eMag azine
12/11/2024 00:00
Bài 2: Cái chữ có đổi được xe máy, đổi được gạo không?

12/11/2024 00:00

TTTĐ - Nhiều năm nay, Thiếu tá Hơ Văn Di, nhân viên vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Trung Lý, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hoá luôn khắc phục khó khăn, miệt mài đưa cái chữ đến đồng bào dân tộc Mông.
Bài 2: Cái chữ có đổi được gạo không?

"THẮP SÁNG" MIỀN BIÊN VIỄN

BÀI 2: CÁI CHỮ CÓ ĐỔI ĐƯỢC XE MÁY, ĐỔI ĐƯỢC GẠO KHÔNG ?

Nhiều năm nay, Thiếu tá Hơ Văn Di, nhân viên vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Trung Lý, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hoá luôn khắc phục khó khăn, miệt mài đưa cái chữ đến đồng bào dân tộc Mông. Anh và các chiến sĩ giúp người dân nắm được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiếp cận khoa học kỹ thuật trong lao động sản xuất, xây dựng đời sống ấm no.

“Ba bám, bốn cùng” với đồng bào

Thiếu tá Hơ Văn Di, sinh năm 1978, sinh ra và lớn lên tại xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Nơi công tác hiện nay của anh là Đồn Biên phòng Hiền Kiệt – Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa. Tính đến nay, anh đã có 24 năm 8 tháng gắn bó với nghề vì Nhân dân phục vụ trên chính mảnh đất quê hương.

Gia đình anh Di nhiều bất hạnh, hoàn cảnh nghèo. Bố mẹ anh mất sớm. Học hết trung học phổ thông, anh Di nhập ngũ vào Bộ đội Biên phòng. Năm 2006, anh được điều động về công tác tại Đồn Biên phòng Trung Lý.

Với nhiệm vụ là cán bộ vận động quần chúng, anh cùng đồng đội khắc phục khó khăn, thực hiện “ba bám, bôn cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào), gắn bó mật thiết với bà con các dân tộc; sát cánh, tham mưu cho chính quyền địa phương củng cố, xây dựng cơ sở chính trị; hướng dẫn, giúp đỡ Nhân dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Các thầy giáo, cô giáo trên địa bàn xã Trung Lý, huyện Mường Lát cho biết, với tâm huyết đem tri thức đến với đồng bào dân tộc Mông vùng sâu, vùng xa biên giới, nhiều năm nay, Thiếu tá Hơ Văn Di, luôn khắc phục khó khăn, miệt mài đưa cái chữ đến với đồng bào dân tộc Mông.

Bài 2: Cái chữ có đổi được gạo không?

Lớp học xoá mù chữ của thầy Di được đông đảo đồng bào ở mọi lứa tuổi theo học

Đêm nào cũng vậy, khi cánh rừng chìm vào bóng tối cũng là lúc lớp học xóa mù chữ do Thiếu tá Hơ Văn Di giảng dạy tại điểm trường Tiểu học bản Pa Búa lại bắt đầu sáng đèn. Các học viên của lớp xóa mù chữ đa phần là phụ nữ bản Pa Búa, xã Trung Lý. Họ ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có người lên chức bà, địu cháu đi học, có những đứa bé ngồi bên bà ngủ gật và cũng có bé lắc lư cùng cái địu trên vai theo nhịp đánh vần của mẹ...

Thầy giáo quân hàm xanh Hơ Văn Di, với phong thái điềm đạm, đến bên cạnh từng học viên để giảng bài một cách tận tình, chi tiết. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Pa Búa Thào Thị Xênh, học viên lớp xóa mù chữ chia sẻ: “Được cán bộ Biên phòng cho đi thăm các bản bên, thấy chị em phụ nữ được học chữ với thầy Di nên đã biết cái chữ, biết làm kinh tế, được các công ty nhận vào làm việc, có thu nhập ổn định nên Ban quản lí bản đã mời thầy Di về dạy cho chị em trong bản biết cái chữ”.

Anh Di tâm sự: Quá trình cắm bản, gắn bó với bà con, anh nhận thấy một trong những căn nguyên khiến bà con dân tộc mình lạc hậu, nghèo đói là do thiếu cái chữ. Mù chữ khiến cho người dân bị động và khó hòa nhập cộng đồng, không có kiến thức áp dụng vào trong đời sống, dẫn đến lạc hậu, đói nghèo.

