Bệnh viện chủ động các biện pháp chống rét
Bệnh nhân gia tăng do thời tiết
Trong những ngày thời tiết trở lạnh, tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng. Nhiệt độ giảm sâu khiến nguy cơ gia tăng đột quỵ, tim mạch, các bệnh liên quan đến đường hô hấp...
Trong ngày 11/2, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Hà Nội lượng bệnh nhân đến khám tăng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Chỉ tính đến đầu giờ chiều, bệnh viện đã khám cho gần 300 lượt người, trong đó lượng bệnh nhân đông nhất là tại Phòng khám Nội - Mãn, Phòng khám Tai - Mũi - Họng và Phòng khám Nhi.
Các bác sĩ cho hay, với thời tiết rét đậm, mưa phùn như hiện nay, trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp; Đối với người cao tuổi, khi nhiệt độ xuống thấp, cơ thể chưa kịp thích nghi hoặc thích nghi kém có thể làm nặng thêm các bệnh mãn tính (tim mạch, huyết áp, xương khớp, hen phế quản…).
Thời tiết rét đậm bệnh nhân nhập viện gia tăng tại Bệnh viện E |
Còn tại Bệnh viện E trung bình mỗi ngày, Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận từ 80 đến 100 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân đột quỵ não và tim mạch chiếm tỷ lệ cao. Đặc biệt, những ngày gần đây, khi thời tiết rét đậm, độ ẩm cao, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tăng từ 10% đến 15% ở người lớn tuổi.
Ngoài ra, tỷ lệ bệnh nhân đến khám các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đau nhức xương khớp cũng tăng từ 10% đến 20%… Khi nhiệt độ giảm sâu, không chỉ đột quỵ, mà tỷ lệ bệnh nhồi máu cơ tim cũng tăng lên.
Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện E |
Có ngày, cùng lúc Khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E) tiếp nhận tới 8 bệnh nhân nhồi máu cơ tim và hầu hết là người cao tuổi.
Bác sĩ Lý Đức Ngọc, Phó Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn Bệnh viện E chia sẻ, có những người dấu hiệu khởi phát từ 5 đến 7 ngày nhưng ngại đi khám. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân đã ngưng tim và phải cấp cứu, đặt ống nội khí quản, thở máy… Có trường hợp không kịp chờ kết quả xét nghiệm, chẩn đoán đã phải tiến hành phẫu thuật ngay lập tức. Bởi, nếu để qua “thời gian vàng”, bệnh nhân có thể tử vong.
Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Hà Đông số khám bệnh trung bình sau Tết một ngày khoảng 700-800 bệnh nhân, chủ yếu là bệnh nhân bệnh mạn tính tăng huyết áp tiểu đường…
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông khuyến cáo đối với người già không nên dậy quá sớm, vận động đột ngột, nên ở phòng kín gió, mặc quần áo đủ ấm, kiểm soát huyết áp thường xuyên để phòng nguy cơ đột quỵ.
Đối với trẻ nhỏ cần vệ sinh tay sạch sẽ, giữ ấm đường hô hấp, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Đồng thời, cảnh báo cho người dân về các tai nạn ngộ độc khí do sưởi ấm bằng than tổ ong trong nhà kín hay bị bỏng lửa.
Tăng cường các biện pháp chống rét
Các bệnh viện đã trang bị thêm quạt sưởi, máy sưởi ấm, nước nóng, che chắn kín gió... để giúp người bệnh, người nhà bệnh nhân chống rét.
Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã chủ động, sẵn sàng các trang thiết bị, điều kiện đảm bảo đủ ấm cho bệnh nhân, buồng bệnh kín tránh gió lùa. Các khoa, phòng của bệnh viện rà soát, cấp đủ chăn ấm và duy trì các thiết bị giữ ấm như đèn sưởi, quạt sưởi, hệ thống nước nóng đạt tiêu chuẩn cho bệnh nhân, nhất là các khoa có nhiều bệnh nhân cao tuổi, trẻ nhỏ, sản phụ và trẻ sơ sinh…
Bệnh viện đa khoa Hà Đông chủ động phòng chống rét đảm bảo sức khỏe cho người bệnh |
Với các bệnh nhân ngoại trú, bệnh viện cũng có những biện pháp đảm bảo sức khỏe cho người dân trong suốt thời gian khám bệnh. Hành lang chờ khám kín gió, luôn được chuẩn bị đầy đủ bình uống nước nóng phục vụ bệnh nhân và người nhà.
Thời gian tới Hà Nội ghi nhân những đợt rét đậm,rét hại kéo dài, các bệnh viện tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các khoa, phòng phải đảm bảo việc phòng chống rét cho bệnh nhân trong quá trình khám chữa bệnh.
Đồng thời tuyên truyền các biện pháp giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh, nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19.
Các trung tâm khám chữa bệnh bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu, các bệnh thường gặp do thời tiết lạnh gây ra: Huyết áp, tim mạch, hô hấp…; Chuẩn bị các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa rét gây ra…