Coi trọng và lấy văn hoá, gốc rễ truyền thống làm cốt lõi, nhiều thế hệ người Việt sinh sống ở nước ngoài, dù ở bất cứ quốc gia nào cũng luôn hướng về nguồn cội. Đặc biệt, trong đó, rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài thuộc thế hệ Gen Z, Alpha… đã giữ gìn và lan tỏa Tiếng Việt, quảng bá nét văn hóa đặc sắc của dân tộc nơi trời Tây. Đó không chỉ là cách mà họ khẳng định bản sắc Việt với thế giới, mà còn ẩn chứa biết bao tự hào khi mang trong mình dòng máu “con Rồng, cháu Tiên”.
“Tự hào tôi là người Việt Nam”
Trong "Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030", nhiệm vụ quan trọng đặt ra là vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa, vừa phát huy "sức mạnh mềm" văn hoá trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Để làm được điều này, người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đóng vai trò là những “đại sứ”, truyền tải một hình ảnh Việt Nam thân thiện, thanh bình, mới mẻ và đầy bản sắc với bạn bè năm châu.
Cách đây không lâu, ca sĩ Trọng Hiếu, một người gốc Việt, sinh sống tại Đức đã xuất sắc vượt qua hơn 350 thí sinh, giành vị trí thứ 3 trong chung kết Eurovision Song Contest 2023 của Đức, cuộc thi ca hát lớn nhất châu Âu.
“Mình là ai? Mình đến từ đâu” – câu hỏi đó chính là động lực để chàng trai này quyết định sử dụng đàn tranh, nón lá, áo dài – nét đặc sắc của Việt Nam mang tới cuộc thi. Và thật bất ngờ, chất Việt đó hòa quyện trong nét hiện đại của âm nhạc dân gian đương đại qua bản hit “Dare to be different” đã trở thành “vũ khí” đắc dụng để anh chinh phục thành công khán giả quốc tế.
Đáng nói là, Trọng Hiếu cũng là người Việt Nam và châu Á đầu tiên trong lịch sử lọt vào chung kết cuộc thi này.
Trò chuyện với phóng viên, Hiếu kể: “Mỗi lần cất lên câu hát: “Quê hương Việt Nam/ Đưa tôi đi thật xa” là trong tôi lại trào dâng niềm xúc động. Tôi thực sự cảm ơn Việt Nam đã cho tôi thực hiện được ước mơ của mình, cho tôi sức mạnh và sự khác biệt. Tôi muốn đem văn hóa Việt đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Không gì hạnh phúc hơn là biết đến cội nguồn của mình”.
Bằng ngôn ngữ âm nhạc, ca sĩ Trọng Hiếu đã sử dụng nón lá, áo dài để chinh phục khán giả quốc tế.
Hiếu kể, mỗi lần hát “Dare to be different”, anh tự nhắc nhở bản thân rằng: “Tôi là sự kết hợp của 2 nền văn hóa Đức - Việt. Tôi có trong mình sự tự do, phóng khoáng của người Đức, nhưng cũng đồng thời tự hào về nguồn cội gốc Việt của mình”.
Sau cuộc thi, Trọng Hiếu liên tục biểu diễn ở nhiều nước khác nhau trên thế giới để giới thiệu văn hóa Việt Nam. Có thể thấy, thành công của anh không chỉ bởi tài năng, tầm nhìn mà còn là mong muốn, là khát khao của anh được giới thiệu bản sắc văn hóa Việt với thế giới. “Tôi là Trọng Hiếu, tôi muốn chứng minh cho cả thế giới biết rằng, tôi là người Việt Nam và tôi tự hào về điều đó” – anh nhấn mạnh lần nữa.
