Bài 2: Bão lũ rồi sẽ qua, con cứ ở đây cùng thầy cô
May mắn vì thoát nạn bởi sạt lở nghiêm trọng ngày 9/9 do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) nhưng các em nhỏ ở vùng lũ tỉnh Lào Cai, vẫn còn bị ám ảnh, sợ hãi khi nhớ cảnh cả làng nháo nhác chạy lên núi, thôn bản bị vùi lấp trong dòng nước dữ cuồn cuộn.
Em sợ lắm!
Dù thoát nạn và an toàn quay lại trường học nhưng em Lý Thu Hà, học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai vẫn cảm thấy sợ hãi.
Cô học trò kể: “Buổi sáng hôm ấy, em đang ngủ thì bố gọi dậy, rồi cả nhà cùng nhau di dời lên đỉnh núi. Em hỏi: “Bố ơi, nhà mình đi đâu?” và bố bảo: “Lên núi chạy lũ”. Thế rồi, bố em mang theo áo mưa, gạo, chăn màn và đi cùng người dân làng lên ngọn núi cách thôn khoảng 1km”. Lý Thu Hà đã rất sợ, không biết chuyện gì xảy ra, chỉ thấy trời mưa không ngớt và cả làng đều chạy rất nhanh nên em cũng cùng bố đi gấp.
Hà chia sẻ, lên núi ở lại mấy ngày, em nhớ nhà lắm. Ngày quay trở lại thì cả thôn đã bị sập đổ nhà cửa, nước lũ cuốn phăng tất cả.
Bố của Hà làm nông nghiệp vất vả. Mẹ phải rời quê, đi làm xa. Cái nghèo khó khiến gia đình em phải xa nhau suốt năm. Những đứa trẻ như Hà sớm xa vòng tay mẹ. Nay bão lũ lại khiến cho mái nhà em ở không còn. Dù chưa lớn để hiểu những điều xa xôi nhưng cô bé cứ bần thần. “Em sợ lắm. Khi trở về làng đã tan hoang, em chỉ mong quê hương được bình an”, Hà nói.
Học trò Lý Kim Phượng (sinh năm 2015) sinh ra và lớn lên tại thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Khi từ núi trở lại trường học, cô bé chia sẻ: Nhà em đã bị lũ cuốn trôi. Rất may cả gia đình bình an vì đã nhanh chóng theo làng di chuyển lên núi. Cô học trò nhỏ nói: “Em nhớ những ngày đầu tại khu lán trại, người dân khó khăn. Đồ ăn, nước sạch đều thiếu thốn, người lớn thì bảo nhau cố gắng, còn người là được. Em cũng nghe ở những huyện lân cận, nhiều bạn học sinh đã bị vùi lấp trong đất đá, mất tích vì lũ. Em thấy mình vẫn thật may mắn”. Trong số 115 người của thôn Kho Vàng di tản tránh sạt lở, có 50 trẻ em dưới 15 tuổi. Từ ngày 7/9, trên địa bàn thôn Kho Vàng có mưa lớn kéo dài, 17 hộ dân trong thôn sống tập trung quanh đỉnh núi cao, nỗi lo đất đá sạt xuống luôn thường trực. Ảnh hưởng của bão, lũ khiến cho những quả đồi quanh làng no nước, dễ dàng bị sạt lở, đổ sập vùi lấp thôn. Trước đó, theo lệnh của trưởng thôn Kho Vàng, cả làng đã hành quân lên núi lánh nạn. |
|
Cũng là một trong số 36 trường hợp học sinh bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, em Ma Thị Hoa (dân tộc Mông), ở thôn Kho Vàng vừa được nhà trường đón đến ăn ở tại trường từ tối 15/9.
Nhà có 8 nhân khẩu, chỉ có Hoa được học ở trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Cốc Lầu. Hoa chia sẻ: “Chưa bao giờ nhà em bị như thế này, em rất sợ nhưng hôm nay được các thầy cô và nhiều cô, bác hỗ trợ, em rất yên tâm và sẽ cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Em Đặng Hùng Tuấn, học sinh lớp 3A2, trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Cốc Lầu cũng có hoàn cảnh rất đáng thương. Nhà có 4 người, anh trai của Tuấn hiện học lớp 5A2. Nhà cửa cũng bị lũ cuốn trôi hết, hiện bố mẹ Tuấn đang ở lán tạm, còn hai anh em vừa được đón vào ở trong trường.
Đêm đêm trong đâu đó tiếng của ngọn núi cao vẫn nổ, đổ đất đá xuống các con đường, thung lũng, bản làng… những học trò được kịp thời đưa xuống trường ăn học ngủ ngon trong sự chở che của thầy cô giáo cắm bản.
Cô Nguyễn Thị Minh Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A2 Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Cốc Lầu chia sẻ: “Nhiều học sinh trở nên rất khó khăn nhất sau đợt mưa bão vừa qua. Nhiều học trò nhà bị cuốn trôi sạch, không còn thứ gì. Ví như trường hợp của Tuấn.
Cả lớp có 6 học sinh bị ảnh hưởng mưa lũ nhưng nhà Tuấn là bị nặng nề nhất, 5 em còn lại nhà đang nằm trong diện nguy cơ sạt lở phải di dời. Mất mấy ngày không ai liên lạc được với các em, chúng tôi rất lo lắng. Giờ thì yên tâm rồi, các em được đón và tạm thời ăn học, ngủ nghỉ tại trường đến khi gia đình ổn định thì sẽ đón về”.
Học trò Làng Nủ ở lại với thầy cô Trận lũ quét nghiêm trọng tại Lào Cai đã san lấp thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên), trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân địa phương cũng như cả nước. Làng Nủ vẫn chìm trong bùn đất, rác và nguy hiểm rình rập tại các điểm sạt lở trên đường đến trường của các em nhỏ nơi đây. Nhiều nhà học sinh bị lũ, sạt lở đất, tàn phá cả ngôi làng yên ả trước kia. Thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh cho biết: “Nhà trường đã quyết định đón 107 học sinh ở Làng Nủ đến học tập và ở nội trú, dưới sự nuôi dạy và hướng dẫn học tập của thầy cô giáo. Nhà trường phải sử dụng các phòng chức năng để làm phòng ở cho học sinh. Tuy chúng tôi còn khó khăn nhưng đón được các con đến trường vẫn khiến các thầy cô giáo yên tâm nhất. Khó khăn đến mấy cũng chịu được, chỉ mong các con nguôi ngoai nỗi đau, trở lại những tháng ngày đi học được mạnh khỏe, hồn nhiên như mọi em bé trên cuộc đời”.
|
|
(Còn nữa) Bài viết và trình bày: Lê Dung
|