eMag azine
16/05/2025 15:00
Bài 3: Lý tưởng cách mạng, công nghệ nối Trường Sa với đất liền

16/05/2025 15:00

TTTĐ - Ở nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa, những chiến sĩ, thanh niên ưu tú, đang ngày đêm cống hiến bằng tất cả trái tim yêu nước, trong đó có những người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội. Họ cũng là những đảng viên mang trên vai trọng trách giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng và là những người truyền cảm hứng, lan tỏa giá trị của Đảng, lý tưởng cách mạng, bằng chính hành động cụ thể, tinh thần kiên trung và tình yêu Tổ quốc sâu sắc.
Bài 3: Lý tưởng cách mạng, công nghệ nối Trường Sa với đất liền

TTTĐ - Bằng công nghệ số và tinh thần cách mạng, người trẻ đang lan tỏa hình ảnh những người lính Trường Sa, trong đó có những người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội, kết nối hải đảo với đất liền bằng hành động, lý tưởng, niềm tin và cả trái tim.

Hành trình của những lý tưởng lớn

Giữa cái nắng gió mặn mòi nơi đảo Sinh Tồn Đông, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, hình ảnh người đảng viên 8X - Thiếu tá Nguyễn Văn Phú (sinh năm 1987), bác sĩ Ngoại thần kinh thuộc Bệnh viện Quân y 105 (Hà Nội), công tác tại Bệnh xá đảo Sinh Tồn Đông, là minh chứng sống động cho tinh thần cống hiến lặng thầm nơi đầu sóng ngọn gió. Dù điều kiện thiếu thốn, trang thiết bị y tế còn hạn chế, bác sĩ Phú vẫn tận tụy chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân bám biển.

Bài 3: Lý tưởng cách mạng, công nghệ nối Trường Sa với đất liền

Bác sĩ Nguyễn Văn Phú, công tác tại Bệnh xá đảo Sinh Tồn Đông

“Ở đảo, chúng tôi làm việc trong môi trường đặc biệt, luôn mang tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao. Trách nhiệm lớn nhất của tôi là đảm bảo sức khỏe cho mọi người để họ yên tâm công tác cho đảo vững, bờ yên”, anh chia sẻ. Không chỉ điều trị thành công nhiều ca bệnh trong hoàn cảnh thiếu thốn, anh còn tự học sửa chữa thiết bị hỏng, linh hoạt tận dụng nền tảng hội chẩn Telemedicine để hỗ trợ chẩn đoán từ xa, minh chứng cho tư duy đổi mới và tận tâm của người chiến sĩ thời đại số.

Đến với Trường Sa, tôi nhận thấy, ở đây, mỗi đảng viên, mỗi Chi bộ Đảng là điểm tựa tinh thần, là thành lũy kiên trung giữa trùng khơi. Còn trên đất liền, những nhà báo, phóng viên, người trẻ cũng đang góp phần đưa hình ảnh ấy đến gần hơn với Nhân dân, đặc biệt là thế hệ kế cận.

Sinh ra tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Trung úy Đỗ Trung Nghĩa, Chính trị viên đảo Len Đao là một sĩ quan trẻ mang vẻ thư sinh của người Hà Nội thanh lịch, sở hữu lý tưởng mãnh liệt cùng trái tim cháy bỏng vì Tổ quốc. Tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội, anh đã chọn lên đường nhập ngũ, quyết hiến dâng tuổi trẻ và tri thức cho đất nước.

“Từ những ngày còn ngồi trên giảng đường, tôi đã mơ ước trở thành người lính bảo vệ biển trời quê hương. Được đứng tại đảo Len Đao, tôi cảm thấy mình sống đúng với lý tưởng”, anh chia sẻ.

Trên cương vị Chính trị viên, Trung úy Nghĩa không chỉ giữ vững kỷ luật đơn vị mà còn là hạt nhân truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần yêu nước đến từng chiến sĩ. Anh là hiện thân cho lớp đảng viên trẻ trí thức, mang “hồn Trường Sa, tâm thế Hà Nội”, sẵn sàng có mặt ở bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần.

