eMag azine
27/06/2023 10:09
Bài 3: Nét Việt trên gấm vóc, lụa là

27/06/2023 10:09

TTTĐ - Bản thân chiếc áo dài đã là một đại sứ văn hóa nhưng không dừng lại ở đó, các NTK đã dùng chiếc áo dài làm phông nền để gắn vào đó những giá trị truyền thống ngàn đời mang bản sắc Việt Nam.

Nét Việt

Bài 3: Nét Việt trên gấm vóc, lụa là

Bản thân chiếc áo dài đã là một đại sứ văn hóa nhưng không dừng lại ở đó, các nhà thiết kế (NTK) đã dùng chiếc áo dài làm phông nền để gắn vào đó những giá trị truyền thống ngàn đời mang bản sắc Việt Nam. Vì thế, áo dài càng thêm tỏa sáng và trở thành “Tấm danh thiếp” của văn hóa Việt trên gấm vóc, lụa là.

Điệp trùng giá trị

Nhiều năm trở lại đây, các thế hệ NTK không chỉ phát triển thương hiệu trong nước mà họ còn coi giới thiệu áo dài thông qua con đường ngoại giao văn hóa như một sứ mệnh và miệt mài thực hiện không ngừng nghỉ.

Chúng ta đã có những NTK Minh Hạnh, David Minh Đức, Sĩ Hoàng… rồi tiếp đến Đỗ Trịnh Hoài Nam, Lasen Vũ và các NTK trẻ như Thảo Giang, Thoa Trần…

Song hành với nghề nghiệp, họ còn mong muốn vực dậy các làng nghề, khơi dậy vàng son một thuở trên tà áo dài để tấm áo mang nhiều giá trị hơn nữa trong đời sống hiện đại, trong sứ mệnh truyền tải văn hóa Việt.

Chọn gắn bó trọn đời với áo dài, NTK Thảo Giang tâm niệm: “Hiện nay các bạn trẻ rất ít người lựa chọn những công việc liên quan tới thủ công. Chính vì thế văn hóa truyền thống đang mai một trông thấy từng ngày, trong khi sự đặc sắc của đa dạng văn hoá Việt Nam cần được tạo nhiều điều kiện để gìn giữ, bảo tồn và phát triển. Tôi rất mong làm được điều gì đó thông qua các thiết kế áo dài của mình”.

Bài 3: Nét Việt trên gấm vóc, lụa là

Trên các thiết kế không chỉ là hình ảnh tà áo dài mà còn đưa vào văn hóa Việt thông qua các hoa văn, họa tiết gắn liền với đời sống văn hóa của Việt Nam như gốm, thổ cẩm… để thế giới biết về một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, độc đáo không đâu có của đất nước mình.

NTK Thoa Trần là học trò kế cận của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam. Cô đã cho ra mắt rất nhiều BST áo dài mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Có thể kể đến các BST như “Hướng về nguồn cội”, “"Những sắc hoa", "Xinh tươi Việt Nam"…

Đặc biệt, Thoa Trần tâm sự: “Nhiều năm gần đây cứ tới ngày Giỗ Tổ là tôi lại cho ra mắt BST mới để thể hiện niềm tự hào dân tộc và đặc biệt là quê hương tôi ở Phú Thọ nên tôi lan tỏa du lịch và điểm văn hoá đặc biệt của quê hương để nhiều người biết đến hơn, góp phần xây dựng nền kinh tế cho quê hương”.

Bài 3: Nét Việt trên gấm vóc, lụa là

Các mẫu áo dài trong Bộ sưu tập “Di sản Đền Hùng” của nhà thiết kế Thoa Trần

Chính vì thế, với BST “Di sản Đền Hùng”, hơn 10 thiết kế trong bộ sưu tập đều lấy cảm hứng từ đền Hùng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hình ảnh về mẹ Âu Cơ, hát Xoan… được cách điệu, sắp đặt khéo léo trên chất liệu sang quý, tôn dáng người mặc trong khi vẫn thể hiện hoàn hảo tinh thần dân tộc, truyền thống văn hóa Việt Nam nói chung, vùng đất Tổ Phú Thọ nói riêng.

