Bài 127: Sự khác biệt về y đức giữa bệnh viện công và tư
>> Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch:
Bài 126: Đề cao và giữ gìn y đức
Trong xã hội hiện nay, khi mà sức lao động đã trở thành hàng hóa thì việc trả công một cách tương xứng với giá trị sức lao động, kết quả lao động theo đặc thù nghề nghiệp là vấn đề cần được quan tâm hơn. Một câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý là: tại sao trong các cơ sở y tế tư nhân không có hiện tượng "phong bì" hay "sách nhiễu".
Chăm sóc sức khỏe nói chung và khám chữa bệnh nói riêng có một vai trò và vị trí đặc biệt trong xã hội: Chăm sóc sức khỏe liên quan đến việc bảo vệ tính mạng con người trước bệnh tật; Bệnh tật là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến nghèo đói; Chăm sóc sức khỏe liên quan mật thiết đến an sinh xã hội và chính sách xã hội và là một yếu tố không thể thiếu trong an sinh xã hội và an ninh chính trị.
Một lí do nữa xuất phát từ đặc điểm của nghề thầy thuốc: Hành vi thầy thuốc ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh; tác động đến mọi người trong xã hội từ người dân bình thường đến các nguyên thủ quốc gia; có nhiều quyền lực, dễ lạm dụng, dễ có thời cơ lạm dụng; biết nhiều bí mật về cuộc sống, bệnh tật kể cả chuyện thầm kín của người bệnh; dễ gây ra hay làm lây bệnh cho người khác; kỹ năng hành nghề không dễ kiểm soát và không có mẫu hình tốt duy nhất của y đức, đôi lúc khó diễn tả và dễ ngụy biện, chỉ có lương tâm và người cùng hành nghề mới có thể kiểm soát được y đức; có nhiều áp lực, lao động vất vả, môi trường độc hại, nguy hiểm; Nghề thầy thuốc là sự tích hợp của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nghệ thuật.
Những đặc thù đối tác chính của thầy thuốc - người bệnh: Họ thường rơi vào tính mạng lâm nguy, ở ranh giới giữa sống và chết; đau đớn thể xác, khủng hoảng tinh thần, thường kèm theo khủng hoảng cả kinh tế; người bệnh không hiểu biết, không có kiến thức về cách chữa bệnh, có bệnh thì vái tứ phương, nghe thầy thuốc một cách tuyệt đối.
Chúng ta đang xây dựng một nền y tế trong cơ chế thị trường định hướng XHCN. Xây dựng cơ chế thị trường định hướng XHCN có nghĩa là phát huy mặt mạnh của cơ chế thị trường nhưng đồng thời phải giữ vững nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội. Vậy chúng ta cần nhận dạng những đặc điểm của y tế trong cơ chế thị trường là gì, hiểu mặt nào là mạnh và mặt nào là trái.
Thời kì bao cấp, trong chăm sóc sức khỏe nổi lên hai thành phần chính, đó là thầy thuốc và bệnh nhân, mục đích duy nhất của chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh là đảm bảo tính mạng cho người bệnh và sức khỏe cho mọi người. Ngày nay, trong thời kinh tế thị trường, có nhiều thành phần tham gia vào chăm sóc sức khỏe, đó là: thầy thuốc, bệnh nhân, doanh nhân sản xuất thuốc và trang thiết bị y tế, nhà quản lí, tầng lớp môi giới...
Ngoài lợi ích cứu chữa tính mạng của bệnh nhân và đảm bảo sức khỏe nhân dân, còn phải nghĩ đến lợi ích của các thành phần tham gia chăm sóc sức khỏe, đặc biệt của thầy thuốc và các doanh nhân. Nếu như trước kia người thầy thuốc chỉ có 2 động lực chính (động lực tinh thần là cứu chữa người bệnh, phục vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân và động lực khoa học) thì nay còn nổi lên động lực lợi ích (lợi ích chính đáng trong mưu sinh và làm giàu).
Trước kia, trình độ công nghệ cao chậm phát triển, thì nay trong kinh tế thị trường công nghệ cao được ứng dụng và phát triển nhanh, mang lại hiệu quả chữa bệnh cao và lợi nhuận nhanh hơn, cao hơn. Khi công nghệ cao phát triển nhanh có mặt lợi là hiệu quả chẩn đoán và khám chữa bệnh tăng lên rõ rệt, nhưng cũng có mặt trái cần phải tránh, đó là dễ lạm dụng để thu hồi vốn nhanh, thậm chí còn dùng công nghệ cao để “lừa bịp” người bệnh và làm cho người bệnh tốn rất nhiều tiền khi sử dụng các dịch vụ y tế...
Nhìn chung, nếu không nhận dạng được đầy đủ những đặc điểm của y tế trong cơ chế thị trường thì ta không thể phát huy mặt mạnh cùng với việc khắc phục các mặt trái của nó, nhiều khi phải trái lẫn lộn và có lúc sẽ vận dụng việc áp dụng cơ chế thị trường để ngụy biện cho các việc làm trái với đạo đức y tế...
(còn nữa)