Tag

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về chống lãng phí

Tin tức 13/10/2024 17:20
aa
TTTĐ - Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận máu thịt không tách rời, là nguồn lực quan trọng của dân tộc Minh chứng về sức mạnh dân tộc và khát vọng hoà bình Phát triển Thủ đô xứng tầm trong kỷ nguyên mới của đất nước*
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về chống lãng phí
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (Ảnh: TTXVN)

Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.

CHỐNG LÃNG PHÍ

1. Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng phòng, chống lãng phí. Bác căn dặn “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”[1]; Người chỉ rõ “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”[2]; “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”[3]; Người nhiều lần nhấn mạnh “Phải quý trọng của công: Tất cả cái ăn, cái mặc, cái dùng của các cô, các chú là mồ hôi nước mắt của đồng bào. Phải tiết kiệm, giữ gìn, không được lãng phí[4]; “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ "giặc ở trong lòng”, Nếu chiến sỹ và Nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Vì vậy, chiến sỹ và Nhân dân phải hăng hái tham gia phong trào ấy”[5]. Không chỉ là thường xuyên căn dặn, nhắc nhở, bàn luận về tiết kiệm, chống lãng phí dưới góc độ lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đã truyền cảm hứng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua, huy động, hội tụ tiềm lực, sức mạnh chiến thắng thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí. Ngày 21/8/2006, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ngày 25/5/2012, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) ban hành Kết luận số 21-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương (khóa X); ngày 21/12/2012, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... chưa có chuyển biến rõ rệt... phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế... Tham nhũng, lãng phí... vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp... ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”[6]. Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ban hành Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 1998; Quốc hội đã thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và năm 2013; Hiến pháp năm 2013 quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước”[7].

Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hiến pháp và quy định của pháp luật, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đã xác định rõ hơn trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, khai thác, sử dụng các nguồn lực của đất nước được nâng lên. Ngân sách Nhà nước được kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập đến chấp hành dự toán và quyết toán; mua sắm, trang bị, quản lý và sử dụng tài sản, phương tiện đi lại, trang thiết bị làm việc trong các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách thực hiện theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định; công tác quản lý các dự án đầu tư sử dụng vốn, tài sản nhà nước có chuyển biến tích cực. Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước được triển khai; quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, ý thức tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, thiên tai; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.

Bên cạnh kết quả, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp. Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.

Ngoài những nguyên nhân dẫn đến từng dạng thức lãng phí, còn do thực thi các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về phòng, chống lãng phí trong thực tế vẫn còn hạn chế; hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ, một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; xử lý lãng phí chưa được đề cao, thường gắn với xử lý tham nhũng như hệ lụy kéo theo. Chưa tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như dư luận xã hội mạnh mẽ để phê phán, lên án những hành vi gây lãng phí. Việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức.

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về chống lãng phí

2. Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới; chú trọng một số giải pháp trọng tâm, sau đây:

Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh” Tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân khu vực công, khu vực tư về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có lãnh đạo, có chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường xuyên, triệt để. Xây dựng, triển khai thiết thực các cuộc vận động, phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Ban hành quy định của Đảng nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; quy định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống lãng phí; xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí; xây dựng cơ chế thực sự hữu hiệu cho giám sát, phát hiện lãng phí của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân. Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm gây lãng phí lớn tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực.”

Thứ ba, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo Nhân dân và phát triển đất nước. Trọng tâm là: (i) Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí. Trong đó, xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không cầu toàn, không nóng vội; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục điểm nghẽn, mở rộng không gian, tạo đà cho phát triển. Thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí. (ii) Cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; chống bệnh quan liêu. (iii) Sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực hiệu quả; tăng cường tính bền vững, tối ưu hóa quy trình làm việc; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém. Sớm hoàn thành cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm triển khai dự án đường dây 500 kv mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) để rút ngắn thời gian thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa. (iv) Tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới. Có các giải pháp cụ thể tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị lao động Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thứ tư, xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác,” “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích Nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của Nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật.

