eMag azine
20/11/2024 22:16
Bài 2: Trải thảm đỏ nhưng Hà Nội vẫn thiếu nhân tài

20/11/2024 22:16

TTTĐ - Đảng và Nhà nước và thành phố Hà Nội đã có nhiều văn bản hướng dẫn, chiêu mộ nhân tài, mới đây nhất, Luật Thủ đô sửa đổi năm 2024 cũng đã có nhiều đổi mới, trong đó có những điều khoản trọng dụng, thu hút người giỏi. Tuy nhiên, thực tế trong các cơ quan Nhà nước, việc tuyển và sử dụng người giỏi dù trên tinh thần “trải thảm đỏ đón nhân tài” vẫn gặp phải nhiều khó khăn.

Hà Nội

Trải thảm đỏ nhưng Hà Nội vẫn thiếu nhân tài

Hiện nay, về mặt hành lang pháp lý, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế để thu hút người giỏi. Mới đây nhất, trong Luật Thủ đô sửa đổi năm 2024 đã có thêm nhiều thay đổi để tạo điều kiện cho Hà Nội thu hút, trọng dụng nhân tài.

Trước đó, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách như: Nghị quyết 14/2013/NQ-HĐND thành phố Hà Nội về trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Theo đó, những người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập, công tác và lao động sẽ có nhiều đặc cách….

Năm 2015, UBND thành phố ban hành Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND về Quy chế tuyên dương, khen thưởng thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viên trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đến năm 2017, UBND thành phố ban hành Quyết định số 3263/QĐ-UBND ngày 26/5/2017 về việc phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm các cơ quan hành chính trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Năm 2023, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2755/QĐ-UBND về kế hoạch tiếp tục và mở rộng thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố… Các văn bản này kết hợp cùng quy định của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ, thành phố Hà Nội đã tạo thành một hệ thống pháp lý cơ bản về thu hút sử dụng nhân tài.

Dù có nhiều chính sách tốt nhưng qua quá trình thực hiện, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Nội dung của quy định mới chỉ tập trung vào việc thu hút nhân tài mà chưa quan tâm đến việc phát triển và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao; phạm vi các đối tượng được áp dụng chính sách trọng dụng còn hạn chế; số lượng người được tuyển dụng nói chung còn khiêm tốn so với số người thực tế thuộc các nhóm đối tượng được thu hút.

Ngoài ra, một vấn đề khiến nhiều người trẻ gặp phải khi làm trong cơ quan nhà nước là người giỏi vẫn bị “ngó lơ”, thậm chí bị “đì”, không thể phát triển. Dù có nhiều sáng kiến nhiều người không được cơ sở chú trọng, sử dụng… Điều này khiến không ít nhân sự giỏi chán nản, chuyển ra cơ quan tư nhân hoặc không muốn phấn đấu, chỉ làm tròn vai, hết thời gian rồi về dẫn đến tình trạng lãng phí tài năng.

Bài 2: Trải thảm đỏ nhưng Hà Nội vẫn thiếu nhân tài
Thanh niên là lực lượng xung kích đi đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Có thể thấy, chính sách và thực tế hiện vẫn chưa đồng bộ, sự vận dụng chính sách vào cuộc sống còn nhiều khó khăn và rắc rối. Con người là gốc rễ của mọi thành công và trong đó giáo dục là căn nguyên của sự phát triển. Vậy nhưng chỉ nói riêng trong lĩnh vực giáo dục, Hà Nội hiện còn nhiều bất cập.

Ba Đình - quận trung tâm của Hà Nội, dù thời gian qua, lãnh đạo quận rất quan tâm đến việc tuyển dụng người giỏi, tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản. Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho biết: "Quận Ba Đình có chính sách thu hút nhân tài cho ngành Giáo dục thông qua tuyển dụng đặc cách, có cơ chế đãi ngộ và tạo môi trường làm việc thuận lợi. Ngành Giáo dục quận trong vài năm gần đây luôn vươn lên trong hệ thống xếp hạng của thành phố, từ cấp 17, năm nay đã đứng ở vị trí thứ 2. Để lên được như vậy, từ hệ thống chính trị quận, trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo quận luôn quan tâm, tạo điều kiện.

