Tạo môi trường sống trong lành, sạch sẽ để hạn chế việc lây lan dịch bệnh
Phòng chống dịch bệnh trong bão lụt và mưa bão |
Vệ sinh nhà cửa góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh |
Tích cực vệ sinh nhà cửa, khu phố
Ngay từ khi Việt Nam có ca Covid-19 đầu tiên, Bộ Y tế, các ban ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trong việc giữ gìn vệ sinh, làm sạch, đẹp môi trường sống sẽ góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Từ ngoài ngõ đến trong nhà, người dân cũng đã ý thức được việc cần phải vệ sinh sạch sẽ, đồ đạc trong nhà được lau rửa cẩn thận.
Chị Nguyễn Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Từ khi dịch bệnh xuất hiện, gia đình tôi đã tích cực tìm hiểu thông tin và nhận thấy điều quan trọng nhất để có thể phòng tránh lây lan dịch bệnh Covid -19 là người dân cần có ý thức chủ động trong việc áp dụng các biện pháp phòng tránh và giữ gìn vệ sinh môi trường sống thật trong lành.
“Gia đình tôi ngày nào cũng lau dọn sạch sẽ và cách ngày sẽ lau sàn nhà, tay nắm cửa, cầu thang bằng dung dịch tẩy rửa để chống vi khuẩn, virus. Đồng thời mở thoáng cửa nhà và giặt giũ chăn màn thường xuyên. Tôi nghĩ điều này sẽ phần nào hạn chế được sự lây lan”, chị Hà nói.
Ngoài ra, mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” ở các ngõ, xóm trước đây tiếp tục được đẩy mạnh. Cứ cuối tuần, mọi người lại hô hào nhau cùng tổng vệ sinh môi trường, phát quang cỏ dại, quét dọn đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải.
Tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, mô hình tổ dân phố “5 không” - không có rác thải; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không vi phạm trật tự xây dựng; không phát sinh mới về tệ nạn xã hội; không còn hộ nghèo - được nhân rộng. Người dân tự nguyện lập các tổ nhóm giám sát, nhắc nhở để xử lý kịp thời khi có vi phạm phát sinh, chấn chỉnh người dân thực hiện đúng nền nếp. Nhờ đó, đường phố khang trang hơn, an ninh trật tự tốt hơn góp phần mang lại môi trường sống xanh, sạch đẹp, an toàn cho nhân dân trên địa bàn.
Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực trong hoạt động tạo môi trường sống trong lành, bảo vệ môi trường, góp phần ngăn chặn sự lây lan của các dịch bệnh.
Hoạt động đổi rác lấy cây của sinh viên Học viện Báo chí tuyên truyền |
Đại dịch Covid-19 và những bài học về môi trường
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, hiện nay đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đã tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô, phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động...
Ý thức được những tác hại của dịch bệnh này, hiện các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đang tích cực đối phó và phòng chống dịch bệnh này bằng nhiều biện pháp mạnh, trong đó có cách ly với những người nhiễm bệnh và phòng chống bằng cách tạo môi trường sống trong lành, sạch sẽ để hạn chế việc lây lan dịch bệnh này.
Các thông tin tuyên truyền giúp người dân ý thức hơn bao giờ hết về tác hại nguy hiểm của dịch bệnh, về tầm quan trọng của làm sạch môi trường sống để phòng chống dịch bệnh. Từ đó, họ dần thay đổi thói quen để tạo không khí trong lành và sạch sẽ nhằm hạn chế tối đa sự xâm nhập cũng như lây lan của dịch bệnh Covid-19 cũng như nhiều dịch bệnh khác.
Đại dịch Covid-19 cũng giúp con người nhìn lại những tác động của hoạt động sản xuất tới môi trường. Những điểm đen ô nhiễm trở nên trong lành hơn. “Đám mây” nitơ dioxide tan trên bầu trời Trung Quốc, Ý. Vùng nước trong vắt ở Venice vào đầu tháng 3 là một "lợi ích" ngoài ý muốn của việc phong tỏa vì dịch Covid-19. Ô nhiễm không khí giảm rõ rệt ở Mỹ. Ở Việt Nam, cá heo xuất hiện trên vùng biển Nha Trang khi khách du lịch vắng bóng.
Tuy nhiên, con người vẫn đang làm ảnh hưởng tới môi trường theo một cách khác giữa đại dịch. Đó là những núi rác khi ngồi tại nhà và đặt đồ ăn, còn các nhà hàng chỉ phục vụ đồ ăn, đồ uống trong các cốc, hộp nhựa dùng một lần mà chưa thể tái chế. Rồi chất thải y tế (thường là các mặt hàng sử dụng một lần) ngập ngụa khắp nơi do người dân và bệnh viện thải ra…
Vì vậy khi chúng ta ý thức được thì môi trường sống đã bị bức hại. Bản thân mỗi người nếu không có ý thức bảo vệ thì cũng giống như chúng ta đang giết chết lần môi trường sống của chính ta, của chính những người thân trong gia đình chúng ta.
Và đây cũng là điều kiện đầu tiên cho những virus, vi khuẩn gây hại xâm nhập vào môi trường sống một cách dể dàng để gây ra những căn bệnh, những đại dịch không có thuốc chữa, giết chết hang loạt sinh vật sống trên trái đất và con người như Covid-19 là một minh chứng.
Trong khi đó, những hành động như hạn chế dùng hay tái chế các rác thải khó phân hủy như nhựa cũng góp phần tạo nên môi trường sống khỏe mạnh giúp đẩy lùi các dịch bệnh. Do đó, mỗi người dân hãy chủ động áp dụng các biện pháp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, tích cực tuyên truyền những hành động bảo vệ môi trường để cả cộng đồng cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |