được Liên Xô viện trợ. Đến tháng 3/1973, những đoàn tàu hỏa đầu tiên từ Hà Nội đến Gia Lâm đã có thể lăn bánh trở lại và sừng sững hiên ngang.
Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, sau hơn 120 năm kể từ khi thành hình, mọi thứ dường như đã đổi thay, duy chỉ có hình ảnh cầu Long Biên quen thuộc vẫn ngày ngày đứng đó, hiên ngang giữa đất trời. Cầu Long Biên của hiện tại tuy có thể đã già nua về thể xác, phải chịu nhiều đau thương qua các cuộc chiến tranh tàn phá nhưng nó chính là nhân chứng của bao sự kiện lịch sử hào hùng, bi tráng và trở thành một biểu tượng vô cùng ý nghĩa đối với Nhân dân Thủ đô.
Đánh giá về vai trò của cầu Long Biên đối với quá trình phát triển của Thủ đô, GS.KTS Hoàng Đạo Kính cho biết, cho tới nay, Hà Nội chưa có công trình nào ghi dấu sâu đậm như cầu Long Biên. Cầu là công của người Tây xây dựng, nhưng đã được Hà Nội hóa hết sức thân thiết với người Việt: Nhẫn nại, kiên trì, gánh vác, thậm chí là chắp vá... để đã trở thành bộ phận hữu cơ, một thứ tài sản vô giá của Hà Nội.
Còn theo KTS Trần Ngọc Chính - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô từ Thăng Long đến Hà Nội, sông Hồng luôn nắm giữ một vai trò quan trọng trong sự hình thành, tồn tại và là một nhân tố không thể thiếu kết nối Hà Nội xưa - Hà Nội nay - Hà Nội tương lai. Trong đó, cầu Long Biên đã trở thành điểm nhấn quan trọng không thể thay thế trên trục cảnh quan sông Hồng nói riêng và toàn thành phố Hà Nội nói chung.
KTS Trần Ngọc Chính - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam |
Chính vì thế, trải qua hơn 120 năm, ông Chính cho rằng việc bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử của cầu Long Biên rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra định hướng cho cầu Long Biên hiện hữu - biểu tượng kiến trúc, giao thông, văn hóa, lịch sử của Thủ đô, luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hà Nội trong mọi thời kỳ.
“Việc chuyển đổi chức năng giao thông của cầu Long Biên sang chức năng văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và du lịch sẽ mang lại những giá trị kinh tế - xã hội cao hơn trong phát triển Thủ đô. Khi đó cây cầu lại viết tiếp giá trị lịch sử của nó và có vị trí xứng đáng trong cảnh quan một đô thị xanh, thông minh, hiện đại của Thủ đô”, KTS Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.
Có thể nói, từ khi thành hình đến nay, cầu Long Biên đã luôn gắn với niềm tự hào Thăng Long của người Hà Nội và cả Việt Nam. Hình ảnh những nhịp cầu trông cứng rắn nhưng lại rất mềm mại uyển chuyển gắn với cảnh quan sông nước Hồng Hà tạo nên một giá trị đặc sắc, quyến rũ, mà không nơi nào trên thế giới có được. Vẻ thanh lịch của cầu Long Biên cũng là một điểm nhấn sáng trong bức tranh văn hiến đậm đà của Thủ đô.
Nếu như cầu Long Biên được xây dựng khi đất nước đang trong thời kỳ thuộc địa nửa phong kiến thì cầu Thăng Long, cầu Chương Dương hay những cây cầu khác bắc qua sông Hồng sau này lại gắn liền với sự phát triển, đổi thay của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung.
Vào những năm đầu của thập niên 1970, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt nhất, Đảng và Nhà nước ta quyết định xây dựng cầu Thăng Long - cây cầu thứ hai bắc qua sông Hồng ở Hà Nội sau cầu Long Biên.
Cầu Thăng Long cách cầu Long Biên 11km về phía thượng lưu sông Hồng. Thời kỳ đầu, Trung Quốc giúp xây dựng nhưng được khoảng 20% khối lượng công trình thì ngừng lại. Đến cuối năm 1978, Liên Xô đã giúp ta xây dựng tiếp cho đến khi hoàn thành.
Cầu Thăng Long có quá trình chuẩn bị, thiết kế và thi công rất dài. Ngay từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có ý kiến xây cầu vượt sông Hồng, nối thông Hà Nội với Thái Nguyên, Việt Trì,… để phát triển lên phía Bắc.
Khoảng năm 1971, ta bắt đầu đàm phán với Trung Quốc, đề nghị viện trợ xây dựng cầu. Hồi đó, Việt Nam gọi là cầu Chèm, còn Trung Quốc đặt tên là Hồng Hà đại kiều, tức là cầu sông Hồng. Tuy nhiên, đồng chí Trường Chinh đã chính thức đề nghị đặt tên cầu Thăng Long.
Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng ngày 26/11/1974, chính thức khánh thành ngày 9/5/1985, sau 11 năm thi công. Việc thi công cầu Thăng Long do Xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng Long đảm nhiệm. Cầu được xem là một trong những biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô.
Cây cầu là công trình đầu tiên cán bộ và công nhân xây dựng Việt Nam được trực tiếp thi công. Với sự hỗ trợ của các kỹ sư người Liên Xô, những người thợ của chúng ta đã bắt đầu hoàn thiện những thao tác từ cơ bản đến phức tạp, lần lượt dựng lên những móng cầu bền vững để kết nối nên một cây cầu mang trong mình màu sắc của Thủ đô và tình đoàn kết hữu nghị Việt - Xô.
Cầu Thăng Long được xây dựng không chỉ giải quyết vấn đề giao thương, đi lại, mà đây còn là công trình nằm trong tổng thể đầu mối đường sắt khu vực Hà Nội. Đến nay, cây cầu này đã góp phần không nhỏ trong giao thông, vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa các quận, huyện ngoại thành với trung tâm thành phố Hà Nội, là huyết mạch quan trọng kết nối giữa vùng Tây Bắc đại ngàn với trái tim hồng Thủ đô.
Ông Hoàng Minh Chúc - nguyên Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng cầu Thăng Long. |
Ông Hoàng Minh Chúc - nguyên Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng cầu Thăng Long chia sẻ, thời điểm đó, khi đấu tranh thống nhất nước nhà sắp đến giai đoạn kết thúc, Đảng và Chính phủ quyết định xây một cầu lớn qua sông Hồng để nối Thủ đô với giao thông đường sắt, đường bộ ở phía Bắc. Cầu Thăng Long là một công trình đặc biệt to lớn về quy mô, khối lượng và lớn nhất Đông Nam Á thời kỳ bấy giờ, nó được kỳ vọng sẽ làm cho đất nước chúng ta ngày càng phát triển, ngày càng giàu đẹp.
Để triển khai thi công xây dựng cầu Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải lúc đó đã tập trung lực lượng của 12 công ty tinh nhuệ của Bộ và lực lượng gồm 9.805 người, trong đó có 6.000 kỹ sư và cán bộ kỹ thuật. Đưa về 10 người nguyên Cục trưởng, Cục phó của Bộ dưới sự điều hành của ông Nguyễn Tường Lân, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Mặc dù vậy, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam lúc đó chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế thi công cầu theo kỹ thuật mới. Do đó, Liên Xô đã cử sang công trường gần 160 lượt chuyên gia, cung cấp cho Việt Nam hàng chục nghìn tấn thép, dầm thép, xi măng mác cao và hàng trăm tấn thiết bị, máy móc khác.
Trong hồi ức của ông Hoàng Minh Chúc, tác phong làm việc của các chuyên gia Liên Xô rất chuyên nghiệp, cẩn thận và đặc biệt coi trọng chất lượng. Sau hàng trăm ngày thi công, những phiến dầm thép ngày một vươn xa, nối liền các trụ cầu. Công trình hiện lên sừng sững, nhìn từ xa như một đường kẻ thẳng nối hai bờ sông Hồng.
Chia sẻ về kỷ niệm những ngày lăn lộn trên công trường, ông Hoàng Minh Chúc nói: “Trong nhiều lần tiếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta lúc công trình đang thi công, đồng chí E.V Gien-nhin, Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô vẫn nói “cầu Thăng Long không phải là cây cầu của Liên Xô mà là công sức của chính các bạn Việt Nam”. Lúc này, trên công trường chỉ có 70 chuyên gia Liên Xô, còn đội ngũ lao động Việt Nam có đến hàng nghìn người. Các bạn không chỉ giúp chúng ta vô tư mà còn luôn khiêm tốn”.
Nhờ quá trình thi công và hỗ trợ của Liên Xô, một thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam đã được trui rèn, trở thành lao động lành nghề, nắm vững kỹ thuật xây dựng thêm nhiều công trình “100% nội địa hóa”, góp phần thay đổi bộ mặt giao thông nước nhà.
Với gần 40 năm khai thác, cầu Thăng Long đã góp phần không nhỏ trong giao thông, vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa các tỉnh phía Bắc với Thủ đô Hà Nội. Đến nay, mỗi khi đi qua cầu Thăng Long, nhiều người vẫn chú ý đến tấm biển biểu tượng hữu nghị Việt - Xô dựng ở ngay đầu cầu. Khí thế rồng bay hòa quyện biểu tượng mang hình cánh buồm thể hiện tình hữu nghị mãi mãi vươn xa, vững bền.