Bài 3: Lý tưởng cách mạng, công nghệ nối Trường Sa với đất liền

Trung úy Đỗ Trung Nghĩa, Chính trị viên đảo Len Đao

Nơi nào có Đảng, nơi đó là điểm tựa

Giữ gìn nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của tổ chức, mà bắt đầu từ từng trái tim mang trong mình lý tưởng. Mỗi dòng chữ, mỗi video, mỗi sản phẩm truyền thông về Trường Sa hôm nay chính là một lời khẳng định mạnh mẽ: Đảng là niềm tin, là điểm tựa, là ánh sáng soi đường cho người trẻ Việt Nam.

Công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Tại quần đảo Trường Sa, việc phát triển đảng viên mới càng được chú trọng để củng cố lực lượng kế cận, trung thành phụng sự Tổ quốc.

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Chi bộ Cụm chiến đấu 1, đảo Sinh Tồn, chia sẻ: “Công tác Đảng, công tác chính trị ở đảo xa có vai trò đặc biệt. Chính các cán bộ chính trị là người cập nhật đời sống đất liền vào từng buổi sinh hoạt chi bộ, kịp thời định hướng tư tưởng và ra nghị quyết sát thực tiễn”.

Bài 3: Lý tưởng cách mạng, công nghệ nối Trường Sa với đất liền
Đại tá Đỗ Hải Đăng, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cùng các cán bộ, chiến sĩ thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ Hải quân đã hi sinh tại Trường Sa

“Cán bộ, đảng viên luôn nêu gương, lời nói đi đôi với việc làm, giữ vững phẩm chất người chiến sĩ cách mạng. Chi bộ mạnh thì mọi việc sẽ thông suốt, đảo sẽ mạnh”, anh Tuấn nhấn mạnh.

Đại tá Đỗ Hải Đăng, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, cho biết: Các đơn vị ở Trường Sa luôn chú trọng công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức cho bộ đội. Qua đó, 100% cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm cao, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tinh thần đoàn kết, kỷ luật là cốt lõi: Chiến sĩ yêu thương, đùm bọc nhau trong sinh hoạt, học tập, công tác. Năm 2024, tại Trường Sa có 19 chiến sĩ trẻ được kết nạp Đảng, gần 50 chiến sĩ đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, những dấu mốc thiêng liêng, khẳng định bản lĩnh và niềm tự hào của người lính Hải quân thời đại mới.

Cũng như trong đất liền, nơi đầu sóng ngọn gió, tổ chức Đảng là cột trụ vững chắc. Các chi bộ tại đảo xa giữ vai trò dẫn dắt, tổ chức lực lượng, kịp thời động viên chiến sĩ trong mọi tình huống và luôn chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, lấy việc học tập và làm theo Bác làm kim chỉ nam trong từng công việc.

Bài 3: Lý tưởng cách mạng, công nghệ nối Trường Sa với đất liền

Lời nhắn gửi tới các bạn trẻ từ Trường Sa của Thiếu tá Phạm Bá Duyên, Chính trị viên, Bí thư chi bộ Cụm chiến đấu 2, Phó Bí thư Liên chi đoàn đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà

Kết nối tiền tiêu bằng “ngôn ngữ số”

Trường Sa không chỉ có lính đảo kiên trung, mà còn có những người trẻ từ đất liền, mang theo máy quay, máy ảnh, trái tim xúc cảm, ghi lại hình ảnh chân thực và xúc động của các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời.

Họ là phóng viên, nhà báo, người làm nội dung số, tình nguyện viên truyền thông - những “chiến sĩ văn hóa” giúp hơi thở Trường Sa đến gần hơn với giới trẻ khắp mọi miền. Các thước phim, bài báo ghi lại cảnh đảng viên gói bánh chưng, bác sĩ chữa bệnh cho ngư dân, hay khoảnh khắc văn nghệ tập thể giữa trời mây… được chuyển hóa thành phóng sự, video, podcast, chia sẻ trên TikTok, YouTube, Instagram… đưa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, hình ảnh Đảng, đến gần hơn với Gen Z.

