eMag azine
26/10/2024 07:00
Bài 3: Kế thừa “di sản”, giữ “lò nóng” để giữ lòng dân

26/10/2024 07:00

TTTĐ - Khi cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi, nhiều người đặt vấn đề, thậm chí là nghi vấn là cuộc chống chiến chống tham nhũng sẽ nhạt dần khi vắng bóng người khởi xướng. Nhưng không, người kế nhiệm và giữ lửa tiếp theo - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục làm quyết liệt, triệt để, làm sao chiến thắng được “giặc nội xâm”.
Bài 3: Kế thừa “di sản”, giữ “lò nóng” để giữ lòng dân

dân

Bài 3: Kế thừa “di sản”, giữ “lò nóng” để giữ lòng dân
Bài 3: Kế thừa “di sản”, giữ “lò nóng” để giữ lòng dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tại Văn phòng Trung ương Đảng, tháng 5/2024.

Cuộc chiến phòng chống “giặc nội xâm” của Đảng không chỉ phải đối mặt với thách thức từ bên trong mà ngay cả bên ngoài, tạm gọi là “giặc ngoại xâm”. Bởi, từ khi chiến dịch được khởi xướng, trên không gian mạng, những đối tượng trong và ngoài nước có tư tưởng thù địch, chống phá đã suy diễn cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay thực chất là “cuộc thanh trừng nội bộ”, “các phe phái trong Đảng đấu đá lẫn nhau”...

Những cụm từ như: “Bê bối, tham nhũng cả hệ thống, nội bộ triệt hạ nhau để tranh chức chiếm quyền”... được họ sử dụng để chứng minh cho kiểu suy diễn sai lệch, tiêu cực nói trên. Thậm chí, không ít đối tượng rắp mưu đánh tráo việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực với “thanh trừng phe phái”, nguy hiểm hơn, họ tung lên rằng: “Thể chế một đảng nên không thể chống được tham nhũng, tiêu cực”.

Mặt khác, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... nảy sinh tư tưởng làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám đột phá, sáng tạo... Những biểu hiện tư tưởng, luồng thông tin tiêu cực đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường văn hóa, trận địa tư tưởng chính trị trong Đảng, nhất là tổ chức đảng các cấp ở những bộ, ngành, địa phương... có cán bộ chủ chốt tham nhũng, tiêu cực vừa bị kỷ luật và bắt tạm giam. Thậm chí, có những có cán bộ lung lay tư tưởng nghĩ rằng công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ không đi đến kết quả tốt đẹp mà còn kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bài 3: Kế thừa “di sản”, giữ “lò nóng” để giữ lòng dân

Và đến khi cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi xa, các đối tượng lại tung tin đặt vấn đề, thậm chí là nghi vấn là công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ nhạt dần khi vắng bóng người khởi xướng. Ngay lập tức, để dẹp bỏ những nhận thức lệch lạc, suy diễn tiêu cực trên, ngay khi phát biểu nhậm chức (tháng 8/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ với phương châm, giải pháp như thời gian qua.

“Chúng ta sẽ tiếp tục công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, với tinh thần xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng”, Tổng Bí thư Tô Lâm nói và nêu rõ quan điểm, tập trung phòng chống tham nhũng, tiêu cực trước hết tại các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy lùi tham nhũng vặt bằng những giải pháp cụ thể.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ với phương châm, giải pháp như thời gian qua.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục làm quyết liệt, triệt để, làm sao chiến thắng được “giặc nội xâm”.

Có thể nói, vấn đề tham nhũng, tiêu cực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực luôn là đại cuộc sinh tử, thành bại của muôn thời, của mọi quốc gia, dân tộc trên toàn cầu, tự cổ chí kim. Kinh nghiệm lịch sử từ các quốc gia, dân tộc phát triển từ xưa tới nay xác tín: Không có bất cứ một thể chế nào, quốc gia, dân tộc nào tuyệt đối không có tham nhũng; không có một sự thịnh vượng hay phát triển nào ở bất cứ quốc gia hay dân tộc nào, nếu không phòng chống tham nhũng một cách kiên quyết và hiệu quả.

Thực tế, kể từ khi nhậm chức đến nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần đưa ra quan điểm và chỉ đạo về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần làm quyết liệt, khẩn trương, không dừng lại.

Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại phiên họp thứ 26, trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên (tăng 34 tổ chức đảng và 1.055 đảng viên so với cùng kỳ năm 2023). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Ngành thanh tra, kiểm toán tập trung thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 71.431,6 tỷ đồng và 24,9 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 856 tập thể, 3.862 cá nhân (tăng 72 tập thể, 950 cá nhân so với cùng kỳ năm 2023).

Từ đầu năm đến nay, cấp có thẩm quyền đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý và 172 cán bộ diện cấp ủy địa phương quản lý, về trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; trong đó có 5 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Ủy viên Ban Bí thư và 4 Ủy viên Trung ương Đảng.

Bài 3: Kế thừa “di sản”, giữ “lò nóng” để giữ lòng dân

Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt; nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương được chỉ đạo xử lý nghiêm minh. Đặc biệt, đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 8 vụ án/212 bị cáo, xét xử phúc thẩm 6 vụ án/39 bị cáo.

Trong đó đã hoàn thành xét xử một số vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, điển hình như: Vụ án “Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS, Công ty Cổ phần Xây dựng Faros và các công ty có liên quan; vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; Che giấu tội phạm; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa trên địa TP HCM và một số tỉnh, thành phố.

Điểm đáng nói là trong các đại án trên đều dính dáng đến những cán bộ có chức có quyền đã tha hóa tư tưởng chính trị, thỏa hiệp với cái xấu, cái sai để mưu cầu lợi ích cá nhân. Với tinh thần làm triệt để, kiên quyết không thỏa hiệp, chắc chắn rằng công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, từ đó cũng sẽ lộ ra thêm những “con sâu” đang “gặm nhấm” làm tổn hại tới Đảng, tàn phá đất nước.

Trong những tháng cuối năm 2024 và thời gian tới, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, mà phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm: “Không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Trong đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội; phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải được triển khai đến tận cơ sở đảng, chi bộ, phải được sự giám sát của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đặc biệt quan tâm công tác phòng chống tiêu cực, nhất là các biểu hiện tiêu cực là nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng; làm tốt công tác “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; kết hợp giữa “xây” và “chống, trong đó lấy “xây” là cơ bản, chiến lược, lâu dài, lấy “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thường xuyên.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu còn yếu, những việc đang làm dở, nhất là chỉ đạo xử lý dứt điểm những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu, tương trợ tư pháp, truy bắt, dẫn độ đối tượng bỏ trốn; những khó khăn, vướng mắc trong thu hồi tài sản tham nhũng, có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; phấn đấu đến hết năm 2024, tập trung kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 30 vụ án; kết thúc xác minh, giải quyết 6 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, nhất là tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC, Xuyên Việt Oil, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn, Vạn Thịnh Phát, dự án Sài Gòn Đại Ninh (Lâm Đồng)... và các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp.

Chia sẻ quan điểm cá nhân về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Quang Thiện, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) bày tỏ tin tưởng với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục gặt hái được những thắng lợi, thành công mới.

Mặc dù vậy, đồng chí Nguyễn Quang Thiện cũng cho rằng, việc kế thừa và phát huy di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực là trọng trách rất nặng nề, khó khăn và gian nan của những người kế thừa, bởi ngoài việc phải chiến thắng trước cám dỗ của quyền lực, của đồng tiền thì những người “cầm cương” cũng phải chiến thắng được tình cảm để cương quyết xử lý những người đồng chí, đồng đội của mình sa ngã, đảm bảo thượng tôn pháp luật, làm trong sạch bộ máy.

“Đó là những thách thức rất lớn của bất cứ ai khi tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng chí, đồng đội mình vi phạm nếu xử lý theo luật thì dễ nhưng còn về mặt tình cảm có ai dám chắc mình cứ thẳng tay làm mà không lăn tăn", đồng chí Nguyễn Quang Thiện nói và chia sẻ thêm, dù có khó khăn nhưng hoàn toàn tin tưởng chiến dịch phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, đột phá, bởi như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm”.

Nói thêm về những khó khăn, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực dù đã đạt được kết quả tích cực song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực.

Nguyên do là thể chế, chính sách, pháp luật về kinh tế - xã hội còn sơ hở, chưa phù hợp với thực tiễn; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa thực sự đồng bộ, chặt chẽ, hệ thống thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thời gian qua tỏ ra không đủ bản lĩnh, năng lực. Công tác cán bộ còn yếu kém; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, chưa đi đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí... Chưa phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, Nhân dân, báo chí và truyền thông trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cần chú trọng tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là thể chế như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: “Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Trong đó cần kiểm soát việc ban hành chính sách và thực hiện chính sách.

