Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của người Việt sinh sống ở nước ngoài đối với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước trong suốt chiều dài lịch sử. Đặc biệt, trí thức kiều bào đã và đang đồng lòng hướng về quê hương, huy động sức người, sức của, chuyển giao kiến thức khoa học, công nghệ, kết nối với các nguồn lực quốc tế, đào tạo cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam. Bên cạnh đó, họ chính là “đại sứ truyền thông”, tích cực quảng bá sâu rộng văn hóa Việt ra thế giới.
"Thổi luồng gió" mới cho kiều bào
Trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Toàn Phương, Ủy viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Đối ngoại và Kiều bào cho hay, gia đình ông nhiều năm sinh sống ở San Francisco (Mỹ). Ông Phương nhận thấy, đa số bà con kiều bào đều có tâm nguyện muốn trở về Tổ quốc bởi dù đi đâu, làm gì thì quê hương trong họ vẫn “chỉ có một và chỉ một mà thôi”.
Ông Phương cho rằng, phần lớn trong số 2 triệu người Việt ở Mỹ đều có cái nhìn thiện cảm, tốt đẹp với quê hương. Nhiều người đã về thăm quê, thăm người thân để chứng kiến những bước phát triển kinh tế xã hội từng ngày của đất nước, trở thành động lực tinh thần cho những người khác tiếp tục trở về.
“Việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vừa qua là một thành công của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, tạo sự phấn khởi trong cộng đồng bà con kiều bào trên khắp thế giới nói chung và bà con Việt kiều sinh sống ở Mỹ nói riêng” - Ủy viên Hội đồng Tư vấn Đối ngoại và Kiều bào khẳng định.
Vợ chồng ông Toàn Phương, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Đối ngoại và Kiều bào |
Bà con kiều bảo cảm thấy được Đảng và Nhà nước quan tâm khi trong Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định rõ ràng về quyền lợi của cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong việc sở hữu đất đai ở quê nhà, khiến họ cảm thấy gần gũi với quê hương hơn, là động lực để khích lệ thêm những Việt kiều đang có ý định về Việt Nam đầu tư mạnh dạn hơn, còn những người đã về Việt Nam làm ăn sẽ yên tâm hơn nữa. Đây là yếu tố rất quan trọng, thể hiện Luật đất đai đã sửa đổi theo hướng minh bạch và có lợi hơn cho những người Việt Nam ở nước ngoài. Luật cũng tạo thêm luồng sinh khí mới thúc đẩy và phát triển kinh tế-xã hội của một nước Việt Nam dân chủ pháp quyền, giám sát hiệu quả và có những quyết sách kịp thời.
''Chúng tôi đánh giá cao chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước rất nhất quán, trước sau như một, coi người Việt Nam ở nước ngoài không thể tách rời cộng đồng người Việt. Điều này được thể hiện qua quyết tâm sửa đổi Luật Đất đai, mang lại nhiều lợi ích hơn cho kiều bào sinh sống ở nước ngoài..."
(Ông Toàn Phương, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Đối ngoại và Kiều bào)
“Một trong những thay đổi tích cực của Luật Đất đai (sửa đổi) là những thế hệ người Việt thứ 2, 3 ở nước ngoài vẫn được thừa kế như đồng bào trong nước. Chúng tôi đánh giá cao chủ trương, chính sách của Nhà nước rất nhất quán, trước sau như một, coi người Việt Nam ở nước ngoài không thể tách rời cộng đồng người Việt.
Thêm nữa, chính sách này sửa đổi còn tạo ra cơ chế và công việc cho cán bộ thực thi, công chức làm việc rõ ràng, để các địa phương có cách làm việc nhất quán. Từ đó, chính sách sẽ phát huy được và lan tỏa rộng rãi, có kết quả thật sự tích cực. Kiều bào sinh sống ở nước ngoài có điều kiện kinh tế, có năng khiếu, có kiến thức công nghệ, khoa học và tâm huyết muốn về cống hiến đất nước thì không còn băn khoăn, trăn trở về vấn đề chỗ ở. Cũng từ đây, ngoài thế hệ 1, thì thế 2, thế hệ 3,… họ sẽ có cái nhìn tích cực, đặt niềm tin vào Đảng và Nhà nước, từ đó quyết tâm tham gia vào công cuộc phát triển, xây dựng đất nước” – ông Toàn Phương phấn khởi chia sẻ.
