|
|
Ông Trần Văn Thụ, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 21, Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, đã đảm nhiệm vai trò này khóa thứ hai. Trước khi nghỉ hưu vào năm 2019, ông làm việc tại Công an thành phố Hà Nội. Từ năm 2020, ông tham gia công tác chi bộ ở khu dân cư.
Ông Thụ chia sẻ: “Hiện nay, ở các chi bộ ở khu chung cư, một trong những khó khăn lớn là công tác nhân sự, đặc biệt là vào các kỳ đại hội. Bởi thế, khi cấp ủy tiền nhiệm thấy đảng viên nào sắp về hưu là sẽ “săn đón” để đưa vào cấp ủy chi bộ. Thực tế, chúng tôi cũng như nhiều người khác rất muốn nghỉ hưu, thanh nhàn về già nhưng cuối cùng vẫn phải… đồng ý làm Bí thư chi bộ. Tôi nghĩ rằng, đây là sự day dứt chung của các đồng chí Bí thư chi bộ khu chung cư, khu đô thị, chứ không chỉ của riêng ai”.
|
Theo ông, công tác phát triển đảng viên ở chi bộ khu chung cư cũng gặp nhiều khó khăn. Khác với các đơn vị như trường học, đơn vị công an, quân đội hay các cơ quan Nhà nước, sinh hoạt theo quy định và nền nếp, ở khu chung cư, người dân đến từ khắp các tỉnh, thành và công tác ở nhiều đơn vị, lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, dẫu khó khăn nhưng không có nghĩa là không làm. Thông qua các hoạt động của tổ dân phố, các tổ chức hội, đoàn thể, Bí thư chi bộ tận tình động viên quần chúng ưu tú để phát triển Đảng.
Thực tiễn chứng minh, chi bộ khu chung cư có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng tại cơ sở. Chi bộ là cầu nối giúp Đảng, chính quyền cơ sở lãnh đạo, quản lý đảng viên và cư dân, lắng nghe ý kiến, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ông Thụ và các đảng viên Chi bộ Tổ dân phố số 21 cùng người dân dọn cây xanh bị đổ sau bão Yagi |
Tổ dân phố 21 có hơn 100 đảng viên, chủ yếu là các cô, bác đã nghỉ hưu. Ở đây, người dân đến từ nhiều tỉnh, thành mua nhà chung cư, biệt thự, rồi về sinh sống, tạo nên một cộng đồng đa dạng. Với dân số khoảng 600 hộ, tương đương hơn 2.000 nhân khẩu, những mâu thuẫn, bức xúc trong dân cư là điều không thể tránh khỏi.
|
Những xung đột này đôi khi “leo thang” đến mức phải nhờ đến sự can thiệp của công an phường. Tuy nhiên, sau quá trình vận động và tuyên truyền của Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, người dân dần hiểu ra và chấp hành nghiêm túc các quy định; yêu thương, đoàn kết với nhau hơn, xây dựng cộng đồng dân cư văn minh.
Ông Thụ chia sẻ: Chuyện mâu thuẫn và Bí thư chi bộ đi vận động, hoà giải là thường tình ở khu dân cư. Một ví dụ là vào thời điểm bắt đầu chống dịch COVID-19. Khi Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch nhưng các hoạt động vui chơi của thanh thiếu nhi tại sân đánh bóng rổ Tổ dân phố số 21 vẫn diễn ra sôi nổi. Các bạn trẻ ở đây và cả ở nơi khác đến đánh bóng hằng ngày.
Trước tình thế đó, chi bộ, tổ dân phố quyết tâm tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi mục đích sử dụng sân chơi này, từ sân bóng rổ thành sân vui chơi chung của cộng đồng và tổ dân phố quản lý. Dù tuyên truyền, vận động rất nhiều lần nhưng nhiều bạn trẻ và người dân vẫn “cố tình” không hiểu rõ tình hình.