Clip ca sĩ Trọng Hiếu biểu diễn bài “Dare to be different”
Cũng yêu thích văn hóa truyền thống như Trọng Hiếu, Brian Bùi, chàng trai 25 tuổi được cộng đồng người Việt ở Califonia (Mỹ) ngưỡng mộ qua những tiết mục biểu diễn đàn tranh tại các sự kiện văn hóa. Sinh ra và trưởng thành tại Mỹ nhưng dòng máu Việt vẫn âm thầm chảy trong tâm hồn Brian Bùi. Từ lớp 6, cậu bé Brian đã tỏ ra thích học dòng nhạc dân tộc và tìm hiểu đàn tranh. Được bố mẹ ủng hộ, chàng trai này đã theo học chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại Trường Đại học Pacific.
Tính đến nay, Brian Bùi đã sáng tác khoảng 50 ca khúc tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Điều thú vị hơn là, từ tình yêu với đàn tranh, Brian Bùi đã truyền cảm hứng cho bạn bè quốc tế và con em người Việt sinh sống trong bang. Brian đã mở một lớp dạy piano và đàn tranh cho bạn bè yêu âm nhạc dân tộc. Nhiều học viên là người Việt và người Mỹ lần đầu được nghe và nhìn thấy đàn tranh rất thích thú và tò mò tìm hiểu.
Bên cạnh đó, tại các sự kiện giao lưu văn hóa cộng đồng, Brian Bùi còn rất tích cực mặc áo dài và tham gia biểu diễn với mong muốn “để nhiều người biết hơn về âm nhạc và nhạc cụ của Việt Nam”.
Brian Bùi, chàng trai gốc Việt, lớn lên ở Mỹ, mê đàn tranh và mong muốn bạn bè quốc tế biết đến âm nhạc Việt Nam qua biểu diễn đàn tranh. |
Brian Bùi nói: “Đàn tranh là một loại nhạc cụ dân tộc đặc sắc, có bề dày lịch sử. Brian muốn bè bạn quốc tế nghe về một loại nhạc họ chưa từng thấy, khác với các dòng nhạc họ từng chơi. Qua những nhịp điệu, luyến láy của người chơi đàn tranh, người nghe có thể cảm nhận được bài hát của vùng miền và để thấy âm nhạc của Việt Nam thật nhiều màu sắc".
Chung tay lan tỏa, gìn giữ Tiếng Việt
Văn hóa không thể tách rời ngôn ngữ. Muốn hiểu văn hóa, cội nguồn của mình thì phải thành thạo ngôn ngữ. Nhận thức được điều này, người Việt sinh sống tại nhiều quốc gia đã nỗ lực gìn giữ Tiếng Việt để các thế hệ tiếp nối không quên ngôn ngữ mẹ đẻ. Chính từ đây, họ trở thành “đại sứ” quảng bá văn hóa Việt với bạn bè quốc tế,
Khi trò chuyện với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Toàn Phương, Ủy viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Đối ngoại và Kiều bào thừa nhận, đa số con cái của những người rời Việt Nam đến Mỹ hay ra nước ngoài sinh sống nay đã đến độ tuổi học đại học. Thế hệ F2, F3 này có nhu cầu học Tiếng Việt rất lớn vì các bạn bắt đầu có ý thức nhiều hơn về cội nguồn.
“Vì thế, vấn đề gìn giữ tiếng Việt, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc ngày càng trở nên quan trọng. Được nói tiếng mẹ đẻ hàng ngày là một niềm tự hào và hạnh phúc hơn khi được giới thiệu với bạn bè thế giới về nơi mình sinh ra” – ông Toàn Phương khẳng định.
Cũng chính bởi niềm tự hào và khao khát được nói ngôn ngữ của của mình, những người con xa quê đã tìm ra muôn vàn cách để giúp con em mình nói và lưu giữ tiếng Việt. Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary, ông Lê Trọng Hà nói: “Tại Thủ đô Budapest, Trung tâm Tiếng Việt của chúng tôi thường xuyên tổ chức các sự kiện tương tác, vui chơi với chủ đề về Tiếng Việt thu hút hàng trăm con em kiều bào Việt và cả trẻ em Hungary tham gia như Tết Trung thu, Tết Nguyên đán...
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVVONN Lê Thị Thu Hằng trao giấy khen cho Sứ giả Tiếng Việt tại nước ngoài 2023 - chị Trần Hồng Vân.
