Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh thực hiện thành công ca ghép gan trẻ em đầu tiên
Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh thực hiện thành công ca ghép gan trẻ em đầu tiên |
Bệnh nhi vừa được ghép gan thành công là bé N.N.T (2 tuổi, ngụ tại Đồng Nai). Bé T nhập viện trong tình trạng da vàng sạm, bụng phình to và bắt đầu nôn ra máu. Trước đó, bệnh nhi được phát hiện bị teo đường mật bẩm sinh khi gần 2 tháng tuổi, được phẫu thuật nối ruột và đường mật (phẫu thuật KASAI) tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Theo TS.BS Trần Công Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại Gan Mật Tụy, Trưởng Đơn vị Ung thư gan mật và ghép gan Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với bệnh nhi bị teo đường mật bẩm sinh, phẫu thuật KASAI chỉ là giải pháp tạm thời, vì nếu không được ghép gan, có đến 80% các bé mắc bệnh này sẽ không qua khỏi ở khoảng 2 tuổi. Thời điểm nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y dược, bệnh nhi bị nhiễm trùng đường mật, nôn ra máu liên tục và tình trạng xơ gan đã vào giai đoạn cuối. Để cứu sống bệnh nhi, ghép gan là phương pháp duy nhất.
Ngày 15/11, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhi từ một phần lá gan được hiến từ bố ruột của bé. Đến ngày 21/12 vừa qua, bé T đã được xuất viện và hiện sức khỏe hoàn toàn ổn định.
TS.BS Trần Công Duy Long cho biết, so với ghép gan người lớn, ghép gan trẻ em có phần khó khăn hơn vì bệnh nhi rất mong manh, yếu ớt và nhạy cảm. Vì bé còn quá nhỏ, việc chăm sóc cần sự tỉ mỉ, tinh tế để bé có thể hợp tác với các y, bác sĩ.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Việc thực hiện thành công ca ghép gan này là dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực ghép tạng tại bệnh viện, mở ra nhiều hy vọng hơn cho các bệnh nhi chờ ghép gan. Điều này cũng cho thấy sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam để có thể tự thực hiện kỹ thuật phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay”.