Một số hộ dân có con hay chơi bóng rổ tại sân phản đối và đặt nhiều câu hỏi cho chi bộ, cũng như tổ dân phố. Chính việc này mà ông Thụ và chi bộ phải liên tục họp và phân công đầy đủ thành phần cấp ủy, tổ dân phố, chi hội, đoàn thể, đặt lịch làm việc với các hộ gia đình phản đối chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng sân chơi.
“Chúng tôi đã tổ chức 4-5 buổi họp, làm việc với các hộ dân và quyết tâm chuyển đổi mục đích sử dụng sân chơi bóng rổ. Có những người dân ở đây là luật sư, nhà báo “chất vấn” Bí thư chi bộ rất nhiều câu hỏi tại sao lại thực hiện chuyển đổi? Rồi các cháu hay chơi bóng đến tận nhà tôi hỏi lý do tại sao chuyển đổi sân chơi?”, ông Thụ kể.
Trước những câu hỏi, phản đối của người dân, ông Thụ đã ân cần giải thích cho từng người hiểu gốc rễ vấn đề. Rằng đó là chủ trương, là việc làm cần thiết để phòng, chống dịch bệnh, bởi có sự quản lý của tổ dân phố và sẽ tạo ra một sân chơi chung, nơi vui chơi giải trí, tập thể dục thể thao của bà con, nơi ai cũng có thể dạo mát, nơi các em nhỏ có thể múa hát… Được giải thích, tuyên truyền, thuyết phục, họ đã hiểu ra sự cần thiết của việc chuyển đổi mục đích sử dụng sân chơi và dần dần chấp nhận.
Những tưởng đó là một câu chuyện đơn giản nhưng để đạt tới sự đồng thuận là một hành trình đầy thách thức đối với những người làm công tác chi bộ như ông Thụ. Điều đó cũng cho thấy, việc thay đổi bất cứ điều gì trong khu chung cư, khu dân cư đều rất khó khăn vì không phải ai cũng đồng tình. Đây không chỉ là một thách thức về mặt quản lý, mà còn là bài học về sự đồng thuận và hợp tác giữa các thành phần trong cộng đồng.
|
Trong mọi công tác ở khu chung cư, tổ dân phố và mọi hoàn cảnh: Dịch bệnh, bão lũ, phòng cháy chữa cháy… tất cả chỉ đạo của cấp trên đều tập trung về chi bộ. Sự lãnh đạo của Bí thư chi bộ là đầu tiên ở tổ dân phố, nên họ phải là người “đứng mũi chịu sào”.
Bà Nguyễn Kim Thoa, Bí thư Chi bộ Tổ dân số số 19 và 20, khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, là một người phụ nữ tận tâm, nhiệt huyết với công việc. Chi bộ, tổ dân phố đang chỉ đạo, quản lý 11 tòa chung cư và 5 khu biệt thự. Địa bàn rộng, dân cư đông đúc, tạo ra nhiều thách thức trong công tác chỉ đạo, quản lý ở đây.
Cũng như nhiều chung cư khác, một trong những vấn đề nổi cộm tại đây là khó khăn về nhân sự, phát triển đảng viên, thiếu hội trường hội họp. Hiện nay, khu đô thị này chưa có nhà sinh hoạt chung, gây khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động của chi bộ. Với hơn 130 đảng viên, Chi bộ Tổ dân phố số 19 và 20 gặp nhiều trở ngại khi tổ chức họp mặt đông đủ.
Các hoạt động an sinh xã hội của Chi bộ Tổ dân số số 19 và 20, khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội |
Bà Thoa đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp với Đảng uỷ cấp trên về việc xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng chung của khu dân cư. Sau một quá trình nêu thực trạng, kiến nghị, đề xuất của Bí thư chi bộ, tổ dân phố, bà Thoa rất vui khi biết chính quyền đã dành quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng cho khu dân cư, dự kiến sẽ khởi công vào năm sau.