Về việc bổ sung vào đội ngũ giáo viên trên địa bàn, quận đã ra phương thức tuyển sinh mới, rất khách quan, công bằng, nhằm chọn được những người giỏi nhất trong các kỳ thi mỗi môn. Theo đó, cơ chế tuyển dụng là thi qua hình thức sơ tuyển vòng 1 và phỏng vấn vòng 2. Như thế, chúng tôi sẽ nhìn được toàn diện con người qua cả đường hình, đường tiếng, cách giảng dạy… Với phương thức tuyển dụng này, 3 năm nay, chúng tôi đã chọn được nhiều người giỏi, trong đó có không ít thủ khoa, người tốt nghiệp đại học bằng giỏi, xuất sắc, có những bạn đạt 99/100 điểm”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thuận, dù có nhiều đổi mới, khuyến khích, tạo môi trường phát triển cho người giỏi nhưng ngành Giáo dục Quận tuyển được thủ khoa, người tốt nghiệp loại xuất sắc chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Một điều dễ nhìn ra, ở các cơ quan Nhà nước dù đãi ngộ nhưng lương không tăng theo tương ứng. Bên cạnh đó là sự lo lắng, không yên tâm khi làm việc. Bởi ban đầu người giỏi về làm việc họ rất là hào hứng, cố gắng nhưng khi càng nghĩ ra nhiều ý tưởng mới thì càng phải làm nhiều việc, mà như thế lại dễ sai (vì cái mới thường chưa có điều lệ hay quy định) nhưng khi sai chưa chắc đã có người đỡ...

Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ không cao, dù anh có làm lợi cho cơ quan rất nhiều thì khi được thưởng, anh cũng chỉ được hưởng chế độ theo hệ số lương. Chính vì những cái nằm trong chủ trương, đường lối, quan điểm thì đưa hết vào Nghị quyết rồi nhưng trong thực tế vẫn còn những khoảng cách quá lớn”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình nói.

Bài 2: Trải thảm đỏ nhưng Hà Nội vẫn thiếu nhân tài
Quận Ba Đình có chính sách thu hút nhân tài cho ngành Giáo dục thông qua tuyển dụng đặc cách, có cơ chế đãi ngộ và tạo môi trường làm việc thuận lợi

Tổ chức Đoàn Thanh niên được coi là cánh tay phải của Đảng. Đảng và Nhà nước luôn dành cho thanh niên sự quan tâm đặc biệt, mong muốn xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, có bản lĩnh, trí tuệ, hoài bão lớn, nung nấu và nuôi dưỡng chí lớn, trở thành lực lượng hùng hậu, kế tục sự nghiệp vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Điều đó được thể hiện sâu sắc trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm thúc đẩy sự phát triển của thanh niên, nhất là trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số.

Thế nhưng ngay tại chính nội hàm của tổ chức thanh niên lại đang thiếu vắng nguồn nhân lực chất lượng. Tại địa bàn dân cư, nhiều thanh niên với lý do đi làm xa, bận các công việc mưu sinh không sinh hoạt Đoàn, không mặn mà với công tác cán bộ.

Không chỉ tại những chung cư, khu công nghiệp, vùng dân cư, ngay cả nơi khối công nhân viên chức, trường học - địa bàn được coi là vững chãi nhất của tổ chức Đoàn, công tác phát triển nhân lực cán bộ vẫn gặp khó khăn. Vì “không có ai chịu làm cán bộ Đoàn” và cả việc “bí bách đầu ra cho cán bộ Đoàn” nên nhiều thủ lĩnh tại cơ sở đến tuổi “bố của đoàn viên” vẫn là Bí thư Đoàn.