Khi trò chuyện với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, anh Nguyễn Ngọc Vinh, Việt kiều Đức, Giám đốc điều hành Tập đoàn giáo dục WBS Training Vietnam cũng vui mừng đánh giá cao những thay đổi tích cực này bởi việc sửa đổi Luật Đất đai cho thấy chính sách cởi mở của Chính phủ Việt Nam trong thu hút nguồn vốn và nguồn lực từ nước ngoài.
Anh Nguyễn Ngọc Vinh, Việt kiều Đức, Giám đốc điều hành Tập đoàn giáo dục WBS Training Vietnam |
Chia sẻ câu chuyện của bản thân và bạn bè, anh Vinh cho hay: “Vì mang quốc tịch nước ngoài, nên trước đây, việc mua bán nhà cửa, đất đai ở Việt Nam, chúng tôi phải nhờ anh em, bạn bè hoặc người thân đứng tên mua hộ. Điều này phát sinh khá nhiều vấn đề sau này đó là thủ tục, giấy tờ sang tên, thậm chí xảy ra tranh chấp. Vì thế, với những thay đổi mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ rất thuận lợi, mở ra cơ hội đầu tư đối với các kiều bào trong tương lai, cũng như gắn kết kiều bào với Tổ quốc, thể hiện nhất quán tinh thần đại đoàn kết dân tộc và kiều bào là một phần không thể tách rời của dân tộc”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ kiều bào dịp Tết năm 2023 |
Kiều hối tiếp tục là điểm sáng
Có thể thấy rõ, kiều bào ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cả về nguồn lực kinh tế, nguồn lực tri thức và nguồn lực “mềm”.
Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, kiều hối là một nguồn ngoại tệ lớn, tính từ năm 1993 - năm đầu tiên có thông tin thống kê chính thống về lượng ngoại hối gửi về Việt Nam - đến hết năm 2023, đã đạt 238,95 tỷ USD. Đây là nguồn ngoại tệ lớn nhận được so với các nguồn ngoại tệ khác trong cùng một thời gian.
Lượng kiều hối về Việt Nam thuộc loại lớn so với nhiều nước. Về tổng lượng tuyệt đối, Việt Nam năm 2019 đứng thứ 9 thế giới, năm 2021 đứng thứ 8. Nếu tính tỷ lệ so với GDP và bình quân đầu người, thì Việt Nam còn có vị trí cao hơn.
Từ năm 1993 đến 1998, kiều hối về Việt Nam đạt dưới 1 tỷ USD (bình quân 1 năm đạt 416 triệu USD), từ năm 1999 đến 2011 đạt từ 1 tỷ đến 9 tỷ USD (bình quân 1 năm đạt 4,833 tỷ USD); từ năm 2012 đến nay đạt trên 10 tỷ USD (bình quân 1 năm đạt 14,694 tỷ USD), trong đó từ năm 2021 đến nay đạt trên 18 tỷ USD. Năm 2023, lượng kiều hối đạt kỷ lục từ trước đến nay - 19 tỷ USD.
Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối về Việt Nam duy trì vị trí trong Top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong Top 3 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Lượng kiều hối về Việt Nam qua các năm |
Theo cơ cấu theo quốc gia và vùng lãnh thổ, lượng kiều hối chuyển về nước lớn nhất vẫn là là từ Hoa Kỳ (chiếm khoảng 40%, tương đương 7,6 tỷ USD), tiếp đến là Australia, Canada, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Đài Loan, Nhật Bản…
Theo cơ cấu địa phương, TP Hồ Chí Minh vẫn là địa bàn có số lượng kiều hối từ Việt kiều lớn nhất (năm 2020 đạt 6,1 tỷ USD, năm 2021 đạt khoảng 6,5 tỷ USD, năm 2022 trên 8 tỷ USD, năm 2023 trên 9,5 tỷ USD). Nhận lượng kiều hối từ lao động làm việc theo hợp đồng dài hạn từ nước ngoài nhiều nhất là các tỉnh Bắc Trung bộ, Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc…
Với sự tăng lên liên tục và với quy mô tuyệt đối của năm 2023, kỳ vọng lượng kiều hối sẽ vượt qua mốc 20 tỷ USD ngay trong năm 2024.
Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức Hội nghị phổ biến nội dung liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản Chung sức, hướng về Tổ quốc Còn nhớ, năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, kiều bào đã quyên góp số tiền lên tới hơn 80 tỷ đồng, cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng chống COVID-19 và công tác phòng, chống dịch ở trong nước. Nhiều kiều bào tích cực hợp tác chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch với trong nước, thậm chí dành cả cơ sở vật chất của mình ở Việt Nam phục vụ chống dịch, tình nguyện về nước tham gia tuyến đầu chống dịch; tích cực phối hợp với các cơ quan đại diện NVNONN triển khai ngoại giao vắc-xin. Theo số liệu của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mạng lưới 35 hội, hiệp hội doanh nhân kiều bào, 46 tổ chức hội, 94.000 doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực phát huy vai trò kết nối giao thương, hình thành kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài; 7 trung tâm xúc tiến thương mại và trưng bày hàng Việt Nam chất lượng cao được thành lập tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Nga, Australia, Trung Quốc, Đài Loan… Ở nhiều nước như Mỹ, Đức, Czech, Thái Lan… đã hình thành chuỗi bán lẻ, siêu thị tiêu thụ sản phẩm Việt. Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê) đến nay đạt khoảng trên 230 tỉ USD. Hàng năm, có khoảng 500 lượt chuyên gia, trí thức NVNONN tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.
|
Thanh long Việt Nam tại siêu thị Thaikee, trung tâm Sydney (Australia) nhờ vai trò kết nối giao thương, phân phối hàng Việt của kiều bào ở nước ngoài |
Lan tỏa tình yêu với biển đảo
Đáng chú ý, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam tại các nước đã tích cực đóng góp kinh phí ủng hộ chương trình “Cả nước vì Trường Sa”, gửi quà tặng, hiện vật, nhu yếu phẩm thiết yếu cho quân, dân huyện đảo Trường Sa, các nhà giàn.
Tính riêng dịp kỷ niệm 49 năm thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2024) và giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975), 69 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam (7/5/1955), 70 kiều bào đến từ 22 quốc gia đã đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I. Theo đó, gần 1,6 tỷ VNĐ, trong đó có gần 850 triệu đồng ủng hộ chương trình “Cả nước vì Trường Sa”; nhu yếu phẩm trị giá gần 750 triệu đồng được trao trực tiếp cho các điểm đảo, Nhà giàn DK-I/14, chiến sĩ và Nhân dân huyện đảo.
Trong hải trình năm nay, các đại biểu kiều bào đến thăm 5 điểm đảo gồm Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Đông, Đá Tây, thị trấn Trường Sa và Nhà giàn DK-I/14 Phúc Tần. Tại các buổi thăm, bà con đã bày tỏ niềm vinh dự, tự hào được đến thăm phần lãnh thổ máu thịt của đất nước; cảm phục tinh thần dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, vất vả, gian nan của quân và dân trên các điểm đảo và Nhà giàn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Mạnh Đông – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Trưởng Đoàn đại biểu kiều bào – cho biết, những năm qua, việc tổ chức các đoàn công tác thăm Trường Sa và Nhà giàn DK-I đã góp phần quan trọng trong việc lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, biển đảo trong cộng đồng NVNONN, là dịp để bà con được chứng kiến tận mắt quyết tâm và các thành tựu của Đảng và Nhà nước trong việc giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, qua đó tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Kiều bào hạnh phúc khi thăm Trường Sa, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc |
Vui mừng khi chứng kiến sự thay đổi của huyện đảo, chị Cao Hồng Vinh - Ủy viên Ban chấp hành Hội người Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan, thành viên Ban Liên lạc người Việt Nam tại Châu Âu vì biển đảo Việt Nam – xúc động cho biết, đây là lần thứ 2 chị may mắn được ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK-I.