Trường Sa - nơi đầu sóng ngọn gió, nơi mọi bước chân đều là thử thách, cũng là nơi tôi từng đặt chân đến và mãi khắc ghi trong tim. Ở nơi thiêng liêng ấy, giữa biển cả mênh mông, có những người trẻ, những đảng viên kiên trung đang ngày đêm canh giữ chủ quyền Tổ quốc, thầm lặng lan tỏa lý tưởng cách mạng.

Sự kết nối giữa “hồn Trường Sa” và “tâm thế Hà Nội” không chỉ là cảm xúc, mà còn là hành động cụ thể: Sáng tạo nội dung số, chia sẻ hình ảnh đẹp, đấu tranh phản bác thông tin sai trái, lan tỏa lý tưởng cách mạng từ chính đời sống thường nhật.

Dù không dùng mạng xã hội, các chiến sĩ ngoài đảo vẫn luôn lan tỏa sự sống đẹp. Chính người trẻ ở đất liền là cầu nối, mang những hình ảnh mộc mạc từ Trường Sa đến cộng đồng bằng công nghệ số.

Nhà báo Bình Minh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) từng ra Trường Sa chia sẻ: “Khi chúng tôi dựng clip, viết bài về các chiến sĩ trên đảo, chỉ vài phút rất mộc nhưng sau khi đăng tải đã có rất nhiều bạn trẻ bày tỏ sự trân trọng. Điều đó cho thấy giới trẻ hôm nay vẫn luôn khao khát lý tưởng và Trường Sa chính là nguồn cảm hứng bất tận cho những nội dung mang giá trị giáo dục sâu sắc”.

Bài 3: Lý tưởng cách mạng, công nghệ nối Trường Sa với đất liền

Tổ chức Đoàn - Hội các cấp tổ chức Hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, đưa thanh niên đến Trường Sa và triển khai nhiều dự án truyền thông số. Các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội hàng năm đều có những chuyến hải trình tới tiền tiêu Tổ quốc. Từ đó, những bộ phim tư liệu, podcast, video, các trang báo mạng, báo in, đa phương tiện, kể về đảo xa đã ra đời và ngày một dày lên, truyền tải thông điệp quý giá đến cộng đồng. Đây chính là cách người trẻ lan tỏa lý tưởng cách mạng, bằng công nghệ, bằng hình ảnh và cảm xúc, chứ không chỉ bằng khẩu hiệu lý thuyết.

Tại Trường Sa, lý tưởng cách mạng không nằm trong những lời hô vang, mà hiện hữu trong từng ca trực đêm, từng mũi tiêm, từng lần truyền dịch cứu ngư dân, từng cái bắt tay ấm áp giữa quân - dân - hậu phương. Những bữa cơm có vị mặn của biển, những lá thư tay nhắn gửi: “Chúng tôi vẫn vững vàng” là minh chứng hùng hồn cho niềm tin, lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc.

Trường Sa - nơi có những đảng viên trẻ đang vững vàng giữa đại dương, không chỉ là pháo đài bảo vệ chủ quyền, mà còn là “ngọn hải đăng” lan tỏa lý tưởng cách mạng cho tuổi trẻ. Qua sự kết nối của những người làm truyền thông số, hình ảnh người chiến sĩ nơi đảo xa sẽ tiếp tục truyền cảm hứng tới cộng đồng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng chính tình yêu nước cụ thể, chân thực và đầy cảm xúc của thời đại mới.

Bài 3: Lý tưởng cách mạng, công nghệ nối Trường Sa với đất liền

Những cán bộ, phóng viên, nhà báo, người trẻ ra thăm và tác nghiệp tại Trường Sa. Với họ, mỗi sản phẩm truyền thông về Trường Sa không chỉ là nội dung thông tin, mà còn là hành động cụ thể để bảo vệ, lan tỏa nền tảng tư tưởng của Đảng tới toàn dân, đặc biệt là người trẻ.

Bài 3: Lý tưởng cách mạng, công nghệ nối Trường Sa với đất liền

Tác giả: Lê Dung

(Còn nữa)

Bài viết liên quan:

Bài 1: Sáng kiến của người trẻ khơi nguồn từ niềm tin vững chắc Bài 2: Công nghệ VR, 3D, AI lan tỏa hình ảnh Đảng

Lê Dung