Bảo vệ dân số già trước tác động của dịch bệnh Covid-19
Chăm sóc người già mắc bệnh mạn tính tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương
Bài liên quan
Việt Nam chưa có sự chuẩn bị cho việc thích ứng với già hóa dân số
Việt Nam đối mặt với tốc độ già hoá dân số đang tăng nhanh
Chiều 11/4, Việt Nam chỉ phát hiện thêm duy nhất ca mắc Covid-19
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vẫn còn ở phía trước
2/3 ca tử vong vì dịch Covid-19 trên toàn thế giới rơi vào người cao tuổi
Theo công bố của WHO thì 2/3 số ca tử vong do dịch bệnh là người cao tuổi. Hiện nay số người tử vong cao nhất là ở nước Ý, cũng là nước có dân số già nhất châu Âu với tuổi thọ bình quân 82,5 tuổi. Một số nước có số người tử vong cao vì dịch bệnh Covid-19 đều có tuổi thọ bình quân cao như: Anh (80,46 tuổi), Pháp (81,66 tuổi), Mỹ (79,56 tuổi)…
Ngay như ở Trung Quốc là nước có tuổi thọ bình quân thấp trong số các nước có số người chết cao do dịch bệnh nhưng tuổi thọ bình quân cũng là 75,5 tuổi, tức là nước đã có dân số già.
Nhiều nước đã phải có những giải pháp riêng trong phòng chống dịch cho người cao tuổi. Ví dụ, Bộ trưởng Y tế Anh đã xác nhận kế hoạch cách ly tất cả những người trên 70 tuổi trong 4 tháng ở thời điểm SARS-COV-2 đang lây lan mạnh.
Chính quyền Anh nhiều khả năng sẽ áp dụng các biện pháp kiểu thời chiến và nhiều công cụ khẩn cấp khác, bao gồm cả việc cách ly những người già. Ở Việt Nam tuy chưa có người tử vong do dịch bệnh Covid-19 nhưng đã có những khuyến cáo đặc biệt về phòng chống dịch cho người cao tuổi.
Một trong những biến số quan trọng nữa liên quan đến dịch bệnh Covid-19 là biến động cơ học của dân số, tức là sự di chuyển. Dịch bệnh ở một số nước đã xử lý được ở những ổ dịch đơn lẻ, nhưng trong giai đoạn bùng phát lớn đều do các luồng di cư.
Ngoài việc số người di chuyển gây nguy cơ lây nhiễm lớn từ nhiều nguồn khác nhau thì một trong những nguyên nhân là ngay khi tham gia di chuyển, những nơi như sân bay, bến tàu, bến xe hoặc ngay trên các phương tiện vận chuyển cũng tập trung mật độ dân số rất lớn, tập trung rất nhiều người có khả năng bị lây nhiễm từ nhiều nguồn khác nhau.
Ngoài những nước ở châu Âu, Mỹ và một số nước có lượng người di chuyển nhiều thì hiện nay ở Trung Quốc là nơi đã xử lý rất tốt dịch bệnh khi phong tỏa tỉnh Hồ Bắc và tâm điểm là TP Vũ Hán. Tuy nhiên, hiện nay cũng đang có nhiều người mắc Covid-19 do di chuyển đến Trung Quốc và có khả năng bùng phát dịch giai đoạn hai.
Quan tâm, chăm sóc sức khỏe người già để phòng chống dịch Covid-19
Ở Việt Nam hiện nay, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch quốc gia cũng đã có những giải pháp quyết liệt để ngăn ngừa những khả năng bùng phát dịch bệnh.
Chăm sóc người cao tuổi cả về đời sống vật chất và tinh thần là một nội dung quan trọng trong chính sách mà Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh trong tất cả các giai đoạn phát triển của đất nước.
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, BCH Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới với quan điểm chỉ đạo: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ DS/KHHGĐ sang Dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững”.
Những điều này cho thấy quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước rất rõ ràng về mối quan hệ hữu cơ giữa dân số và phát triển với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.
Công tác chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch ở Việt Nam được thực hiện khẩn trương, nhận được sự đồng tâm hiệp lực từ nhiều phía, nhiều người và nghĩa cử từ những tấm gương thanh niên tình nguyện.
Phát nhu yếu phẩm cho người già để phòng chống dại dịch Covid-19 |
Nhiều địa phương đã tổ chức các điểm phát gạo từ thiện, mang nhu yếu phẩm trao cho các đối tượng người già neo đơn. Những hành đông này đã tiếp thêm tinh thần, sức khỏe cho những người cao tuổi trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19.
BS. Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu, BV Hữu Nghị cho biết: Từ thực tế diễn biến dịch bệnh Covid-19 cho thấy, người cao tuổi là đối tượng dễ bị tấn công và “gục ngã” khi mắc phải bệnh Covid-19 do hệ miễn dịch của họ đã suy yếu, và đa số người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính kèm theo.
Hệ hô hấp của người cao tuổi “kém” dần theo năm tháng, lồng ngực giảm khả năng co giãn, dung tích phổi giảm, phản xạ ho, lực ho kém… tất cả những yếu tố đó làm cho hệ hô hấp trở nên suy yếu trước “kẻ thù” là các tác nhân gây bệnh lý đường hô hấp, đó là virus, vi khuẩn, nấm.
BS Khiêm cũng cho rằng, nếu ở người trẻ tuổi khoẻ mạnh, các tác nhân gây bệnh muốn vào được tới cơ quan hô hấp “sâu nhất” để gây bệnh là phổi thì chúng phải vượt qua được các “hàng rào bảo vệ” ở mũi, họng và khi vào đến phổi chúng sẽ bị “bao vây” rồi tống ra ngoài bởi phản xạ ho, khạc. Song ở người cao tuổi thì không hoàn toàn là như vậy, bởi lẽ cơ quan hô hấp của người cao tuổi không còn duy trì được các chức năng đó nữa nên họ rất dễ nhiễm và mắc các bệnh lý đường hô hấp, bên cạnh các bệnh lý nền sẵn có (như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch…)
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang có xu hướng lan rộng, người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài, đến các nơi công cộng có tập trung đông người. Trong trường hợp có vấn đề về sức khoẻ, nếu nhẹ có thể tự chăm sóc tại nhà dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế xã, phường, trường hợp thực sự cần thiết mới nên tới các cơ sở y tế ví dụ như các trường hợp cấp cứu, bệnh nặng cần theo dõi và điều trị.
Trước đó, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã ký văn bản số 1386/BCĐQG gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19 đối với người bệnh, người cao tuổi và khai báo y tế điện tử.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 yêu cầu các địa phương khuyến cáo và thông báo cụ thể tới các gia đình có người cao tuổi, người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao hạn chế tối đa việc ra ngoài, trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh (hết thuốc, cần chỉnh liều...); luôn sử dụng khẩu trang và sát khuẩn tay nếu ra ngoài nhà.Các cơ sở y tế thực hiện việc cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn cho tất cả các đối tượng (tối thiểu 2 tháng); Thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc hồ sơ điện tử đầy đủ, trước hết ưu tiên kê khai cho người từ 60 tuổi trở lên và người có các bệnh lý nền, bệnh không lây nhiễm hoặc các bệnh lý khác....