BST lấy cảm hứng từ hình tượng cha Lạc Long Quân - mẹ Âu Cơ. Hình ảnh các vị vua Hùng và lễ hội Việt Nam nên mỗi bộ trang phục áo dài trong BST này đều mang những họa tiết, những nét bứt phá rất riêng. Khi thì ước lệ lại hình ảnh 50 người con lên rừng với Lễ hội Tây Bắc thấp thoáng cánh hoa ban, ngập tràn những thửa ruộng bậc thang, rừng núi trùng điệp... Lúc lại thấp thoáng đâu đó hình ảnh 50 người con xuống biển với tà áo dài xanh ngát màu khơi xa, là lễ hội Bái Đính cổ kính nên thơ, là hình ảnh hoa sen trang trọng tinh khiết.

“Tất cả những quan khách nước ngoài hay đại sứ quán tới Việt Nam khi họ diện chiếc áo dài tôi thiết kế, họ luôn hỏi tôi về ý nghĩa họa tiết trên tà áo, nếu là họa tiết liên quan đến văn hoá và lịch sử là họ rất thú và xúc động. Nghe xong họ cảm thấy yêu đất nước và yêu con người Việt Nam hơn”, Thoa Trần xúc động cho biết.

Còn với NTK Thảo Giang, BST gốm khảm “Bát nhã” là câu chuyện của những mảnh gốm được khảm trên tường của các lăng tẩm, cung điện… Sự kết hợp của nghệ thuật thời trang và nghệ thuật kiến trúc dệt nên những chiếc áo dài không đơn giản là trang phục mà đó là tác phẩm nghệ thuật.

Để cho ra đời được BST tôn vinh đẹp nghệ thuật tinh tế đầy tài hoa của những nghệ nhân xưa làm gốm sứ truyền thống này, NTK Thảo Giang và ekip công ty thời trang Sen Vàng đã phải trải qua hành trình dày công sưu tập những hoạ tiết gốm sứ trong kiến trúc suốt 2 năm.

Bài 3: Nét Việt trên gấm vóc, lụa là Bài 3: Nét Việt trên gấm vóc, lụa làNhững thiết kế áo dài trong bộ sưu tập gốm khảm "Bát nhã"

BST “Việt Nam Gấm hoa” là bức tranh của những di sản Việt Nam được Unessco công nhận, là cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của các tỉnh thành… BST thổ cẩm “Phố àng”, “Di sản thổ cẩm Non nước Cao Bằng” là câu chuyện của thổ cẩm đồng bào dân tộc thiểu số cùng thiên nhiên hùng vĩ nơi núi rừng biên giới xa xôi…

Các BST khi được trình diễn tại Việt Nam hay ở các sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế đều tạo ấn tượng sâu sắc với người xem. Đặc biệt, lấy cảm hứng từ quần thể di tích Hoàng Thành Thăng Long với những giá trị văn hóa, kiến trúc đồ sộ gắn liền với các triều đại phát triển rực rỡ của Việt Nam, BST áo dài “Hoàng thành Thăng Long - Dấu ấn vàng son” của NTK Vũ Thảo Giang đã được lựa chọn xuất hiện trong Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022) và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Brunei (1992 - 2022).

Tà áo dài truyền thống Việt được trình diễn tại sự kiện 77 năm Quốc khánh Việt Nam và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Brunei.

Tà áo dài truyền thống Việt được trình diễn tại sự kiện 77 năm Quốc khánh Việt Nam và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Brunei

Hình ảnh hoa văn, họa tiết tiêu biểu của các thiết kế áo dài trong BST “Hoàng Thành Thăng Long - Dấu ấn vàng son” là sự kết hợp giữa Rồng, Phượng, Hoa sen, lá Bồ đề, gốm sứ… - gợi nhớ nguồn gốc, dòng dõi “con Rồng cháu Tiên” và ngàn năm kinh qua các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng - với nguồn cảm hứng từ những di vật khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long mang nét cổ xưa, huyền bí nhưng lại khiến người ta không ngừng muốn biết, muốn hiểu nhiều hơn về văn hóa Hà Nội xưa.

BST “Hoàng Thành Thăng Long - Dấu ấn vàng son” cũng thể hiện xuất sắc mục tiêu mà Đại sứ Trần Văn Khoa trước đó đã phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm và lễ kỷ niệm: “Hy vọng chuỗi các hoạt động trong sự kiện lần này sẽ tạo ra một không gian văn hóa Việt Nam đa dạng sắc màu, mang đậm dấu ấn truyền thống, góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam đến gần hơn với công chúng Brunei”.