Theo đánh giá của ông Hoàng Minh Chúc, sự hiện diện của cầu Thăng Long đã thúc đẩy quá trình hình thành các khu đô thị lớn, các khu công nghiệp. Ngày nay khi đi qua cầu Thăng Long, dừng ngắm Thủ đô Hà Nội, ta thấy được sông Hồng mênh mông và sự phát triển vượt bậc về mọi mặt của Thủ đô. Có thể nói, cầu Thăng Long đã tạo ra đột phá về đô thị hóa.
Quay trở lại với quá khứ, trong lúc đang xây dựng cầu Thăng Long, với tầm nhìn chiến lược về sự phát triển nhanh chóng của Thủ đô Hà Nội và các vùng phụ cận, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất xây dựng thêm một cây cầu nữa bắc qua sông Hồng là cầu Chương Dương. Đây là cây cầu hoàn toàn của người Việt Nam, được xây dựng từ năm 1983, khánh thành vào năm 1986, nó mang đậm dấu ấn của cố Trung tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đồng Sỹ Nguyên.
Cầu Chương Dương sừng sững, hiên ngang giữa đôi bờ sông Hồng |
Cầu Chương Dương được xây dựng thành công không chỉ góp phần giảm tải lưu lượng giao thông trên cầu Long Biên và cầu Thăng Long, mà nó còn là minh chứng cho tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc ta trên con đường đổi mới, phát triển đất nước. Đây là công trình giao thông trọng điểm kết nối giữa cửa ngõ phía Đông trung tâm Hà Nội với huyện Gia Lâm.
Cầu được xây dựng không chỉ thuận tiện cho việc đi lại, giảm ùn tắc giao thông, mà nó còn gánh trên mình trọng trách thúc đẩy các quận, huyện ngoại thành phát triển. Từ đó điều chỉnh các giải pháp quy hoạch về sử dụng đất, không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế xã hội; giải quyết cơ bản việc giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội giữa Thủ đô với các tỉnh thành phía Bắc sông Hồng, làm “thay da đổi thịt” cho vùng đất phía Đông Hà Nội, thúc đẩy giá trị bất động sản nơi đây phát triển.
Trải qua những năm tháng khó khăn, khi đất nước ta bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế là tiền đề để thoát khỏi đói nghèo, giữ vững tăng trưởng và phát triển. Đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, khi được ví như “Thánh Gióng” của thời đại với nhiều bước tiến nhảy vọt mang đậm bản sắc dân tộc và dấu ấn của thời đại.
Thủ đô của chúng ta đã chuyển mình một cách nhanh chóng, mới hôm nào đó, trên đường phố còn xuất hiện những chiếc xe đạp treo biển số lủng lẳng phía dưới khung xe, thì bây giờ trên những con đường ngõ phố, đâu đâu cũng là ô tô, xe máy. Những mái ngói liêu siêu cũng “trở mình” thành những tòa nhà cao ốc, thành những trung tâm thương mại lớn.
Ngoài Long Biên, Chương Dương, Thăng Long là biểu tượng lịch sử, văn hóa, giao thông của Thủ đô, Hà Nội còn nhiều cây cầu khác với kiến trúc độc đáo mang giá trị của thời đại. Trong đó, cầu Nhật Tân bắc qua dòng sông Hồng, nối liền phường Phú Thượng, quận Tây Hồ với xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh chính là 1 trong 6 cây cầu huyết mạch quan trọng trong giao thông và kinh tế của Hà Nội.
Từ sau khi hoàn thành, cầu Nhật Tân đã đóng góp một phần rất quan trọng trong nền kinh tế cũng như giao thông vận tải của Thủ đô. Cụ thể, cầu Nhật Tân đã rút ngắn quãng đường di chuyển từ trung tâm thành phố đến sân bay Nội Bài. Bên cạnh đó, cây cầu này cũng làm giảm áp lực giao thông cho nhiều tuyến đường, hạn chế sự ùn tắc vào giờ cao điểm cho cầu Thăng Long.
Cùng với đó, hiện nay còn có thêm cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy… là những nhịp cầu bắc qua sông Hồng tại Thủ đô Hà Nội. Những cây cầu này cũng là lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông, đẩy nhanh quá trình giao thương kết nối. Đặc biệt, quá trình mở rộng và phát triển của Thủ đô, những cây cầu bắc qua sông Hồng nêu trên không chỉ đánh dấu sự phát triển của Hà Nội mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy xã hội Việt Nam vươn lên những tầm cao mới.
Trong đó, Thanh Trì là cây cầu thứ 4 bắc qua sông Hồng, có một vị trí đặc biệt trên tuyến Vành đai 3. Cùng với cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì là cây cầu thứ 2 làm nên một Vành đai 3 hoàn chỉnh của Hà Nội.
