Người trẻ sáng tạo, đưa “tinh hoa Việt Nam” đi muôn nơi Bài 3: “Đại sứ” tuyên truyền lịch sử, văn hoá Thăng Long Các bạn học sinh, sinh viên đã tích cực tuyên truyền về lịch sử truyền thống Thăng Long - Hà Nội, giá trị về di tích trên địa bàn Thủ đô và giành giải thưởng cuộc thi “Đại sứ tuyên truyền lịch sử, văn hoá Thăng Long – Hà Nội” do Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội tổ chức. |
Lan tỏa bằng nhiều thứ tiếng Vượt qua hơn hàng trăm tác phẩm khác, với hơn 20.000 lượt like và gần 1.700 lượt chia sẻ, tác phẩm “Nhà tù Hỏa Lò - Ký ức lao tù” của bạn Nguyễn Minh Anh, sinh viên Trường Đại học Ngoại Thương đã xuất sắc giành giải Nhất của cuộc thi “Đại sứ tuyên truyền lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội”. Cô gái Nguyễn Minh Anh giành giải nhất của cuộc thi “Đại sứ tuyên truyền lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội” Cuộc thi này là cơ hội để cô nàng cũng như các bạn trẻ thể hiện tình yêu, niềm tự hào về dòng chảy lịch sử hơn nghìn năm văn hiến. Chia sẻ về sản phẩm của mình, Minh Anh cho biết, nội dung video là giới thiệu di tích Nhà tù Hỏa Lò nằm giữa lòng Hà Nội - nơi lưu giữ thời kỳ chống Pháp của cha ông ta. Thời gian gần đây, Nhà tù Hỏa Lò trở thành một địa điểm thu hút giới trẻ tham quan và trải nghiệm, nên Minh Anh đã quyết định thực hiện bài thi về chủ đề này. |
Nhà tù Hoả lò là địa điểm thu hút giới trẻ tham quan và trải nghiệm |
Trở thành "Đại sứ tuyên truyền", nhiệm vụ đầu tiên của cô là thuyết trình song ngữ cho bản đồ số hóa các địa chỉ đỏ tại Hà Nội, với mục tiêu rộng lớn hơn là lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Thủ đô nghìn năm văn hiến đến gần hơn nữa với bạn bè trong và ngoài nước. “Qua sản phẩm của mình, em đã chia sẻ những hiểu biết của bản thân tới bạn bè trong và ngoài nước về di tích lịch sử Thủ đô, những câu chuyện ý nghĩa gắn liền với các địa danh; cũng như thể hiện được vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong giữ gìn, phát huy, truyền tải và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thực hiện được “sứ mệnh” đó, em cảm thấy vô cùng tự hào. Thật sự em rất vui và xúc động khi nhận được sự ủng hộ của mọi người về tác phẩm của mình", Minh Anh chia sẻ. Video - tác phẩm “Nhà tù Hỏa Lò - Ký ức lao tù” của bạn trẻ Phát huy di sản văn hoá - trách nhiệm không của riêng ai Tác phẩm “Làng Khoa bảng Đông Ngạc” của em Bùi Quang Trung, học sinh Trường THPT Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng được trao giải thưởng trong cuộc thi “Đại sứ tuyên truyền lịch sử, văn hoá Thăng Long – Hà Nội”. Cậu học trò Bùi Quang Trung đã công phu viết kịch bản và sáng tạo nội dung, dựng video clip, vừa sử dụng tiếng Việt và tiếng Anh để nói về “Làng Khoa bảng Đông Ngạc” tham gia cuộc thi. Em Bùi Quang Trung, học sinh Trường THPT Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã tuyên truyền về “Làng khoa bảng Đông Ngạc” Làng khoa bảng Đông Ngạc, tên nôm là làng Vẽ, nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Làng Đông Ngạc không chỉ nổi tiếng với nhiều công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn làng quê vùng Bắc Bộ mà còn là nơi trong lịch sử có nhiều người học rộng tài cao, đỗ đạt làm quan. Đây là ngôi làng có nhiều người đỗ tiến sĩ ở kinh thành Thăng Long. Ngạn ngữ xưa có câu “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” để bày tỏ niềm tự hào của người dân làng Vẽ có nhiều người thành đạt trong khoa bảng. Triều đình phong kiến Việt Nam trước đây quy định làng nào có 10 người trở lên đỗ tiến sĩ thì được coi là làng khoa bảng. Dưới thời phong kiến, tính từ thời nhà Lý (1010 - 1225) đến thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), Việt Nam có khoảng 20 làng khoa bảng. Tuy không có Trạng nguyên nhưng Đông Ngạc vẫn là một trong những làng khoa bảng tiêu biểu vì có tới 22 tiến sĩ. |
Làng Đông Ngạc còn nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử có giá trị, cùng nhiều ngôi nhà cổ |
Theo Quang Trung, các bạn trẻ là những chủ nhân, trụ cột tương lai của đất nước cần nhận thức rõ trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy những truyền thống văn hoá quý báu của dân tộc. Chúng ta phải nghiêm túc tìm hiểu về truyền thống văn hoá, lịch sử của dân tộc để thấy được vẻ đẹp, giá trị của di sản văn hoá ấy, cũng như cần tích cực tham gia, tổ chức các lễ hội để duy trì các nét đẹp văn hoá, làm du lịch văn hoá, lan toả tới cộng đồng và bạn bè quốc tế. “Vấn đề kế thừa và phát huy di sản văn hoá không phải là trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Mỗi người một cương vị khác nhau nhưng có những hành động phù hợp để kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống”, cậu học trò nói. Bùi Quang Trung gửi gắm thông điệp tới các bạn trẻ và mọi người rằng: “Hãy giữ gìn - kế thừa - phát huy - lan toả các giá trị văn hoá truyền thống”. |
Cuộc thi “Tìm kiếm Đại sứ tuyên truyền lịch sử, văn hoá Thăng Long - Hà Nội” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức, nhằm tuyên truyền sâu rộng trong các cấp bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên về lịch sử truyền thống Thăng Long - Hà Nội; lịch sử ra đời, ý nghĩa, giá trị văn hóa của các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn thành phố. Từ cuộc thi khơi dậy trong đoàn viên, thanh niên lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, khát vọng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, đất nước phồn vinh, hạnh phúc… Đây cũng là hoạt động thể hiện vai trò xung kích của tuổi trẻ trong cụ thể hóa các phần việc, nhiệm vụ tham gia thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng, nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Thủ đô thời đại mới”. |
Bài viết: Lê Dung Trình bày: Bình Minh
|