eMag azine
02/07/2024 10:00
Bài 3: Hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô

02/07/2024 10:00

TTTĐ - Đối với bộ mặt cảnh quan không gian đô thị, con sông này trở thành không gian kết nối, giao thoa giữa không gian cũ và mới, giữa không gian của lịch sử và tương lai.

khát vọng

Bài 3: Hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô

Sông Hồng gắn liền với sự phát triển trầm thăng của Hà Nội, là nơi hình thành điểm dân cư đầu tiên, giao thương với các tỉnh lân cận, đồng thời là nơi hội tụ nhiều di tích văn hóa - lịch sử. Đối với bộ mặt cảnh quan không gian đô thị, con sông này trở thành không gian kết nối, giao thoa giữa cũ và mới, của lịch sử và tương lai.

Sông Hồng cũng là không gian cảnh quan chủ thể kết nối bờ Bắc và Nam của Thủ đô, trung tâm của các tuyến phát triển không gian và như chứng nhân lịch sử, một cầu nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai mà cầu Long Biên là một chứng tích vắt qua 3 thế kỷ.

Chính vì thế, việc chú trọng nghiên cứu các phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự trở thành trung tâm phát triển của Thủ đô là nhiệm vụ vô cùng cần và cấp thiết - một trong những yếu tố không thể thiếu chính là những cây cầu bắc qua sông.

Bài 3: Hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô

Quán triệt Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết, đồng thời thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng: Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), lập Quy hoạch Thủ đô, lập Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô nhằm sắp xếp, phân bố không gian phát triển cho Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời xây dựng, hình thành thể chế phát triển đồng bộ, vượt trội, ưu tiên, đặc thù và thực hiện các giải pháp, cơ chế về huy động các nguồn lực, động lực để xây dựng và phát triển Thủ đô trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực, thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Bài 3: Hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô
Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045: Hà Nội vượt ngưỡng siêu đô thị, lấy sông Hồng làm trục xanh, cảnh quan trung tâm

Theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 định hướng sông Hồng là 1 trong 5 trục phát triển của Thủ đô. Đây sẽ là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Định hướng này vô cùng quan trọng, là tiền đề đưa ra ý tưởng độc đáo, các giải pháp quy hoạch, tổ chức không gian cảnh quan hấp dẫn hai bên bờ sông và khu vực bãi sông, tạo nên diện mạo mới cho Hà Nội.

Trong đó, Nghị quyết số 15-NQ/TW đã yêu cầu nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý quy hoạch, bảo đảm công khai, minh bạch, có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, vừa tạo ra nguồn lực, không gian và động lực phát triển mới cho Thủ đô, gắn kết hài hòa, hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương khác trong vùng và cả nước; trọng tâm là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội.

Bài 3: Hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, chủ trương của Trung ương và thành phố Hà Nội đã định hướng rõ việc khai thác và phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, đặc biệt là khu vực bãi giữa sông Hồng. Trong đó xác định việc đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng; đầu tư xây dựng các cầu qua sông Hồng chính là một trong những đột phá.

Việc hiện thực hóa khai thác và phát triển trục sông Hồng cũng đã được Bộ Chính trị đưa ra trong Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024 về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo đó, Bộ Chính trị nhấn mạnh cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hoà các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ. Đồng thời, Bộ Chính trị cũng yêu cầu đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, hệ thống cầu qua sông Hồng để mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông; quan tâm hệ thống giao thông kết nối vùng và quốc tế.

Hiện nay, mọi sự quan tâm đều đang đổ dồn về Hà Nội với khát vọng đưa Thủ đô vươn tầm, đó không chỉ là những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) mà còn thể hiện trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Quốc hội khóa XV bàn thảo tại kỳ họp thứ 7.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội tổ chức không gian phát triển tạo nên hình ảnh Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại - Kết nối toàn cầu với những đặc trưng về kinh tế, xã hội, văn hoá, đặc sắc, môi trường xanh, trong lành. Qua đó để người dân được thụ hưởng cuộc sống có chất lượng ngày càng tốt hơn; hướng tới xây dựng Thủ đô đáng sống với đặc trưng “Thủ đô Văn hiến - Kết nối toàn cầu - Thanh lịch hào hoa - Phát triển hài hòa - Thanh bình thịnh vượng” với hệ giá trị cốt lõi: “Chính quyền phục vụ - Doanh nghiệp cống hiến - Xã hội niềm tin - Người dân hạnh phúc”.

Với Quy hoạch Thủ đô, Hà Nội coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022, cũng như các nghị quyết, kết luận của Trung ương mang tính chiến lược với mục tiêu: “Mơ xa, nghĩ lớn - Khát vọng vươn lên - Tầm nhìn chiến lược - Giải pháp thông minh - Hành động quyết liệt - Kết quả thực chất - Phục vụ Nhân dân”.