Bên cạnh đó, dễ bị các đối tượng xấu lừa gạt, lợi dụng, mua chuộc, lôi kéo làm những việc vi phạm pháp luật. Từ thực tế trên, anh đã tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Trung Lý phối hợp với UBND xã Trung Lý tổ chức mở lớp xóa mù chữ tại các bản người Mông trên địa bàn.

Bài 2: Cái chữ có đổi được gạo không?
Thầy giáo quân hàm xanh Hơ Văn Di

Đúng cái lý, hợp cái tình

Chia sẻ về những khó khăn thời gian đầu cùng đồng đội đi vận động bà con đến lớp học, Thiếu tá Di cho biết: "Đa phần người dân không biết chữ ở các bản đều là lao động chính trong gia đình. Có không ít những câu trả lời rất vô tư, thật thà của bà con khiến anh day dứt, đại loại như: Cái chữ có đổi được xe máy không? Có đổi được gạo không?”.

Cùng là người dân tộc Mông, anh Di luôn hiểu điều đó. Anh nghiên cứu cho mình cách tuyên truyền gần gũi, dễ hiểu và sát thực tế: “Bây giờ, mọi nơi đều đổi mới rồi, đồng bào mình cũng cần phải biết cái chữ để không phải lo ăn từng ngày, để có điều kiện đủ ăn, đủ mặc; để trồng cây ngô, cây lúa không sâu bệnh, đạt năng suất cao, nuôi con trâu, con bò, con lợn nhanh lớn, để nuôi dạy con cái tốt; biết chữ để không bị kẻ xấu lừa gạt”, Thiếu tá Di thuyết phục bà con như vậy.

Có những người anh giảng bằng tiếng phổ thông nhưng có nhiều trường hợp anh phải giải thích bằng cả tiếng đồng bào. Như đã thành nếp, các học viên đều nêu cao tính tự giác, nghiêm túc trong quá trình học. Cứ thế, từ sự tận tụy, tình cảm gắn bó, với sự chung tay của đồng chí, đồng đội và các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, nói đúng cái lý, hợp cái tình, “mưa dầm thấm lâu”... lớp học của Đồn Biên phòng Trung Lý hình thành, bà con rủ nhau đến để học cái chữ với thầy Di.

Hành trình

Hành trình "gieo chữ" của thầy giáo quân hàm xanh đầy vất vả, gian nan

Từ năm 2019 đến nay Thiếu tá Hơ Văn Di cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý tham mưu mở thành công 6 lớp xóa mù chữ, với tổng cộng trên 250 học viên tại bản Khằm 1, Khằm 2 và Pa Búa.

Xã Trung Lý là địa bàn chủ yếu là người dân tộc Mông, đa số các hộ dân đều theo đạo Công giáo. Giao thông hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, dân trí thấp, đời sống của bà con còn rất khó khăn, số hộ nghèo còn chiếm hơn 80%.

“Thông qua các lớp học xóa mù chữ, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền cho Nhân dân nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng trong sản xuất, phát triển kinh tế.

Qua chương trình học, chúng tôi tuyên truyền xóa bỏ các tập tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống mới; các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để người dân nắm chắc, hiểu sâu, không cổ xúy, tham gia hoạt động, tuyên truyền đạo trái pháp luật”, Thiếu tá Hơ Văn Di chia sẻ.

Nhiều người cho rằng, vì sao người dân ở vùng biên giới sống trong hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt nhưng họ vẫn vui cười và hạnh phúc? Đơn giản là vì họ bằng lòng với cuộc sống của mình và biết tận hưởng niềm vui từ những điều nhỏ nhất.

Với thầy Di, cũng như nhiều chiến sĩ, thầy cô giáo khác, công tác ở vùng cao chuyện thiếu thốn là hiển nhiên nhưng bù lại có một thứ luôn đầy ắp đó là tình cảm giữa người với người ấm nồng từng ngày. Người ở vùng biên viễn quý thầy giáo như người thân trong nhà và tình quân dân luôn thắm thiết, đong đầy.

(Còn nữa)

Bài viết liên quan:

Bài 1: Lớp học tình thương ở biên giới Việt Nam - Campuchia

Bài viết: Lê Dung

Trình bày: Bình Minh

Lê Dung