eMag azine
11/06/2024 08:00
Bài 2: Thanh niên lập bản đồ số “địa chỉ đỏ”

11/06/2024 08:00

TTTĐ - Các công trình Bản đồ số “địa chỉ đỏ”, Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số tuyên truyền, quảng bá các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa, của tuổi trẻ Thủ đô đã tạo ra những cuốn “cẩm nang du lịch số” rất tiện lợi, hữu ích.
Bài 2: Thanh niên lập bản đồ số “địa chỉ đỏ”

Các công trình Bản đồ số “địa chỉ đỏ”, Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử - văn hóa, của tuổi trẻ Thủ đô đã tạo ra những cuốn “cẩm nang du lịch số” rất tiện lợi, hữu ích.

Qua ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo… giúp giảm chi phí giới thiệu, quảng bá vừa bảo đảm tra cứu, tìm hiểu nhanh chóng, dễ dàng, đầy đủ, sinh động về truyền thống lịch sử, văn hoá, các địa danh.

Mã hoá - giảm chi phí, tìm hiểu nhanh

Đình Chèm tọa lạc tại phường Thuỵ Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội có lịch sử hơn 2300 năm. Nằm bên sông Hồng, biểu tượng của nền văn minh lúa nước, đình Chèm chứng kiến những biến thiên thăng trầm của lịch sử, cất giữ những lớp tầng phù sa bồi đắp ngàn năm, nơi hội tụ của dòng chảy tinh hoa từ muôn nơi. Ngôi đình cổ kính đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Bài 2: Thanh niên lập bản đồ số “địa chỉ đỏ”

Tất cả các thông tin về đình được thanh niên quận Bắc Từ Liêm số hoá. Công trình “Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số tuyên truyền, quảng bá các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa” của tuổi trẻ quận được ví như một cuốn "cẩm nang du lịch số" rất tiện lợi, hữu ích. Qua ứng dụng vừa giúp giảm chi phí giới thiệu, quảng bá vừa bảo đảm tra cứu, tìm hiểu nhanh chóng, dễ dàng, đầy đủ đến du khách.

Anh Nguyễn Đức Ngọc, Quận uỷ viên, Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, Quận đoàn đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ Meta365 triển khai xây dựng công trình “Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số tuyên truyền, quảng bá các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa” trên địa bàn.

Để xây dựng các điểm mã QR, các cấp bộ Đoàn khảo sát nhu cầu thông tin của du khách khi đến tham quan "địa chỉ đỏ", di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, lựa chọn điểm triển khai công trình đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Bài 2: Thanh niên lập bản đồ số “địa chỉ đỏ”

Thanh niên quận Bắc Từ Liêm đã lập bản đồ số đình Chèm và nhiều điểm di tích trên địa bàn

Trí tuệ nhân tạo - AI cùng “chỉ đường”

“Chúng tôi phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý, thông tấn báo chí, trung tâm thông tin - truyền thông các cấp để tổng hợp, biên tập và xây dựng thành ấn phẩm tuyên truyền bao gồm Infographic, Video clip được số hóa trong các mã QR.

Tại các di tích lịch sử - văn hóa, địa chỉ đỏ, điểm mã QR được thiết kế, xây dựng dưới dạng pano, biển bảng giới thiệu ngoài ra các mã QR còn được tuyên truyền sâu rộng trên các kênh thông tin, internet; mạng xã hội”, anh Nguyễn Đức Ngọc chia sẻ.

Phối hợp cùng với Quận đoàn, những tài năng trẻ đến từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ Meta365 đã làm nên công trình kỳ diệu. Khi đi vào sử dụng, ứng dụng AI, lời thoại được thực hiện tự động (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) giới thiệu về di tích, hình ảnh 360 độ, video quay toàn cảnh, cận cảnh di tích lịch sử. Đặc biệt khi ứng dụng công nghệ quan sát thực tế ảo, người xem có cảm giác như đang trải nghiệm thực tế, dễ dàng tìm hiểu thông tin, tra cứu dựa vào tính năng chỉ đường.

Trong thời gian qua, tuổi trẻ quận Bắc Từ Liêm đã triển khai công trình số hóa này tại gần 10 địa điểm di tích trên địa bàn. Đây là những di tích có giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật của quận Bắc Từ Liêm.

“Đại sứ” thuyết minh song ngữ

Công trình thanh niên cấp thành phố “Bản đồ số địa chỉ đỏ” quận Cầu Giấy tại chùa Hà - một trong sáu điểm di tích trên địa bàn quận được tái hiện qua không gian bản đồ số đã đưa vào sử dụng. Các di tích được tích hợp thuyết minh bằng ngôn ngữ tiếng Anh - Việt với sự xuất hiện hình ảnh của “đại sứ” tuyên truyền lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội, truyền tải thông tin đến với người tham quan...

Chùa Hà - địa danh mang đậm nét văn hoá tâm linh truyền thống của dân tộc ta, nằm trên địa bàn phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Chùa nổi tiếng với sự linh thiêng và là một trong những chứng nhân lịch sử. Không chỉ mang nét đẹp cổ kính lâu đời, chùa Hà còn là nơi hoạt động cách mạng bí mật trong những năm 1945...

Theo ông Nguyễn Minh Hiếu, Quận uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chúng ta đều biết chùa Hà là một di tích lịch sử, linh thiêng, được đông đảo phật tử nhiều nơi trên cả nước, đặc biệt là người dân quận cũng như Thủ đô đến chiêm bái. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian tìm hiểu kỹ các yếu tố lịch sử của ngôi chùa này.

“Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, chúng ta có điều kiện triển khai, tích hợp thông tin, giới thiệu về di tích, để mọi người đều có thể dễ dàng tìm hiểu một cách đầy đủ, sâu sắc. Công trình thanh niên “Bản đồ số địa chỉ đỏ” tại chùa Hà cũng như 5 di tích khác nữa trên địa bàn là việc làm vô cùng ý nghĩa, góp phần tuyên truyền, lan toả giá trị di tích và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ngày nay”, ông Hiếu chia sẻ.

Công trình số hoá
Công trình Bản đồ số "địa chỉ đỏ" của thanh niên quận Cầu Giấy

Tư liệu quý để giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử

Chị Lê Thị Thu Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội, Quận uỷ viên, Bí thư Quận đoàn Cầu Giấy cho biết: “Sau một năm cùng Đoàn Thanh niên thành phố triển khai, không gian chùa Hà và 5 điểm di tích khác trên địa bàn gồm: Nhà cụ Tạ Đình Tán; Mộ các chiến sĩ Hà Thành đầu độc năm 1908; Quán cây, ao cá thuộc khu đình Bái Ân; Đình Hậu; Nhà bà Hai Nhã trên địa bàn quận đã được tái hiện qua không gian bản đồ số.

Hệ thống này là những tư liệu quý giá góp phần tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho từng đoàn viên, thanh niên, Nhân dân Thủ đô và góp phần phát huy lòng tự hào về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Tại quận Ba Đình, Đoàn Thanh niên cũng triển khai công trình số hóa di tích lịch sử, quảng bá du lịch. Chỉ cần một thiết bị điện tử thông minh và thực hiện quét mã QR là du khách có chuyến du lịch trải nghiệm tham quan các điểm di tích lịch sử nổi tiếng trên địa bàn.

Bài 2: Thanh niên lập bản đồ số “địa chỉ đỏ”

Chị Nguyễn Thị Thanh Phượng, Bí thư Quận đoàn Ba Đình cho hay: “Chúng tôi đã áp dụng công nghệ thực tế ảo xây dựng tour du lịch thực tế ảo trải nghiệm 5 địa điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn quận, gồm: Hoàng Thành Thăng Long, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi cũng đã tích hợp hướng dẫn viên du lịch ảo với hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh để có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho du khách”.

Trong thời gian qua, tuổi trẻ Thủ đô đã nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan, từ đó đưa ra giải pháp thiết lập hệ thống bản đồ số dữ liệu các “địa chỉ đỏ” và hệ sinh thái trao đổi thông tin, kiến thức lịch sử cho đoàn viên, thanh niên.

Bài 2: Thanh niên lập bản đồ số “địa chỉ đỏ”

Số hoá "địa chỉ đỏ" giúp chúng ta dễ dàng tìm hiểu về di tích lịch sử, văn hoá

Hệ thống bản đồ số thể hiện sự phân bố các điểm di tích ở Hà Nội, có chức năng tìm kiếm cũng như lọc theo quận, huyện. Các địa điểm di tích sẽ được đính trên bản đồ tại toạ độ chính xác của địa điểm đó. Người tham quan có thể click vào điểm trên bản đồ, để tham quan di tích tương ứng. Ở giao diện tham quan một di tích có nút quay về màn hình bản đồ tổng.

Trải nghiệm tour du lịch thực tế ảo, bạn Vũ Thị Hằng (thanh niên quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Chỉ việc quét mã QR mà như được đi du lịch tôi thấy rất thú vị, vừa có thể biết được nguồn gốc lịch sử của di tích một cách rõ ràng, chi tiết, vừa được trải nghiệm hình ảnh chân thực, sống động, dễ hiểu. Mình cũng đã thử các tính năng: Chụp ảnh selfie trong không gian ảo, tán gẫu, trò chuyện, hỏi đáp, nhìn thấy hình 3D của người dùng khác di chuyển trong không gian ảo… của bản đồ số và cảm thấy rất thú vị”.

Các công trình số hoá “địa chỉ đỏ” này là mô hình thiết thực mà Thành đoàn Hà Nội tham mưu thực hiện trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2025, nhằm cụ thể hóa các phần việc của tuổi trẻ Thủ đô thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Bài 2: Thanh niên lập bản đồ số “địa chỉ đỏ”

Thanh niên Hà Nội số hoá các khu di tích, đình chùa trên địa bàn thành phố

Anh Nguyễn Đức Tiến, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, đến nay, Đoàn Thanh niên thành phố đã triển khai số hóa được 150 “địa chỉ đỏ”.

Cùng với đó, tại cơ sở Đoàn Thanh niên các quận, huyện, thị xã cũng triển khai số hóa các di tích trên địa bàn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất thông tin, góp phần thuận lợi hơn trong việc lưu giữ cũng như quảng bá các giá trị văn hóa của địa phương ở Thủ đô.

Hoạt động này cần được đẩy mạnh hơn nữa để không những góp phần lưu trữ những tư liệu, hình ảnh quý, xây dựng được hệ thống dữ liệu chung của các di tích, "địa chỉ đỏ" trên địa bàn thành phố Hà Nội, mà còn giúp người dân trong và ngoài nước hiểu biết, thêm yêu văn hóa truyền thống của Thủ đô.

(Còn nữa)

Bài viết và trình bày: Lê Dung

Việc làm nhỏ - lan toả lớn

Lê Dung