Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chi viện nhân lực cho miền Trung chống dịch Covid-19
Hai chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương gồm BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc chuyên môn của bệnh viện và một bác sĩ khoa Hồi sức tích cực sẽ vào "tâm dịch" để đánh giá tình hình, từ đó có phương án điều chuyển nhân lực phù hợp vào hỗ trợ.
Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị, cách ly rất nhiều trường hợp công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo mới được đón về nước ngày 29/7 vừa qua.
Nhóm bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ trực tiếp đánh giá tình hình và hỗ trợ tại Bệnh viện Trung ương Huế, chia sẻ kinh nghiệm điều trị với đồng nghiệp. Họ mang theo trang thiết bị phòng hộ cải tiến, ví dụ bộ lọc không khí dành cho người mặc quần áo bảo hộ được bệnh viện thiết kế riêng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân dương tính Covid-19. |
Suốt thời gian chống dịch vừa qua, bác sĩ Cấp với vai trò là Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, là người chỉ huy trực tiếp đội ngũ y, bác sĩ điều trị thành công hàng trăm bệnh nhân Covid-19 ở miền Bắc. Ông vừa được đề bạt chức vụ Phó Giám đốc bệnh viện.
Nhận định về tình hình dịch bệnh, bác sĩ Cấp cho biết ổ dịch ở các bệnh viện tại Đà Nẵng rất nguy hiểm bởi gây lây nhiễm cộng đồng rất nhanh. Do đó hiện tại khó đánh giá phạm vi và mức độ lây nhiễm. Dịch đã tác động đến nhân viên y tế. Một số nhân viên y tế bị nhiễm nCoV.
"Nếu như xu hướng này không được kiểm soát tốt, việc bác sĩ bị mắc bệnh ảnh hưởng nặng nề đến công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân", bác sĩ Cấp nói. Trong giai đoạn trước, hai bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng lây nhiễm nCoV trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19.
Theo bác sĩ Cấp, chưa có đầy đủ cơ sở để đánh giá mức độ lây nhiễm, do các bệnh nhân tử vong không phản ánh sức khỏe cộng đồng chung hay phản ánh về độc lực của nCoV.
Covid-19 xảy ra tại Đà Nẵng trên 3 nhóm bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao gồm người bệnh suy thận mạn, chạy thận nhân tạo nhiều năm, người bệnh thuộc khoa ung bướu và hồi sức.
"Những bệnh nhân này có nhiều người đã tiềm ẩn nguy cơ tử vong, Covid-19 là giọt nước làm tràn ly", bác sĩ Cấp nói.
Hiện Đà Nẵng điều trị 13 bệnh nhân nặng, trong đó 7 người đã chuyển tới Huế. Bác sĩ Cấp cho biết đoàn bác sĩ của bệnh viện Trung ương không đủ nhân lực để làm thay việc của đồng nghiệp tại địa phương mà chỉ giúp một phần hệ thống điều trị. Việc nâng cao năng lực chữa bệnh tại chỗ mới là mấu chốt.
"Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương do tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 trước các khu vực khác, nên có chút ít kinh nghiệm và hy vọng sau khi vào miền Trung, chúng tôi hy vọng có thể truyền tải những kinh nghiệm ấy giúp đồng nghiệp", bác sĩ Cấp nhấn mạnh.
Tính đến 10h giờ ngày 4/8/2020, cả nước ghi nhận 652 trường hợp mắc Covid-19 (trong đó có 324 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam), 7 trường hợp tử vong.
Tính đến ngày 3/8/2020 trên cả nước đã thực hiện tổng số 493.481 xét nghiệm Realtime RT-PCR. Từ ngày 23/7 - 3/8, Đà Nẵng đã thực hiện 13.321 xét nghiệm (riêng ngày 3/8 xét nghiệm 1.140 mẫu); Hà Nội đã thực hiện 3.336 xét nghiệm (riêng ngày 3/8 xét nghiệm 106 mẫu) ; TP Hồ Chí Minh đã thực hiện 19.382 xét nghiệm (riêng ngày 3/8 xét nghiệm 3.421 mẫu).