Bài 3: Nét Việt trên gấm vóc, lụa là Bài 3: Nét Việt trên gấm vóc, lụa là Bài 3: Nét Việt trên gấm vóc, lụa là Bài 3: Nét Việt trên gấm vóc, lụa là

Sáng tạo không ngừng nghỉ

Sáng tạo không ngừng là yêu cầu bắt buộc trong ngành thời trang nếu không muốn bị đào thải. Với áo dài, điều đó lại càng đòi hỏi nhiều hơn. Bởi lẽ, mỗi tấm áo không chỉ ở câu chuyện đẹp mà còn mang trên mình cả sứ mạng truyền tải văn hóa. Đặc biệt với những BST, những chiếc áo dài được thực hiện nhằm mục đích quảng bá hình ảnh, di sản Việt Nam, phát triển du lịch, giữ gìn bản sắc.

Hoa hậu Ngọc Hân đồng thời cũng là NTK tài năng, nổi tiếng, chọn con đường gắn bó với áo dài từng nêu mục tiêu phải làm sao tà áo dài vẫn giữ dáng vẻ truyền thống nhưng phải tạo ra các họa tiết, hình ảnh trên đó thật mới lạ, hiện đại, mới và mỗi năm mỗi kiểu. “Việc thiết kế vì thế phải đào sâu, thiên biến vạn hóa, để tạo nên sự khác biệt với các nhà thiết kế khác”, cô nhấn mạnh.

Quan niệm thiết kế những mẫu áo dài mang hồn dân tộc cũng là một cách để khẳng định chủ quyền về bản sắc văn hóa Việt Nam, với vai trò của một NTK, cô sẽ cố gắng đóng góp để quảng bá hình ảnh tà áo dài thông qua các sáng tạo, các buổi trình diễn. Đây cũng là một trong những cách mà cô thực hiện vai trò một Hoa hậu của mình với văn hóa đất nước, với cộng đồng.

Bài 3: Nét Việt trên gấm vóc, lụa là

Những năm gần đây, xu hướng đưa thổ cẩm vào áo dài ngày càng nhiều. Đó là sự kết hợp mang đầy sáng tạo và có trách nhiệm với di sản của đất nước.

Ngọc Hân từng hai lần xuất hiện với vai trò quảng bá cho Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 2 của tỉnh Đắk Nông. Mỗi dân tộc, vùng miền trên đất nước Việt Nam lại có những hoa văn thổ cẩm độc đáo khác nhau. Đứng trước nguy cơ mai một, chất liệu này cần được bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống đương đại. Kết hợp với áo dài, hai hình thức và chất liệu mang tính bản sắc này sẽ bổ trợ cho nhau để cùng nâng tầm, vươn xa.

Bộ sưu tập “Âm sắc đại ngàn” của NTK Thạch Linh được các thí sinh Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022 trình diễn lấy cảm hứng từ trang phục của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Các thiết kế thực hiện trên chất liệu thổ cẩm dệt thủ công, thổ cẩm được in ấn các họa tiết đặc sắc kết hợp với vải tafta, oganra, lụa, tơ… phối hợp cùng các họa tiết, phụ kiện đặc sắc, đính hạt thủ công rất cầu kỳ, tỉ mỉ.

Sự hiện diện của 71 người đẹp đến từ khắp nơi trên thế giới tại nước ta đã chứng minh là cơ hội tuyệt vời để quảng bá văn hóa, du lịch các miền di sản Việt Nam cũng như trang phục Việt. Những mẫu áo dài NTK Thạch Linh đã để lại ấn tượng sâu sắc với các thí sinh.

Có thể nói, một bản hòa tấu sắc màu trong các thiết kế lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam thông qua buổi trình diễn đã góp phần kết nối các di sản văn hóa giữa các vùng miền, cùng chung định hướng cốt lõi là bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa, lan tỏa tinh hoa văn hóa dân tộc, tô đậm thêm bản sắc văn hóa Việt Nam và hòa nhịp cùng các giá trị di sản văn hóa thế giới.

(Còn nữa)

Bài viết: Cẩm Tú

Trình bày: Ngọc Minh

Bài 1: “Nhịp cầu” lan tỏa thông điệp hữu nghị, hòa bình Bài 1: “Nhịp cầu” lan tỏa thông điệp hữu nghị, hòa bình
Bài 2: Dù ở đâu, Paris, London hay những miền xa… Bài 2: Dù ở đâu, Paris, London hay những miền xa…

Cẩm Tú