Bài 3: Hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô

Những năm trước đây, Hà Nội gần như “lãng quên” một khu đất đai rộng lớn và giàu giá trị tại khu phía Bắc sông Hồng. Giờ đây, với tầm nhìn chiến lược của Trung ương và Thành phố về sự phát triển đã “vẽ” nên một Thủ đô thơ mộng với những đô thị thông minh được mọc lên dọc hai bên bờ sông; một thành phố hiện đại nhưng vẫn mang trong mình nét đẹp của quá khứ. Khi đó, sông Hồng hiện lên như một dải lụa mềm mại được tô đẹp bởi những cây cầu từ quá khứ đến hiện tại và cả đến từ tương lai.

Hãy nhìn vào các thành phố lớn trên thế giới như Thượng Hải của Trung Quốc, hay Texas của nước Mỹ… để có được như ngày hôm nay, Chính phủ của họ đã bỏ ra hàng trăm triệu USD để cải tạo và quy hoạch đô thị ven sông. Đáng chú ý nhiều dự án đã phải tốn rất nhiều thời gian và công sức, thậm chí có những công trình cần đến nửa thế kỷ để hoàn thiện. Thế nhưng, trải qua các cuộc “đại cách mạng” đó, những đô thị ven sông được mọc lên, phát triển với cảnh quan tuyệt đẹp phục vụ người dân, du khách, mang lại nguồn lợi rất lớn cho Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Bài 3: Hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô

Tại Việt Nam, chúng ta có đầy đủ các yếu tố để có bước tiến nhảy vọt, sánh ngang cùng các cường quốc năm châu. Đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, nơi trung tâm đầu não của quốc gia có vùng Đồng bằng sông Hồng rộng lớn với nhiều tiềm lực kinh tế làm tiền đề để “cất cánh”. Thế nhưng, để làm được điều này, chúng ta chỉ có thể thu hẹp khoảng cách địa lý đôi bờ sông bằng những cây cầu. Đây là những công trình bắt nhịp cho sự phát triển.

Thực tế, kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt các tỉnh tiểu vùng phía Nam, còn chưa đồng bộ và chưa phát triển đúng mức. Hà Nội mới phát triển được 2/8 trục hướng tâm đã được xác định trong quy hoạch; các nút giao thông vào Thủ đô thường xuyên ùn tắc. Mặt khác, vì là thành phố không có biển, Hà Nội cũng gặp hạn chế trong cạnh tranh về phát triển dịch vụ, logistics, ảnh hưởng đến độ mở nền kinh tế.

Bên cạnh đó, địa hình Thủ đô Hà Nội bị chia cắt bởi hệ thống sông, ngòi; có nền địa chất yếu tạo ra thách thức đến sự phát triển các công trình ngầm, nhất là phát triển không gian ngầm. Do đó, việc phát triển những cây cầu vượt sông với tầm nhìn dài hạn là hướng đi được cho là hoàn toàn đúng đắn.

Với những cây cầu đã thành hình và sẽ được triển khai xây dựng trong tương lại khi bắc qua sông Hồng sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển không chỉ riêng Hà Nội và Đồng bằng sông Hồng, mà nó còn có ý nghĩa lớn đối với sự “sống còn” của đất nước khi điều tiết được tình trạng ùn ứ giao thông, hóa giải được bài toán liên kết vùng từ đó để phát triển kinh tế - xã hội và kết nối các giá trị lịch sử, văn hóa.

Không chỉ có vậy, những cây cầu còn góp phần rất lớn tạo sự hài hòa, cân bằng đôi bên. Đặc biệt là giảm tải cho trung tâm thành phố về sự “bùng nổ” dân số trong những năm gần đây. Qua đó, sẽ từng bước đưa Hà Nội về đúng quỹ đạo của sự phát triển, trở thành trung tâm tầng kinh tế - xã hội phát triển bậc nhất cả nước và khu vực, với những khu đô thị thông minh, phát triển hài hòa hai bên bờ sông.

Có như vậy, thì trung tâm đầu não của cả nước mới thực sự trở thành “vùng rốn” đón nhận các dòng vốn đầu tư của nước ngoài, tạo tiền đề đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới. Như Nghị quyết số 15-NQ/TW đã nêu: Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”.

Bài 3: Hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô
Ông Nguyễn Xuân Tân - Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội.

Ông Nguyễn Xuân Tân - Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội đánh giá, ngoài việc liên kết các huyết mạch giao thông quan trọng ra thì những cây cầu vượt sông Hồng còn có ý nghĩa rất lớn đối với quy hoạch đô thị, tổ chức xã hội của đô thị Hà Nội. Có hệ thống cầu thông thương tốt, phục vụ người dân đi lại thuận tiện mới có thể tái cấu trúc đô thị, phân bố hợp lý mật độ dân cư, từ đó phát triển đồng đều kinh tế - xã hội. Và để không “lỡ nhịp” phát triển, trong năm 2024, Hà Nội dự kiến sẽ triển khai xây dựng 4 cây cầu mang tính chiến lược, khởi đầu cho những bước tiến tiếp theo trong đề án Quy hoạch Thủ đô phát triển dọc sông Hồng.

