Bệnh viện Đa khoa Đức Giang điều trị cho 3 em bé sơ sinh mắc sốt xuất huyết
Các bệnh nhi lần lượt là bé trai 16 ngày tuổi, hai bé gái 4 ngày tuổi và 7 ngày tuổi. Các em bé nhập viện khi sốt xuất huyết vào cao điểm tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên bệnh viện ghi nhận trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết.
Trong đó, em bé 4 ngày tuổi là trường hợp nhỏ nhất mắc sốt xuất huyết được ghi nhận đến nay. Bé nhập viện do bị vàng da, sau đó 24 giờ có dấu hiệu sốt, nhiệt độ cao nhất là 38, 5 độ.
Bác sĩ cho xét nghiệm tầm soát và loại trừ được các căn nguyên cúm, nhiễm khuẩn. Sau ba ngày theo dõi tại viện, em bé bị hạ tiểu cầu, gia đình xin chuyển tuyến trên điều trị.
Các bác sĩ, điều dưỡng khoa Sơ sinh, Bệnh viện đa khoa Đưc Giang điều trị cho trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết |
Còn em bé 7 ngày tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tím tái, sau đó mới bị sốt sau 3 giờ vào viện. Từ kinh nghiệm ca bệnh trước, bác sĩ cho xét nghiệm sốt xuất huyết, kết quả dương tính. Tuy nhiên, do em bé sinh ở tuần thứ 37, chỉ nặng 2,6 kg, có tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh, vì vậy phải điều trị hồi sức tích cực 4 ngày.
Các ca bệnh này đều được y bác sĩ khai thác tiền sử mắc bệnh của cha mẹ, người chăm sóc, làm căn cứ để khẳng định chẩn đoán bệnh.
BS.CKII Vũ Thị Thu Nga cho biết sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh hiếm gặp trên thế giới. Vì vậy, đặc điểm diễn biến bệnh ít được biết đến, triệu chứng lâm sàng không đặc trưng, dễ dẫn đến nhầm lẫn và bỏ sót.
3 ca bệnh ghi nhận tại viện chưa cung cấp đủ bằng chứng để bác sĩ rút ra khẳng định về diễn biến bệnh trên trẻ.
Tuy nhiên điểm chung là diễn biến bệnh ở trẻ sơ sinh tương tự với nhóm lớn hơn, ví dụ: sốt hoặc hạ nhiệt độ, sốt kéo dài trung bình 3-4 ngày; trẻ có thể bị da tái, phát ban, xuất huyết rải rác hoặc vàng da sớm; trẻ bỏ bú, bụng chướng, nôn, gan to, tiêu chảy, giảm tiểu cầu, men gan tăng… Sốt và bú kém là hai biểu hiện sớm và thường gặp.
Cùng với đó, các trẻ sơ sinh có thể đồng nhiễm sốt xuất huyết và bệnh khác, ví dụ adenovirus, viêm phế quản phổi, cúm… Lúc này, trẻ dễ trở nặng. Do đó, BS.CKII Vũ Thị Thu Nga khuyến cáo trẻ sơ sinh bị sốt xuất huyết cần được nhập viện điều trị nội trú, không được theo dõi, tự ý điều trị tại nhà.
BS.CKII Vũ Thị Thu Nga khuyến cáo đối với cha mẹ, người chăm sóc trẻ: sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền, một số trường hợp rất hiếm lây từ mẹ sang con và vẫn cần theo dõi thêm để nghiên cứu sâu hơn. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, bọ gậy. Người dân phòng chống muỗi đốt bằng cách đậy kín tất cả vật dụng chứa nước, thay rửa nơi chứa nước hàng tuần, vệ sinh định kỳ môi trường sống xung quanh. Mẹ và bé cần mặc quần áo dài tay, ngủ màn cả ngày và đêm, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi nguồn gốc tự nhiên.
Đồng thời, khi gặp trẻ sơ sinh bị sốt trong một vụ dịch sốt xuất huyết, cơ sở y tế nên nghĩ tới sốt xuất huyết để làm xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị bệnh kịp thời.