Bài 2: Trải thảm đỏ nhưng Hà Nội vẫn thiếu nhân tài
Ngay tại chính nội hàm của tổ chức thanh niên lại đang thiếu vắng nguồn nhân lực chất lượng

Theo thống kê của báo Tuổi trẻ Thủ đô: Về số lượng Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn toàn thành phố hiện có 556 đồng chí/579 xã, phường, thị trấn, hiện vẫn thiếu 23 đồng chí. Độ tuổi bình quân Bí thư Đoàn cấp cơ sở: 32.49 tuổi, trong đó vẫn có đồng chí sinh 1981, 42 tuổi gánh vác chức Bí thư Đoàn xã.

Vì thiếu đội ngũ nhân sự tài năng và tâm huyết nên ở nhiều địa bàn trên thành phố công tác chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn. Tại trường THCS Trần Đăng Ninh (quận Hà Đông, Hà Nội) nhiều phụ huynh từng rất bức xúc với việc không rõ nguyên nhân nhà trường liên tục thay đổi thời khóa biểu.

Họ cho rằng, làm như thế là Ban Giám hiệu nhà trường gây khó khăn cho các con học sinh. Việc thay đổi liên tục thời khóa biểu khiến các con thường xuyên quên vở, chất lượng học bài tại nhà không đạt hiệu quả cao do các con nhầm lịch học ở lớp...

Lý giải về vấn đề này, theo nhà giáo Lê Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Vì thiếu giáo viên, nên tính chủ động trong thiết kế kế hoạch dạy học trở nên bất cập. Chẳng hạn như một giáo viên phải đảm nhiệm nhiều tiết/tuần dẫn đến việc thời khóa biểu phải đảo lộn. Tuần này cô giáo A có thời gian dạy môn B, tuần sau cô giáo A lại phải đi dạy môn C... nên không thể để nguyên thời khóa biểu cho học sinh một cách cố định được. Tính logic, khoa học của môn học bị phá vỡ khi trường phải loay hoay bố trí giáo viên, đảo lộn các phần khác nhau trong chương trình môn học”.

Bài 2: Trải thảm đỏ nhưng Hà Nội vẫn thiếu nhân tài
Phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế

Còn với Đoàn Thanh niên, Công tác cán bộ Đoàn ở các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực; các khâu tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng và luân chuyển cán bộ Đoàn từng bước được nâng lên, đội ngũ cán bộ Đoàn từng bước được chuẩn hóa, tác động tích cực đến chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn các cấp. Việc tạo nguồn, tuyển dụng cán bộ Đoàn trong cả hệ thống thường xuyên được tăng cường, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác cán bộ trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, những hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao dẫn đến hệ lụy không nhỏ cho tổ chức Đoàn: Chất lượng của các phong trào chưa được như mong đợi của xã hội; tổ chức Đoàn vẫn xa rời với giới trẻ; hoạt động Đoàn còn mang tính hình thức, thiên về hô hào khẩu hiệu; kết cấu của tổ chức Đoàn còn nhiều lỏng lẻo, thậm chí có cả những vùng thiếu khuyết cần được khắc phục...

Thời gian tới, Thành đoàn Hà Nội tiếp tục đặt ra mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các nội dung của công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn có phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, đặc biệt, trong công tác nhận xét, đánh giá cán bộ Đoàn các cấp, cần thực hiện việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đối với cán bộ Đoàn công bằng, công khai, minh bạch theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể, công khai kết quả đánh giá.

Đoàn cần tập trung công tác phát hiện, quy hoạch, bố trí sử dụng hợp lý nguồn cán bộ, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ phát huy hết năng lực, phẩm chất, sở trường, cống hiến rèn luyện; chủ động rà soát trong hệ thống phát hiện những nhân tố tích cực, xuất sắc, có tố chất, năng khiếu thanh vận để bồi dưỡng tạo nguồn làm cán bộ Đoàn; tham mưu cho cấp ủy đổi mới phương thức tuyển dụng, chú trọng thu hút sinh viên có kết quả xuất sắc về công tác tại các cơ quan của Đoàn.

Thực hiện: Anh Vũ - Thi Mai - Lê Trang

(Còn nữa)

Bài viết liên quan:

Bài 1: Mở lối tìm người tài

Lê Trang Anh Vũ Thi Mai