Qua thực tiễn và kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới cho thấy, mỗi thành phố chỉ có thể phát triển được khi những bờ sông được gắn kết và phát triển hài hòa qua những cây cầu. Kế thừa và phát huy những bài học đó, Chính phủ và Hà Nội đang nỗ lực vẽ nên một Thủ đô phồn thịnh, hùng cường qua những cây cầu đã và đang được hoạch định.

Người xưa có câu “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” đã hàm chứa ý nghĩa quan trọng của hệ thống sông ngòi, kênh, rạch trong đời sống xã hội, đặc biệt là đối với vùng đất trù phú như vùng Đồng bằng sông Hồng. Nghĩa là không có sông, không có nguồn nước thì không thể có thành phố. Sông là nơi quan trọng nhất để cấp nước, thoát nước - điều kiện tiên quyết của một đô thị.

Các nền văn minh rực rỡ của nhân loại đều được hình thành và phát triển tại lưu vực các con sông lớn như văn minh Ai Cập - sông Nil, Ấn Độ - sông Hằng, Trung Hoa - sông Hoàng Hà… bởi nguồn nước từ các con sông phục vụ nhu cầu sinh hoạt và giao thương của con người. Hơn nữa, trước đây khi đường bộ chưa có nhiều, người xưa hoạt động thương mại chủ yếu bằng đường thủy, các thương thuyền chở hàng buôn bán, đối lưu từ đồng bằng lên miền thượng du thường cập hai bên bờ sông để mua bán trao đổi. Do đó, những khu vực ven sông và những nơi có các bến thuyền thường là những nơi trù phú, nhà cửa chợ búa đông đúc, mua bán tấp nập. Ngày nay, trên dòng sông đã có thêm các cây cầu để “nối những bờ vui”, điểm nhấn cho sự phát triển văn minh, hiện đại của Thủ đô nghìn năm tuổi.

Bài 3: Hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô

Theo đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, việc quy hoạch, đầu tư phát triển thành phố hai bờ sông Hồng là rất quan trọng để giúp Hà Nội hiện thực hóa việc phát triển toàn diện cả về chính trị, kinh tế, đối ngoại, văn hóa, xã hội, không chỉ của vùng Đồng bằng sông Hồng, của cả nước, mà còn là cửa ngõ của Đông Nam Á.

GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Thủ đô kết nối đôi bờ sông Hồng. Để lấy sông Hồng làm trung tâm, quy hoạch hệ thống giao thông vận tải, đường sắt đô thị phải đi trước một bước.

Theo đó, cần sớm xác định tổ hợp kiến trúc dọc sông Hồng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông tiếp cận dọc hai bên bờ sông, xây thêm các cây cầu bắc qua sông. Ngoài ra, các chính sách huy động, sử dụng vốn, lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế giải phóng mặt bằng cũng cần thông thoáng hơn, đặc biệt tính đặc thù, vượt trội, mãnh mẽ trong phân cấp, phân quyền. Đây là công việc khó khăn, phức tạp, nhưng nếu thực hiện được sẽ mở ra không gian đáng sống cho Thủ đô.

Bài 3: Hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô

Chưa nói về những cây cầu đang có thì mỗi cây cầu bắc qua sông Hồng trong tương lai có thể sẽ mang những màu sắc, trọng trách khác nhau, nhưng đều có những điểm chung đó là vừa giải quyết vấn đề giao thông, vừa là một điểm nhấn về cảnh quan, là sản phẩm kinh tế, văn hóa, du lịch độc đáo mang đặc trưng Hà Nội, phù hợp với điều kiện tự nhiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội và cả vùng.

Mặc dù vậy, để quy hoạch trở thành thực tiễn, đưa được những bản vẽ ra triển khai thành hiện thực cần rất nhiều thời gian, công sức. Đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Có như vậy chúng ta mới không “lỡ hẹn” với một Thủ đô văn minh, hiện đại, nhưng vẫn mang trong mình những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam đã trường tồn từ bao đời nay.

Trải qua tiến trình phát triển của Thủ đô. Trước đây, do “ngăn sông cách trở” đã vô tình kìm hãm sự phát triển của thành phố. Khi đó, dòng sông Hồng được ví như là vách ngăn khổng lồ, ngăn cản chúng ta tiến vào kỷ nguyên của sự phát triển. Giờ đây việc xóa nhòa sự ngăn cách về không gian qua những nhịp cầu đã và tiếp tục đưa dòng sông trở thành nhân tố phát triển mới. Từ đó tạo dựng nên một Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khi đó chúng ta có thể kỳ vọng về một Thủ đô xanh mang tầm vóc quốc tế.

Với định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân, Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành một thành phố đáng sống tốp đầu thế giới, phát triển mạnh mẽ và giữ được nét đẹp truyền thống của mình, thực sự xứng đáng là Thủ đô của nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc của thời đại Hồ Chí Minh.

Hậu Lộc - Hoàng Duy - Phạm Mạnh


Bài viết liên quan loạt bài "Nghe sông Hồng kể chuyện những cây cầu":

Bài 1: Những cây cầu mang tầm vóc thời đại Bài 2: Phát huy các giá trị, nối tiếp những nhịp cầu bắc qua sông Hồng
Bài 3: Hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô

« Xem bài 2

Hậu Lộc