V.I. Lenin nói: “Chúng ta phải thực hành tiết kiệm tột mức trong bộ máy nhà nước của chúng ta. Chúng ta phải bài trừ mọi vết tích lãng phí mà nước Nga quân chủ và bộ máy quan liêu tư bản chủ nghĩa của nó đã để lại đầy rẫy”[8]; Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nhấn mạnh “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm, tức là phải tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công”[9]; để đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, nhất định chúng ta phải quyết tâm phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tô Lâm
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.357
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.345
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.357
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.221
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.362
[6] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t1, tr.92, 93
[7] Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013,tr.12
[8] V.I.Lênin: Toàn tập, NXB Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, t.45, tr.458, 459
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.110.

Đọc thêm

Trao các quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ Nhịp sống phương Nam

Trao các quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ

TTTĐ - Ngày 19/11, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa tổ chức Hội nghị công bố các quyết định của Ban Bí thư về chỉ định tham gia BCH Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhiệm kỳ 2020-2025.
Đảm bảo chất lượng, tiến độ thi hành Luật Thủ đô Tin tức

Đảm bảo chất lượng, tiến độ thi hành Luật Thủ đô

TTTĐ - Kỳ họp thứ 19 của HĐND TP Hà Nội đã thông qua 15 Nghị quyết với tỷ lệ thống nhất cao. HĐND TP đề nghị UBND TP, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đảm bảo các nghị quyết của HĐND TP đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.
Ngày mai, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của kỳ họp thứ 8 Tin tức

Ngày mai, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của kỳ họp thứ 8

TTTĐ - Từ ngày mai (20/11), đợt 2 của kỳ họp thứ 8 sẽ bắt đầu. Trong đợt này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nhiều dự án luật và nghị quyết quan trọng.
Mở rộng phân cấp, uỷ quyền trong giải quyết TTHC, đầu tư xây dựng Tin tức

Mở rộng phân cấp, uỷ quyền trong giải quyết TTHC, đầu tư xây dựng

TTTĐ - Phân cấp, uỷ quyền tạo được động lực, tính chủ động giải quyết nhiệm vụ, sát với thực tiễn, giảm tầng nấc trung gian, thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết. Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, Luật Thủ đô đã quy định các điều khoản trong giải quyết thủ tục hành chính và trong đầu tư xây dựng. HĐND TP Hà Nội đã cụ thể hoá các quy định, thông qua tại kỳ họp chuyên đề sáng nay (19/11).
Tài sản công được sử dụng kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết Xã hội

Tài sản công được sử dụng kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết

TTTĐ - Sáng 19/11, tại kỳ họp thứ 19, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của TP vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô).
Khắc phục bất cập, nâng cao chất lượng quản lý bộ máy Tin tức

Khắc phục bất cập, nâng cao chất lượng quản lý bộ máy

TTTĐ - Sáng 19/11, tại kỳ họp thứ 19, HĐND TP Hà Nội đã thông qua các nghị quyết về việc thành lập, giải thể cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP. Các nghị quyết cụ thể hoá các quy định tại Luật Thủ đô; nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập về tổ chức, bộ máy; góp phần giảm thiểu thời gian và thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng quản lý tổ chức, bộ máy...
Cán bộ, công chức cấp xã thuộc biên chế hành chính Tin tức

Cán bộ, công chức cấp xã thuộc biên chế hành chính

TTTĐ - Tại kỳ họp thứ 19, HĐND TP Hà Nội đã thông qua quy định việc chuyển cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội.
Khai mạc kỳ họp chuyên đề triển khai Luật Thủ đô Tin tức

Khai mạc kỳ họp chuyên đề triển khai Luật Thủ đô

TTTĐ - Sáng 19/11, HĐND TP Hà Nội khoá XVI tổ chức kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết nghị một số nội dung triển khai Luật Thủ đô.
HĐND TP Hà Nội xem xét 16 nghị quyết thi hành Luật thủ đô Tin tức

HĐND TP Hà Nội xem xét 16 nghị quyết thi hành Luật thủ đô

TTTĐ - Sáng nay (19/11), HĐND TP Hà Nội tổ chức kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) xem xét, ban hành các nội dung triển khai, thi hành Luật Thủ đô năm 2024 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của HĐND TP.
Cán bộ Mặt trận Hà Nội tưởng nhớ Bác Hồ, Bác Tôn Tin tức

Cán bộ Mặt trận Hà Nội tưởng nhớ Bác Hồ, Bác Tôn

TTTĐ - Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 -18/11/2024), sáng 18/11, Đoàn đại biểu Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội đã tới dâng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Công viên Thống Nhất).
Xem thêm