“Sự thay đổi này thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, của toàn dân, toàn quân trong việc khẳng định chủ quyền trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Mỗi kiều bào được đi thăm Trường Sa, sau khi trở về, sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong những hoạt động hướng về Trường Sa thân yêu”, chị Vinh chia sẻ.
Ủy ban về NVNONN cùng đoàn kiều bào ủng hộ gần 1,6 tỷ VNĐ, trong đó có gần 850 triệu đồng ủng hộ chương trình “Cả nước vì Trường Sa”; nhu yếu phẩm trị giá gần 750 triệu đồng cho các điểm đảo, Nhà giàn DK-I/14, chiến sĩ và Nhân dân huyện đảo |
Cùng chung cảm xúc, anh Trần Thắng, kiều bào tại Mỹ, chia sẻ câu chuyện được truyền cảm hứng từ biển đảo quê hương. Năm 2013-2014, anh đã sưu tập được 150 bản đồ cổ Hoàng Sa – Trường Sa và Trung Quốc và trưng bày tại triển lãm đầu tiên tại Đà Nẵng vào tháng 1/2014.
Sau sự kiện này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp tài liệu của anh và Viện Hán Nôm để xây dựng chương trình Biển Đảo Việt Nam và tổ chức 100 cuộc triển lãm trong phạm vi cả nước trong hai năm 2014-2015 nhằm lan toả hào khí biển đảo quê hương trong Nhân dân.
Theo số liệu của Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, trong 11 chuyến tàu đưa kiều bào về với Trường Sa tổ chức từ năm 2012 đến nay, có khoảng gần 600 đại biểu kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tới thăm Trường Sa và Nhà giàn DKI. Trong các chuyến đi, bà con đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, đóng góp về cả vật chất và tinh thần, hướng về biển đảo quê hương. Từ năm 2012-2024, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã quyên góp ủng hộ đóng xuồng chủ quyền, góp phần xây dựng một số công trình trên các điểm đảo, đóng góp mua quà là hiện vật và nhu yếu phẩm gửi tặng các điểm đảo và Nhà giàn DK-I, tổng số tiền ủng hộ lên tới gần 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kiều bào cũng thành lập các diễn đàn, Câu lạc bộ Trường Sa - Hoàng Sa, Quỹ vì biển đảo Việt Nam ở nhiều quốc gia như Ba Lan, Pháp, Hàn Quốc, Singapore…; tăng cường nghiên cứu các biện pháp, sáng chế mới, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sỹ trên đảo; thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo, triển lãm, sáng tác văn, thơ… khẳng định tình yêu đất nước của kiều bào, góp phần tuyên truyền mạnh mẽ đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế về chủ quyền biển đảo Việt Nam. |
Được tham gia hải trình thăm Trường Sa năm nay, anh Thắng rất vui mừng và xúc động, vì có thể “Đi để cảm nhận giá trị thiêng liêng của đất nước, đi để xem biển đảo của Việt Nam đẹp như thế nào. Điều trên hết là, chúng ta tận mắt thấy được ý chí của quân và chiến sỹ hải quân Việt Nam trong tuyến đầu bảo vệ biển đảo”.
Các hoạt động của đoàn kiều bào từ 22 quốc gia trong hải trình thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I dịp 30/4/2024 |
(Còn nữa)
|
Nội dung & trình bày: Thái Sơn |