Khi các biện pháp xử phạt hành chính ngày càng được siết chặt để lập lại trật tự giao thông, thì ở một hướng tiếp cận mềm hơn, nhiều mô hình tuyên truyền tại trường học và địa phương đã chứng minh hiệu quả rõ rệt. Điều đó càng cho thấy giáo dục ý thức giao thông cho học sinh từ gia đình và cộng đồng luôn là nền tảng bền vững cho thế hệ tương lai. Lá chắn “giao thông xanh” từ học đường Trước thực trạng ùn tắc và mất an toàn giao thông tại các cổng trường vào giờ cao điểm, Quận đoàn Hà Đông, Hà Nội đã chủ động xây dựng mô hình “Đội hình phản ứng nhanh giao thông học đường” tại các trường THCS và THPT trên địa bàn. Thành viên đội hình là các đoàn viên thanh niên được lựa chọn, tập huấn bài bản về kỹ năng điều tiết giao thông, sơ cấp cứu cơ bản và xử lý tình huống khẩn cấp. Mỗi ngày vào đầu giờ sáng và cuối buổi học, các đội sẽ có mặt tại cổng trường để hỗ trợ học sinh qua đường, nhắc nhở phụ huynh không dừng đỗ xe lộn xộn và hướng dẫn lưu thông đúng làn đường. Điểm đặc biệt là mô hình còn phối hợp với Công an phường và lực lượng bảo vệ nhà trường nhằm xử lý kịp thời các tình huống vi phạm, va chạm nhỏ tại khu vực cổng trường. Thực tế hiện nay, rất nhiều học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông | | Em Nguyễn Thùy Linh, học sinh lớp 10 tại Trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ: “Trước đây mỗi lần tan học là em lo lắng vì xe đông, người chen chúc. Giờ có các anh chị mặc áo xanh đứng hướng dẫn, em và các bạn cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều”. Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, Huyện đoàn Đông Anh đã lựa chọn một cách tiếp cận mới, sáng tạo để giáo dục an toàn giao thông là tổ chức “Phiên tòa giả định” ngay tại sân trường. Trong mô hình này, các vụ án mô phỏng từ thực tế như vi phạm quy định khi điều khiển xe máy, không đội mũ bảo hiểm, hay phóng nhanh vượt ẩu gây hậu quả nghiêm trọng, được tái hiện dưới hình thức phiên tòa. Học sinh không chỉ theo dõi mà còn trực tiếp tham gia đóng vai thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, bị cáo… Nữ Cảnh sát giao thông tuyên truyền về văn hoá giao thông tới các em học sinh Điều này giúp các em hiểu rõ hơn về quy trình tố tụng, tính nghiêm minh của pháp luật cũng như hậu quả pháp lý và đạo đức từ những hành vi tưởng chừng nhỏ nhưng nguy hiểm trên đường. Sau mỗi phiên tòa, Huyện đoàn còn tổ chức tọa đàm ngắn để học sinh nêu cảm nhận và cam kết thực hiện nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ. Đồng chí Nguyễn Thị Thảo, Phó Bí thư Huyện đoàn Đông Anh cho biết: “Chúng tôi mong muốn chuyển tải kiến thức pháp luật bằng hình thức sinh động, gần gũi với học sinh. Đây không chỉ là tuyên truyền, mà là giáo dục bằng trải nghiệm thực tiễn”. Việc giáo dục an toàn giao thông phải bắt đầu từ chính gia đình, nhà trường Tăng xử phạt, đưa luật vào trường học Cùng với công tác giáo dục, việc xử lý nghiêm vi phạm và tăng cường thực thi pháp luật đang được nhiều Quận, Huyện đoàn trên địa bàn Hà Nội xem là bước đi thiết thực nhằm bảo vệ học sinh, xây dựng môi trường giao thông an toàn từ gốc. Tiêu biểu trong số đó là mô hình “Cổng trường học an toàn - văn minh” được triển khai bài bản tại huyện Đông Anh. Từ năm 2022 đến nay, Công an huyện Đông Anh (trước khi sáp nhập cấp huyện) và hiện nay là Công an các xã, thị trấn đã thường xuyên phối hợp với Huyện đoàn, Phòng Giáo dục và các trường học để triển khai sâu rộng mô hình này tại 121 trường học thuộc 24 xã, thị trấn, bao gồm từ mầm non đến các trường THPT, trung cấp và cao đẳng nghề. Các tổ tuần tra giao thông, trật tự của Công an xã được phân công túc trực tại các điểm cổng trường có nguy cơ ùn tắc vào các giờ cao điểm. Lực lượng này phối hợp với Đoàn Thanh niên, giáo viên và bảo vệ nhà trường để nhắc nhở, xử lý vi phạm ngay tại chỗ, đồng thời giám sát các nhà để xe trong trường học nhằm kiểm soát tình trạng học sinh đi xe không đúng phân khối hoặc chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Mô hình cổng trường an toàn được nhân rộng tại Hà Nội | | Theo đại diện Công an xã tại Đông Anh, những lỗi vi phạm phổ biến trước đây bao gồm: Học sinh không đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe, đi xe máy điện khi chưa đủ tuổi, dàn hàng ba, đi ngược chiều… Tuy nhiên, nhờ việc kết hợp đồng bộ giữa tuyên truyền và xử lý, trong đó có yêu cầu học sinh và phụ huynh ký cam kết chấp hành luật giao thông, tình trạng vi phạm hiện đã giảm mạnh và cơ bản không còn diễn ra phổ biến. Song song với đó, các trường học tại Hà Nội cũng đang từng bước đưa quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 168/2021/NĐ-CP vào nội dung giáo dục pháp luật. Tại Trường THCS Mai Dịch (quận Cầu Giấy), giáo viên chủ nhiệm tổ chức chuyên đề "Một giờ học cùng Luật Giao thông" mỗi tháng, trong đó học sinh được xem clip vi phạm thực tế, phân tích hành vi sai và cùng nhau thảo luận về hậu quả. Ý thức về an toàn giao thông cần được giáo dục từ khi các em còn nhỏ | | Một số trường còn chủ động thành lập mô hình “Sao đỏ giao thông” - nhóm học sinh gương mẫu, có nhiệm vụ ghi nhận vi phạm như không đội mũ bảo hiểm, chen lấn khi ra về, đi sai làn… để thông báo công khai trước lớp và gửi đến phụ huynh. Việc biểu dương học sinh chấp hành tốt cũng được lồng ghép linh hoạt vào các buổi sinh hoạt dưới cờ. Từ những sáng kiến đó, có thể thấy giáo dục ý thức và tăng cường thực thi pháp luật là hai “mũi giáp công” cần được thực hiện đồng bộ. Khi học sinh không chỉ được học luật, mà còn thấy luật được thực thi, ý thức tôn trọng pháp luật sẽ được hình thành từ trong chính môi trường học đường. (Còn nữa) Bài viết: Đình Trung Trình bày: Bình Minh Bài viết liên quan: | | | |