Bệnh nhân mắc Covid-19 cao tuổi, nhiều bệnh nền ở Đà Nẵng trở nặng
Từ các điểm cầu, chuyên gia hội chẩn điều trị ca Covid-19 cao tuổi, nhiều bệnh nền ở Đà Nẵng
Tại buổi hội chẩn, BS Lê Thành Phúc- Giám đốc BV Phổi Đà Nẵng đã báo cáo về trường hợp cần xin hội chẩn. Đây là bệnh nhân nữ 79 tuổi, từ Mỹ về Việt Nam ngày 13/1/2021; Bệnh nhân có người nhà ở Mỹ mắc bệnh Covid-19; Ngày 14/1/2021 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2.
Hội chẩn trực tuyến về ca bệnh nặng từ điểm cầu Bộ Y tế |
Bệnh nhân được chuyển đến BV Phổi Đà Nẵng điều trị cùng ngày. Bệnh nhân còn có tiền sử đái tháo đường và cao huyết áp; thể trạng gầy.
Ngày 17/1 bệnh nhân xuất hiện khó thở nhẹ, người mệt,đi cầu phân lỏng, ăn uống kém; Ngày 19/1, bệnh nhân hơi khó thở, chụp XQ phổi có dấu hiệu mờ;
Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia đánh giá bệnh nhân đang có những dấu hiệu nặng lên. Do đó, BV Phổi Đà Nẵng phải theo sát các diễn biến của người bệnh. Hội đồng chuyên môn đề nghị BV đánh giá toàn bộ tình trạng tổn thương phổi; xem xét siêu âm màng phổi; đánh giá tình trạng tim mạch; tình trạng hô hấp của người bệnh.
Đặc biệt, BV Phổi Đà Nẵng phải tăng cường công tác dinh dưỡng cho người bệnh vì bệnh nhân thể trạng gầy, không để bệnh nhân suy kiệt. Hội đồng chuyên môn cũng có những đề xuất về việc sử dụng thuốc, các chỉ số về chức năng thở, xét nghiệm phân, cấy vi sinh xem xét tổng thể các chỉ số của người bệnh...
Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia đánh giá người bệnh đang có những dấu hiệu nặng lên. Do đó, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng phải theo sát các diễn biến của bệnh nhân, xét nghiệm phân, cấy vi sinh xem xét tổng thể các chỉ số.
Hội đồng chuyên môn cũng đề nghị bệnh viện đánh giá toàn bộ tình trạng tổn thương phổi, xem xét siêu âm màng phổi, sức khỏe tim mạch, hô hấp của người bệnh, đặc biệt cần tăng cường dinh dưỡng vì bệnh nhân thể trạng gày, không để bệnh nhân suy kiệt.
Cứ 100 bệnh nhân Covid-19 sẽ có khoảng 4-5 ca diễn biến nguy kịch
Trước đó, Bộ Y tế thông báo bệnh nhân BN1465 là nữ, 61 tuổi, quê Bà Rịa Vũng Tàu, nhập cảnh từ Mỹ. Ngay khi chuyển tới cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hôm 2/1, người bệnh đã trong tình trạng rất mệt, ăn uống kém.
Bác sĩ kết luận bệnh nhân tổn thương phổi rất rộng, trên 75% diện phổi, suy hô hấp nặng. Ngoài ra, “cơn bão Cytokine” ở bệnh nhân tương đối trầm trọng. “Cơn bão Cytokine” là hiện tượng hệ miễn dịch cơ thể phản ứng quá mức, giải phóng ồ ạt chất Cytokine gây viêm, khiến các cơ quan nội tạng suy kiệt.
Những diễn biến này tương tự các ca nặng như bệnh nhân BN19, bệnh nhân BN91 trước đây. Từ ngày 6/1, người bệnh được chuyển lên Khoa Cấp cứu điều trị trong phòng áp lực âm và đặt ống nội khí quản, can thiệp máy thở xâm nhập.
Sau 2 tuần điều trị tích cực, hiện bệnh nhân đã cai được thở máy, tự đi lại. Nói về các ca bệnh Covid-19 nặng, BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ rằng, việc có thêm bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng như ca 1465 là điều đã được dự đoán từ trước.
Bởi lẽ theo thống kê trên thế giới cho thấy, trung bình cứ 100 bệnh nhân Covid-19 sẽ có khoảng 19-20 ca nặng. Tuy nhiên nếu kiểm soát tốt các yếu tố bệnh sinh thì chỉ 4-5 ca diễn tiến nguy kịch. Trường hợp kiểm soát các yếu tố trên không tốt hoặc bệnh xảy ra ở nhóm người có nhiều bệnh nền, con số này có thể lên đến 11-12 ca. Do đó, bệnh viện luôn có kế hoạch sẵn sàng ứng phó nếu có bệnh nhân diễn biến xấu.
Được biết đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hiện không còn bệnh nhân Covid-19 nào có tình trạng nặng. Các bệnh nhân khác đều là ca diễn tiến nhẹ, do Khoa Virus ký sinh trùng và Nội tổng hợp luân phiên điều trị.