Bất thường tại Trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy – Hà Nội)
![]() |
![]() |
Ép chuyển trường vì sức học yếu?
Một số phụ huynh có con vừa chuyển từ trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy) cho biết, con em của họ thuộc đối tượng tuyển sinh vào trường THCS Dịch Vọng vì đều có hộ khẩu trên địa bàn phường. Sau một năm học tập, các cháu đều không đạt được yêu cầu học tập của nhà trường đề ra, phần lớn các cháu đều không đủ điều kiện được lên lớp hoặc phải thi lại.
Một phụ huynh có con học lớp 8 cho biết, sức học của con yếu, không theo kịp các bạn, cô chủ nhiệm “đánh tiếng” nếu không chuyển trường thì năm nay sẽ cho học lại, còn nếu chuyển trường thì nhà trường sẽ tạo điều kiện để điểm số thi lại của cháu đạt lên lớp. Sau khi đến trình bày về nguyện vọng sẽ cho con chuyển trường, khi thi lại, điểm số của học sinh này đạt 5,5 điểm. Lên lớp 9 và gia đình đã chuyển con sáng trường dân lập.
Điều mà phụ huynh này bức xúc là, dù sức học của cháu yếu nhưng cô chủ nhiệm và nhà trường tuyệt đối không có bất cứ một kế hoạch dạy thêm hay kèm cặp gì cháu. Thậm chí gia đình đăng ký cho cháu học thêm tại lớp dạy thêm riêng của cô ở bên ngoài, cô cũng không đồng ý.
Một phụ huynh khác có con vừa chuyển đi sau khi thi lại đạt điểm lên lớp 9 cũng cho biết: “Sau khi kết thúc năm học, gia đình chúng tôi được biết con mình không được lên lớp. Vào khoảng cuối tháng 7, chúng tôi nhận được thông tin từ cô chủ nhiệm của cháu, đề nghị gia đình đến gặp cô Phạm Thanh Bình là Phó hiệu trưởng của nhà trường để trao đổi về trường hợp của con. Sau đó tôi có đến trường THCS Dịch Vọng để gặp cô Bình để trao đổi, tại đây cô Bình có thông tin về trường hợp học tập của con tôi trong năm học vừa qua, cô có nói với sức học của cháu sẽ không theo kịp với các bạn ở đây nên có “gợi ý” gia đình nên xin cho cháu sang trường khác để phù hợp hơn với sức học của cháu, nếu gia đình đồng ý, nhà trường sẽ tạo điều kiện để cho cháu được thi lại để đủ điều kiện lên lớp và chuyển trường. Không muốn con mình bị lưu ban và mang tiếng nên chúng tôi đã đồng ý với “gợi ý: trên của cô Phó hiệu trưởng Bình để cho cháu thi lại và xin chuyển sang trường THCS Dân lập Hà Thành. Biết là sang bên đó phải chi phí nhiều hơn so với trường công lập, nhưng cô Bình đã nói thế nên chúng tôi đành phải chuyển”. Phụ huynh này chia sẻ.
Được biết, trong năm nay, số học sinh thi lại của trường THCS Dịch Vọng là 43 em, số học sinh lên lớp là 27 em (trong đó có 23 học sinh chuyển trường sau khi thi lại, các trường chuyển đến đều là các trường dân lập. Điều đặc biệt là, số học sinh này đều là con em có hộ khẩu ở phường Dịch Vọng và bố mẹ hầu hết là dân lao động.
Câu hỏi được đặt ra là, tại sao các phụ huynh đều được “gợi ý” để gia đình phải tự nguyện làm đơn chuyển trường học cho con em mình? Có hay không sự “ép buộc” phải chuyển trường từ phía giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường? Vì sao lại phải đề nghị gia đình các cháu chuyển sang trường khác để phù hợp với năng lực học tập của các cháu? Phải chăng do trường THCS Dịch Vọng là trường chuyên nên không dạy những cháu học kém?
Phải chăng vì thành tích?
Có thể nói rằng, trong nhiều năm học vừa qua, trường THCS Dịch Vọng luôn là trường được xếp thứ hạng cao về thành tích, về truyển thống trong các trường trên địa bàn quận Cầu Giấy. Số lượng học sinh trúng tuyển vào các trường THPT luôn đạt mức cao
Điều này không thể phủ nhận sự nỗ lực, phấn đấu của Ban Giám hiệu nhà trường. Họ luôn xứng đáng là cánh chim đầu đàn trong phương pháp giáo dục, năng lực quản lí. Mỗi giáo viên đều có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn tốt. Đây là những thành tích đáng tự hào.
Tuy nhiên với việc phản ánh của phụ huynh học sinh có con em đúng tuyến tuyển sinh của nhà trường, sau một năm học tại đây vì lý do học lực không đạt theo yêu cầu, nên đã được “gợi ý” chuyển trường sang môi trường giáo dục khác phù hợp với năng lực học tập của các cháu. Liệu đây có phải là một thứ ‘Bệnh thành tích” được nhắc đến trong nhiều năm qua của ngành giáo dục?
Một phụ huynh có con học năm nay chuyển sang lớp 9 trường dân lập Hà Thành cho rằng, chính vì là trường chuyên, là trường điểm nên kiến thức của giáo viên dạy trên lớp cũng quá cao siêu khiến các cháu học yếu không thể theo kịp. Hầu hết giáo viên toàn dạy Toán nâng cao, những bài Toán theo chương trình phổ thông dường như không có trong chương trình dạy trên lớp. “Tôi là phụ huynh theo sát con mình trong quá trình học tập, các bài Toán cô giao tôi đều cùng con suy nghĩ. Chỉ có điều, những bài Toán này toàn là dạng nâng cao, không có trong chương trình đang học. Chính vì thế cháu nào yếu thì học ngày càng yếu. Không thể bắt kịp các bạn” phụ huynh này cho biết.
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT, các trường đều phải có kế hoạch kèm cặp những học sinh yếu, kém, tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, những học sinh bị “ép” chuyển trường hầu như không được đi học thêm do cô không nhận dạy vì quá kém. Tại sao một trường có bề dày kinh nghiệm và thành tích cao trong hoạt động dạy và học, giáo viên có nhiều kinh nghiệm lại không thể hướng dẫn, ôn luyện và kèm cặp đối với các em học sinh có học lực yếu này để cho các em có đủ điều kiện để học tập tại đây?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các em “tự nguyện” chuyển trường vì sức học yếu, kém điều kiện gia đình không khá giả, thậm chí là khó khăn. Họ phải chuyển sang một trường dân lập và phải đóng tiền nhiều hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng trường THCS Dịch Vọng đã tước đoạt đi quyền lợi của học sinh – quyền lợi được nhà nước quy định?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hà Nội tiên phong lan tỏa tinh thần học tập, kiến tạo tri thức

6 học sinh Việt Nam đoạt huy chương Vàng Olympic giao lưu Toán Turkmenistan

Hà Nội ổn định thi, tuyển sinh dù thay đổi đơn vị hành chính

Hà Nội: Gần 76% giáo viên trung học đã kích hoạt chữ ký số

Xu hướng phát triển và cơ hội việc làm thời đại số

Cầu nối hợp tác giáo dục chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản

Phrase-ology - Tuyển tập 100 cụm từ tiếng Anh

Thủ tướng đề nghị Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phát huy "5 tiên phong"

Bệ phóng cho khát vọng chinh phục thị trường kinh tế toàn cầu