Quan điểm của bà Thoa: Khi chơi thì chơi hết mình và khi làm thì làm hết sức. Đã nhận nhiệm vụ là Bí thư chi bộ, bà luôn làm hết sức mình. Bà Thoa chia sẻ: “Khi làm Bí thư chi bộ khu dân cư, tôi rất ngạc nhiên bởi thấy công việc này rất khác với Bí thư chi bộ ở cơ quan tứng công tác, hay cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp nói chung. Bởi Bí thư Chi bộ khu chung cư gần như tự làm hết mọi việc. Rất nhiều tiểu tiết như lên kế hoạch tiêm phòng sốt xuất huyết cho người dân; vận động ủng hộ các cháu thanh thiếu niên; kế hoạch tiêm phòng cho chó, mèo… tất cả các hoạt động ở khu dân cư, thì Bí thư chi bộ phải là người nắm và làm đầu tiên”.
Theo bà Thoa, về nhân sự, đa số đảng viên trong khu đô thị là những người có trình độ cao, chủ yếu là cán bộ, công an, quân đội, giáo viên đã nghỉ hưu. Họ là đội ngũ có trí thức, dễ dàng tiếp nhận, ủng hộ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, dù sẵn sàng ủng hộ về mặt tinh thần và vật chất nhưng vận động được họ tham gia các hoạt động tại địa phương lại không dễ dàng.
Điều này đòi hỏi sự khéo léo, uy tín và sức lan toả tinh thần vì cộng đồng của Bí thư chi bộ. Chính tấm gương người Bí thư chi bộ luôn tận tuỵ, tận tâm, hết mình với công tác đã cổ động mạnh mẽ cho các cô, bác cao tuổi cùng tham gia công tác chi bộ.
Bên cạnh đó, Bí thư chi bộ cũng chính là “chuyên gia” gỡ rối, hoà giải. Bà Thoa kể, gần đây, 8 hộ dân cùng ở một tầng của Nơ 20, dự định làm sàn cho hành lang khang trang, sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, trong số 8 hộ dân thì có một hộ không đồng tình và gửi đơn phản đối. Điều này dẫn đến căng thẳng, cãi cọ trong nhóm cư dân.
Để giải quyết sự việc này, bà Thoa và cấp ủy chi bộ, cùng các ban ngành đã phải đến chung cư Nơ 20 họp đến 10 giờ đêm mới xong. “Thực ra, mâu thuẫn này rất nhỏ nhưng do cả hai bên đều căng thẳng, không ai nhường ai nên phải có sự tham gia của lãnh đạo chi bộ, tổ dân phố, ban công tác mặt trận và cảnh sát khu vực mới giải quyết ổn thoả”, bà Thoa cho hay.
|
Đó cũng là một trong những câu chuyện rất phổ biến ở khu chung cư mà những người Bí thư chi bộ như bà Thoa luôn đối diện và trở thành người hoà giải, dân vận hằng ngày, góp phần xây dựng đời sống khu đô thị văn minh, hiện đại.
Bà Thoa sinh năm 1963, nhận nhiệm vụ làm Bí thư chi bộ từ năm 2022. Trước đây, bà công tác tại Viện Ứng dụng Khoa học công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, nên tiếp cận công nghệ rất nhanh và thích khám phá.
Chính vì vậy, trong các chiến dịch chuyển đổi số của chi bộ, tổ dân phố, bà là người trực tiếp hướng dẫn cho các đảng viên chi bộ, người dân ở đây về việc cài đặt Sổ tay đảng viên điện tử, VNeID, iHanoi. Bà luôn để lại số điện thoại cho mọi người tiện liên hệ khi cần hỗ trợ cài đặt, sử dụng các app và chuyển đổi số.
Thực hiện: Lê Dung - Lê Trang |
Loạt bài viết "Chi bộ Đảng khu chung cư: Phát huy sức mạnh cầu nối giữa Đảng với Nhân dân":
Bài 1: Nỗi niềm đảng viên chung cư cao tầng
Bài 2: Một buổi họp của chi bộ ở chung cư
Bài 4: Chi bộ Đảng trong xây dựng văn hóa đời sống, văn minh đô thị