Báo chí đồng hành xây dựng niềm tin của xã hội với giáo dục
Giáo dục là một trong những ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và Belarus UBND TP Hà Nội cho ý kiến quy định giá dịch vụ giáo dục công lập |
Trong vai trò giám sát, phản biện xã hội, báo chí có những tác động tích cực để nhân lên những việc làm hay, những hành động đẹp, cổ vũ, biểu dương để giáo dục phát triển, xây dựng niềm tin của xã hội với ngành.
Sinh viên ngành Đông phương học trường Đại học Phenikaa |
Trong nhiều năm qua, ngành Giáo dục thường xuyên được sống trong không khí đổi mới với rất nhiều thay đổi, điều chỉnh, cải cách…
Năm học 2022 - 2023, sau 2 năm, các trường học nhiều đợt phải tạm dừng đóng cửa, thầy và trò chuyển trạng thái dạy và học trực tuyến kéo dài bởi dịch COVID-19, ngày 5/9, 23 triệu học sinh cả nước đã được đến trường dự khai giảng năm học 2022 - 2023 bằng hình thức trực tiếp trong niềm vui chung của người dân cả nước.
Năm học 2022 - 2023 cũng là năm Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các lớp 3, 7, 10. Trong đó, đáng chú ý, đây là năm đầu tiên chương trình mới được triển khai ở cấp THPT với lớp 10 theo định hướng giáo dục nghề nghiệp, học sinh không phải học 17 môn bắt buộc như hiện nay, thay vào đó, các em học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc.
Năm qua, những mảng màu trầm cũng xuất hiện trong Giáo dục. Đó là tình trạng “loạn” trong hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Ngành Giáo dục cũng đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên ở hàng loạt các địa phương. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước thiếu khoảng 100.000 giáo viên mầm non, phổ thông.
Năm 2022, khoảng 16.000 giáo viên xin nghỉ việc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học. Không dừng lại ở đó, vấn đề về “sạn” trong sách giáo khoa, giá sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn là tâm điểm của dư luận trong năm 2022.
Những vấn đề “nóng” của ngành, từng sự điều chỉnh trong chủ trương, chính sách về giáo dục đã được báo chí phản ánh, đưa tin kịp thời đến độc giả một cách trung thực, khách quan.
Vẫn còn không ít những hiện tượng, vụ việc tiêu cực xảy ra ở ngành vốn có sức ảnh hưởng đến mọi nhà, luôn nhận được sự quan tâm và kì vọng lớn của xã hội. Những câu chuyện về lạm thu, về tình trạng chạy trường, chạy lớp vẫn xảy ra ở đây đó trong ngành khiến niềm tin đối với giáo dục bị lung lay.
Không chỉ cung cấp, cập nhật thông tin hàng ngày kịp thời, báo chí đã góp phần không nhỏ, là người bạn đồng hành xây dựng niềm tin của xã hội đối với Giáo dục. Những tấm gương tiêu biểu của các thầy cô giáo từ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới xa xôi vượt khó để gieo chữ cho học trò như cổ vũ, tạo động lực và truyền lửa cho người thầy.
Những mô hình hay, cách làm sáng tạo, đổi mới trong dạy học được thông tin, phản ánh đa chiều như niềm khích lệ, động viên đối với thầy, cô giáo trên hành trình dạy học…
Từ những gam màu tươi sáng, tích cực ấy đã gieo niềm tin vào một xã hội về đạo đức người thầy, gieo niềm tin của phụ huynh, xã hội dành cho nhà trường. Niềm tin ấy là những lứa học trò ngoan ngoãn, giỏi giang, có đức, có tài để ra đời trở thành công dân có ích cho xã hội.
Nhiều thầy cô vẫn đùa nói với tôi rằng: “Làm nghề giáo không khác gì làm dâu trăm họ”. Trong đó, một lớp học có bao nhiêu học sinh, bao nhiêu phụ huynh là từng ấy cá tính khác biệt.
Đặc biệt, trong bối cảnh đời sống xã hội đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, công nghệ thông tin được “update” liên tục, sự giám sát, phản biện của xã hội với ngành Giáo dục ngày càng cao (không chỉ qua báo chí chính thống mà còn các kênh mạng xã hội) thì áp lực đối với những người thầy ngày càng lớn hơn.
Trong quá trình làm nghề, có những khi, tôi chứng kiến những nhà giáo, người quản lý tâm huyết nhưng chỉ vì một sự bất cẩn, sơ sẩy rất nhỏ thôi sẽ phải gánh chịu búa rìu của dư luận, sự chỉ trích, lên án của xã hội đến nỗi họ dường như không còn chút động lực nào để cống hiến, khi mọi cố gắng không được ghi nhận, không được sự tin tưởng.
Bởi vậy mới nói, để giáo dục tốt hơn, không chỉ cần sự nỗ lực của những người thầy, những cán bộ làm công tác quản lý ngành giáo dục mà còn cần hơn hết sự đồng cảm, chia sẻ của phụ huynh, xã hội, trong đó có cả các nhà báo.
May mắn được làm nghề, được tiếp xúc hàng ngày với các thầy giáo, cô giáo, các cơ sở giáo dục, có nhiều kỷ niệm về nghề để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc với những vui và cả buồn.
Dù buồn hay vui, tôi cũng muốn dành lời cảm ơn đến những người thầy, người cô, những cán bộ làm công tác quản lý giáo dục - những người đã cho tôi nhiều bài học giá trị để trưởng thành hơn, đã đem đến cho tôi giây phút thăng hoa trong cảm xúc để tôi thêm hiểu ngành hơn, có thêm nhiều bài học quý giá từ cuộc sống, từ tình cảm “tôn sư trọng đạo” và học hỏi từ đó những giá trị nhân văn, niềm tin, sự lạc quan và nỗ lực không ngừng dù khó khăn luôn vẫn còn nhiều ở phía trước.