Bộ GD&ĐT nói gì về những sai phạm của Nhà xuất bản Giáo dục trong in ấn, phát hành sách giáo khoa?
Bộ GD&ĐT thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi tốt nghiệp THPT 2023 Bộ GD&ĐT thông tin về môn Văn trong tuyển sinh y khoa ở một số trường đại học tư thục |
Tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) có ý kiến phát biểu về một số nội dung liên quan đến ngành giáo dục.
Ảnh minh họa |
Theo đó, bà Thúy nêu ý kiến: “Về những sai phạm ở Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam (doanh nghiệp trực thuộc Bộ), phải xử lý hình sự có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản -tức Bộ GD&ĐT”.
Về điều này, Bộ GD&ĐT cho hay: NXB Giáo dục Việt Nam đã có nhiều đóng góp với ngành giáo dục tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã có sai phạm của một số đơn vị và cá nhân.
Trong năm 2021 và năm 2022, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy khối Cơ quan Trung ương đã phối hợp với Bộ GD&ĐT kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với NXB Giáo dục Việt Nam và đã có kết luận về những sai phạm của đơn vị này trong giai đoạn trước đó.
Một số đơn vị và một số cá nhân của NXB Giáo dục Việt Nam đã bị xử lý kỷ luật. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
NXB Giáo dục Việt Nam đang tập trung in ấn và phát hành SGK bảo đảm đủ sách cho học sinh trước khi bắt đầu năm học mới.
Cũng tại phiên thảo luận của Quốc hội, đại biểu nêu ý kiến: “Về sai sót trong một số cuốn SGK và khả năng thiếu sách trong năm học sắp tới tuy chia sẻ với khó khăn của Bộ và ngành giáo dục, nhưng tôi cho rằng thái độ của Bộ và các nhà xuất bản trong việc tiếp thu ý kiến phê bình mới là điều khiến cử tri lo lắng, dư luận không đồng tình. Hiện nay, hầu hết các ý kiến phê bình, góp ý không được các nhà xuất bản và Bộ trả lời”.
Bộ GD&ĐT cho hay trước một vài hạn chế, thiếu sót trong SGK được dư luận phản ánh, Bộ luôn chỉ đạo các nhà xuất bản giải trình, tiếp thu các ý kiến xác đáng được phản ánh; tổ chức rà soát nội dung sách, báo cáo những nội dung cần chỉnh sửa, trình Hội đồng quốc gia thẩm định SGK xem xét, thông qua theo đúng quy định.
Khi tiếp nhận báo cáo của các nhà xuất bản, Bộ GD&ĐT đã nghiêm túc yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK rà soát, kiểm tra và có kết luận cụ thể các nội dung được phản ánh. Đồng thời, Bộ đã tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung quy trình biên soạn, thẩm định để nâng cao chất lượng SGK.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu liên quan đến việc tổ chức lựa chọn SGK ở các địa phương, Bộ GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương về việc tổ chức lựa chọn SGK bảo đảm thực hiện nghiêm theo quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ GD&ĐT đã tổ chức 8 đoàn thanh tra về quá trình các tỉnh, thành lựa chọn SGK. Kết quả thanh tra cho thấy việc lựa chọn SGK tại các địa phương đã cơ bản được tổ chức thực hiện đúng theo quy định.
Bộ GD&ĐT cùng các nhà xuất bản đã cầu thị, lắng nghe các ý kiến cử tri, ý kiến nhân dân và Đại biểu Quốc hội để làm cho việc biên soạn, thẩm định và phát hành SGK ngày càng được tốt hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Đại biểu Thúy cũng cho hay theo bản thuyết minh báo cáo tài chính của Công ty CP Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam, là một trong những công ty con của NXB Giáo dục Việt Nam, chỉ chưa đầy 2 năm công ty này đã chi gần 100 tỷ đồng để phát triển thị trường và tập huấn. Từ đó, đại biểu đặt câu hỏi: Bộ GD&ĐT đã thanh tra nội dung chi này hay chưa?
Bộ GD&ĐT cho hay, Công ty CP Đầu tư Phương Nam có 43% vốn điều lệ do NXB Giáo dục Việt Nam góp vốn. Đây là công ty cổ phần, hoạt động theo điều lệ của công ty và theo quy định của pháp luật, hàng năm đều có kiểm toán độc lập, thanh tra thuế.
Báo cáo về vai trò quản lý của NXB Giáo dục Việt Nam đối với Công ty CP Đầu tư Phương Nam đã được Bộ GD&ĐT trả lời đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy tại Công văn số 387/BGDĐT-TTr ngày 7/2/2022.
Kết quả về doanh thu, lợi nhuận đều đã được kiểm toán và được thông qua tại Đại hội cổ đông. Các số liệu đều công khai qua báo cáo tài chính. Theo báo cáo của NXB Giáo dục Việt Nam, chi phí bán hàng của công ty gồm: lương nhân viên, chi phí thuê kho tàng, văn phòng, khấu hao tài sản cố định, chi phí phát triển thị trường, dịch vụ mua ngoài, chi phí khác.
Trong đó, chi phí phát triển thị trường (liên quan đến thù lao báo cáo viên, chi phí tổ chức giới thiệu và tập huấn SGK, chi phí tặng sách, phí phát hành khen thưởng sách tham khảo cho các đại lý, công ty sách...) năm 2020 là 29,7 tỷ đồng và năm 2021 là 24,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,9% và 3,5% so với doanh thu.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, trong thời gian từ năm 2019 tới năm 2022, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra trung ương, Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra NXB Giáo dục Việt Nam.
Hiện nay, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đang tiếp tục điều tra các hoạt động của NXB giáo dục Việt Nam. Bộ GD&ĐT đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng để thanh tra, kiểm tra, điều tra theo đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của NXB Giáo dục Việt Nam.