Được đưa vào sử dụng cùng với Vành đai 3, cầu Thanh Trì nối quốc lộ 5 với quốc lộ 1 tạo thành chuỗi giao thông liên kết giữa vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và liên thông trục Bắc - Nam. Cầu Thanh Trì sau khi đi vào khai thác cũng đã giải tỏa sức ép giao thông đè nặng lên cầu Chương Dương, đồng thời phân bổ và giảm bớt đáng kể lưu lượng xe, nhất là xe tải, lưu thông qua nội thành Thủ đô.
Trong khi đó, cầu Vĩnh Tuy là cây cầu nối 2 quận của Thủ đô, gồm quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên bắc ngang sông Hồng. Điểm đầu cầu nằm ở phía trung tâm thành phố Hà Nội, thuộc địa phận của phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Điểm cuối thuộc phố Đàm Quang Trung, quận Long Biên.
Còn nhớ, đầu những năm 2000, giao thông qua sông Hồng trên địa bàn rất khó khăn. Thời điểm đó, Hà Nội mới có 3 cây cầu bắc qua sông Hồng là Thăng Long, Long Biên và Chương Dương, trong đó, chỉ có cầu Thăng Long và cầu Chương Dương là ô tô được phép đi qua. Các phương tiện từ các tỉnh, thành phố lân cận, đặc biệt là phía Đông Bắc Hà Nội, muốn ra vào trung tâm Thủ đô thuận tiện chỉ có thể đi qua cầu Chương Dương. Nhu cầu giao thông ngày một tăng nhanh khiến cho cầu Chương Dương luôn bị quá tải.
Bên cạnh ý nghĩa biểu tượng cho công cuộc phát triển đô thị, cầu Thanh Trì nắm giữ vai trò chiến lược trong bản đồ giao thông Thủ đô. |
Trước yêu cầu cấp bách trên, Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP Hà Nội phối hợp Bộ Giao thông vận tải đầu tư dự án cầu Vĩnh Tuy, cách cầu Chương Dương 2,5km về phía hạ lưu. Công trình cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng là sản phẩm nội hoàn toàn, lần đầu tiên do Hà Nội tự thực hiện và giao cho Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn làm chủ đầu tư, quản lý dự án.
Cầu Vĩnh Tuy là cây cầu thứ 5 bắc qua sông Hồng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Với vị trí đắc địa, gần trung tâm thành phố, chỉ cách cầu Chương Dương 2,5km về phía hạ lưu, cầu Vĩnh Tuy có vai trò rất lớn trong việc giải quyết những bức xúc về giao thông nội đô, góp phần hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 2 của thành phố. Cây cầu này đã góp phần rút ngắn lộ trình từ trung tâm thành phố Hà Nội ra quốc lộ 5 đi Hải Phòng, Quảng Ninh khoảng 3km, giảm tải cho cầu Chương Dương và Long Biên. Đồng thời, có ý nghĩa thiết thực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế hai khu vực Bắc - Nam sông Hồng.
Vào tháng 6/2020, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Thành phố đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 theo quy hoạch nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 của Thủ đô; tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm thành phố với khu vực phía Bắc và Đông Bắc Hà Nội. Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 cũng tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Thủ đô, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch. Đến cuối tháng 8/2023, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã chính thức thông xe sau 2,5 năm thi công.
Cầu Vĩnh Tuy khi được đưa vào hoạt động cũng góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm Thủ đô ra các tỉnh phía Đông Hà Nội như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương… Đây là những tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp lớn cả ở trong nước lẫn nước ngoài đầu tư. Việc kết nối giao thông huyết mạch giữa thành phố Hà Nội đến các địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế giữa các vùng miền, tăng khả năng lưu thông hàng hoá giúp tăng trưởng nền kinh tế toàn quốc.
Có thể nói, trong suốt chiều dài hơn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 70 năm sau Giải phóng Thủ đô đến nay đã chứng kiến nhiều đổi thay làm xúc động lòng người yêu Hà Nội.
Thủ đô Hà Nội hôm nay đang ngày càng phát triển, dòng sông Hồng - sông “mẹ” của vùng địa linh Thăng Long - Hà Nội với những cây cầu là chứng nhân, chứng tích của lịch sử bất khuất, kiên cường. Mỗi cây cầu mới đã và sẽ như một tượng đài ghi dấu từng bước phát triển của Hà Nội một thời hòa bình dựng xây và phát triển, tiến lên hiện đại cùng cả nước, vì cả nước.
(Còn nữa)
|
Hậu Lộc - Hoàng Duy - Phạm Mạnh |