Cuộc thi "Tìm kiếm Sứ giả Tiếng Việt tại nước ngoài 2023" cũng đón nhận hàng trăm công dân Việt Nam tại Hungary ghi danh. Ngoài ra, Hungary cũng vinh dự là một trong bốn nước đầu tiên nhận được tủ sách tiếng Việt dành cho người Việt Nam tại nước ngoài với hơn 450 đầu sách lớn nhỏ khác nhau từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài”.
Tại Australia, chị Trần Hồng Vân - Sứ giả Tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023 nhiều năm nay đã theo đuổi công việc dạy Tiếng Việt cho thế hệ F2, F3 tại xứ sở Kanguru.
Xuất phát từ một đề tài nghiên cứu sinh về phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ, chị Vân đã cộng tác với Đài SBS Vietnamese mở chương trình về việc phổ biến và cách dạy Tiếng Việt cho người Việt ở nước sở tại. Chương trình phát 2 tiếng/tuần.
“Trong 57 thứ tiếng thì Tiếng Việt được phát 2 tiếng/tuần, hơn rất nhiều quốc gia khác. Đó là điều tuyệt vời, và còn cho thấy sự đón nhận của cộng đồng ở đây rất nhiệt tình” – chị chia sẻ.
Nói thêm về phương pháp giảng dạy Tiếng Việt trong gia đình, chị Vân nhấn mạnh: “Thực tế hiện nay, thế hệ F2, F3 ở nước ngoài không có điều kiện tiếp xúc với Tiếng Việt do các em học tiếng của nước sở tại trong trường và bố mẹ cũng không nói tiếng Việt. Nhưng khi nghiên cứu về các trường hợp trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, tôi nhận thấy, đối với lớp trẻ là con em của các kiều bào Việt Nam tại hải ngoại, cách phát triển tư duy chính là duy trì ngôn ngữ Tiếng Việt hàng ngày. Cách tốt nhất là để các em và phụ huynh, người trong gia đình nói và giao tiếp bằng Tiếng Việt từ nhỏ”.
Chị Vân bảo, lúc đầu, thuyết phục các gia đình dạy con học Tiếng Việt không hề đơn giản. “Không chỉ bằng lý thuyết mà tôi phải đưa ra những bằng chứng nghiên cứu, thực tiễn, sự nhiệt huyết, uy tín của mình nên dần dần các bậc phụ huynh đã có thái độ tích cực. Thậm chí, nhiều người còn tìm hiểu thêm các biện pháp truyền tải Tiếng Việt cho các em một cách tự nhiên nhất.
Chị Trần Hồng Vân nhận giải thưởng Michael Clyne năm 2023 cho nghiên cứu xuất sắc về giáo dục song ngữ và ngôn ngữ của cộng đồng nhạp cư tại Australia. |
Muốn hiểu sâu về truyền thống, cội nguồn dân tộc thì phải thành thạo ngôn ngữ. Ví dụ, muốn hiểu được truyền thống người Việt như thế nào thì phải dạy con câu chào, hỏi với người cao tuổi ra sao; ăn thì phải mời như thế nào… Có như thế, Tiếng Việt và văn hóa Việt mới đi sâu vào tâm hồn con trẻ một cách tự nhiên nhất, bền vững”, chị Vân chia sẻ.
Đến nay, ngoài dự án Super Speech nhằm huấn luyện cho các bố mẹ Việt Nam tại Australia về phương pháp hỗ trợ cho các con nói Tiếng Việt tại nhà, chị Vân còn mở trường Viet School và các lớp học online vào Chủ nhật hàng tuần, thu hút đông đảo con em người Việt tới học.
“Lớp duy trì đều đặn khoảng 30 cháu. Có những gia đình ở rất xa, phải di chuyển rất mất thời gian, thậm chí, họ phải ở lại người quen tận hôm sau để cho con được học Tiếng Việt. Vất vả đi lại nhưng họ đều không bỏ ngày nào, tham dự đều đặn các buổi học. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục công việc duy trì giảng dạy tiếng mẹ đẻ ở nơi này” – “đại sứ” Hồng Vân bày tỏ.
Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng, việc giữ gìn và phát huy Tiếng Việt nói riêng và bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung trong cộng đồng NVNONN là nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, được khẳng định thành chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12/KL-TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN.
Tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 930/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh Tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” và lựa chọn ngày 8/9 hàng năm là Ngày Tôn vinh Tiếng Việt. Đây là dấu mốc quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của NVNONN.
Công tác giữ gìn Tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được quan tâm. Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước đã hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu dạy và học Tiếng Việt, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên kiều bào, vận động chính quyền sở tại đưa Tiếng Việt vào chương trình giảng dạy của các trường phổ thông, đại học; cử các đoàn văn nghệ trong nước đi biểu diễn phục vụ kiều bào...
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tặng sách tiếng Việt cho các cháu học sinh tại Nhật Bản |
“Đặc biệt, hằng năm, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan đại diện tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: Tìm kiếm Sứ giả Tiếng Việt, hỗ trợ các hội đoàn tổ chức các lớp học tiếng Việt dành cho con em kiều bào, động viên những người có kinh nghiệm đứng lớp giảng bài cho các em… Một số nơi đã có trường dạy Tiếng Việt như ở Lào, có Hội Việt ngữ như ở Nhật Bản…” – Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng trong buổi Phát động Ngày Tôn vinh Tiếng Việt tại Hàn Quốc vừa qua. |
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng |
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng một lần nữa khẳng định: Nghị quyết số 36-NQ/TW đã thực sự mở ra một giai đoạn mới trong việc phát huy nguồn lực to lớn của NVNONN tham gia xây dựng đất nước.
Trong 20 năm qua, Đảng, Nhà nước đã chủ trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhiều luật, quy định…, tất cả đều có mục tiêu tạo thuận lợi cao nhất cho bà con kiều bào sinh sống, về thăm quê hương, đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học công nghệ… Điển hình như Luật Đất đai, Luật Căn cước công dân, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Quốc tịch, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Khoa học Công nghệ, Luật Giáo dục Đại học, các biện pháp tạo thuận lợi về xuất nhập cảnh và lưu trú cho kiều bào...
Đặc biệt, Đề án “Phát huy nguồn lực của NVNONN phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” được Chính phủ thông qua tháng 11/2023 vừa qua có mục tiêu tổng quát là huy động nguồn lực NVNONN tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với mục tiêu phát triển của Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội Đảng lần XIII đã đề ra.
Ông Mai Phan Dũng - Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO "Phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cộng đồng NVNONN ngay từ khi mới hình thành, đã luôn đồng hành cùng đất nước, tham gia đóng góp nguồn lực tri thức, nguồn lực kinh tế và nguồn lực “mềm” cho Tổ quốc. Về nguồn lực “mềm”, kiều bào ở các nước ngày càng hội nhập sâu vào xã hội sở tại, có vị thế vững chắc hơn, tham gia vào hệ thống chính trị ở các cấp độ khác nhau như tại Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…. Số người Việt, gốc Việt tham gia, giữ vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế có xu hướng tăng lên. Đây là tiền đề quan trọng, góp phần tăng cường lòng tin, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Nhân dân, chính giới, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế". |
Theo Thứ trưởng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Các Nghị quyết số 36-NQ/TW (năm 2004), Chỉ thị số 45-CT/TW (năm 2015) và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới (2021), là nền tảng thúc đẩy đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc với NVNONN. Trong đó, chủ trương “Công tác đối với NVNONN cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc”; “mọi người Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Mới đây nhất, Nghị quyết số 43-NQ/TW (năm 2023) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
"Tôi nghĩ, nếu chúng ta có nhiều hơn và triển khai tốt hơn những chính sách trọng dụng, trọng đãi, thì sẽ khơi dậy mạnh mẽ nguồn lực to lớn trong cộng đồng NVNONN, đóng góp cho sự phát triển của đất nước" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Kiều bào Việt dù ở khắp năm châu vẫn hướng về cội nguồn, tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 hằng năm |
Nội dung & Trình bày: Thái Sơn |
|