Theo đó, tính chính đáng của quyền lực là chính sách phải hợp lòng dân, với chi phí tối thiểu, lợi ích phải tối đa. Chính sách đúng là ngọn nguồn của mọi sự thắng lợi. Đặc biệt là phải hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, coi trọng xây dựng mối quan hệ của kiểm soát quyền lực mang tính Nhà nước với kiểm soát quyền lực mang tính Nhân dân hướng tới tăng cường sự tham gia của Nhân dân vào đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

“Cùng những giải pháp đúng đắn, với những người kế thừa tâm huyết, trách nhiệm và sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Nhân dân thì tôi tin rằng công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực chắc chắn sẽ có sự đột phá”.

Đáng chú ý, tương đồng thậm chí là nguy hại hơn cả tham nhũng, tiêu cực đó là lãng phí. Do đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đặc biệt coi trọng công tác chống lãng phí, song hành với phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy Nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp. Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.

Người cao nhất của Đảng ta cho rằng, ngoài những nguyên nhân dẫn đến từng dạng thức lãng phí, còn do thực thi các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về phòng, chống lãng phí trong thực tế vẫn còn hạn chế; hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ, một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; xử lý lãng phí chưa được đề cao, thường gắn với xử lý tham nhũng như hệ lụy kéo theo. Chưa tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như dư luận xã hội mạnh mẽ để phê phán, lên án những hành vi gây lãng phí. Việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho Nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới.

Nêu các giải pháp trọng tâm, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”; tiết kiệm, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có lãnh đạo, có chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường xuyên, triệt để; xây dựng, triển khai thiết thực các cuộc vận động, phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Đồng thời cần tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công; giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo Nhân dân và phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng văn hóa phòng chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”; xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích Nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của Nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày; thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật.

Như vậy có thể thấy, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực không hề phai nhạt đi mà càng được quyết tâm hơn để làm trong sạch bộ máy. Thậm chí, người đứng đầu Đảng ta còn mở rộng quyết tâm đấu tranh chống lãng phí, đẩy mạnh lên thành phong trào từ Trung ương đến cơ sở, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện.

Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Chính vì thế, sau bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và tiêu cực cũng đã đổi tên và bổ sung ngay nhiệm vụ phòng chống lãng phí thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Nhận định về việc này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước bày tỏ sự nhất trí cao với sự quyết tâm của Đảng và người đứng đầu Đảng.

Theo ông Cường, tham nhũng, tiêu cực là làm thất thoát tài sản công chuyển thành tài sản cá nhân, nhưng lãng phí gây thất thoát cả tài sản công, tài sản của xã hội, làm mất đi lợi ích của xã hội.

“Lãng phí xảy ra ở tất cả các lĩnh vực, có thể ở cơ quan, tổ chức, kể cả người dân. Như vậy chống lãng phí trở thành hành động phổ quát, xuyên suốt, có thể được quy định bằng pháp luật, nhưng quan trọng hơn chống lãng phí phải trở thành ý thức, thói quen, văn hóa trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, ông Cường nói.

Do đó, giải pháp chống lãng phí cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư thì cần đặc biệt quan tâm đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, vì rất nhiều điểm nghẽn về thể chế, là nút thắt của những nút thắt, nếu không giải phóng, khơi thông được thể chế sẽ vẫn dẫn đến lãng phí, nhất là rào cản về thủ tục hành chính. “Với quyết tâm chính trị rất cao của người đứng đầu Đảng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thì tôi nghĩ thời gian tới công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí sẽ có bước đột phá”, ông Cường nhấn mạnh.

(Còn tiếp)


Bài viết liên quan loạt bài: "Di sản của "người đốt lò" và trọng trách "giữ lửa"

Bài 1: "Di sản" của người "đốt lò" vĩ đại Bài 2: "Kiến trúc sư" hiệu triệu lòng dân chống tham nhũng, tiêu cực Bài 4: Vì kỷ nguyên vươn mình của dân tộc: Khó đến mấy cũng phải làm! Bài 5: "Hóa giải" tham nhũng bằng điểm tựa "hồn cốt" dân tộc

Thực hiện: Thành Trung - Thành Nhân

« Xem bài 2

Xem bài 4 »

Thành Trung Thành Nhân