Bỏ hình thức xét tuyển sớm: Gen Z làm gì để không... lạc đường?
Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát tổ hợp xét tuyển không phù hợp |
Không còn xét tuyển sớm - học sinh có mất cơ hội?
Trong chương trình “Đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp năm 2025” do Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Quốc Trinh, nhiều câu hỏi xoay quanh việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quyết định bỏ phương thức xét tuyển sớm, đồng thời siết chặt quy trình xét tuyển học bạ, quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu từng trường đại học, cao đẳng trong quy chế tuyển sinh 2025 được học sinh gửi tới Ban tổ chức.
Tới dự chương trình có: Thành ủy viên, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt; Chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT Hoàng Thúy Nga; Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận huyện Thanh Trì Ngô Văn Mạnh; Phó Bí thư Huyện đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Thanh Trì Hoàng Minh Hằng.
![]() |
Các đại biểu dự chương trình cùng các em học sinh cuối cấp TP Hà Nội |
Về phía Trường THPT Nguyễn Quốc Trinh có các nhà giáo: Ngô Văn Nghĩa, Hiệu trưởng nhà trường; Nguyễn Thị Cẩm Khuê, Phó Hiệu trưởng; Nguyễn Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng nhà trường.
Đại biểu các trường đại học, các đơn vị doanh nghiệp đồng hành có: TS Nguyễn Thị Hoài Tâm - Phó Trưởng khoa Công nghệ Bán dẫn, Trường Đại học Đại Nam; TS Đào Trường Thành - Trưởng phòng Quản lý đào tạo và Công tác học sinh sinh viên, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; Thạc sĩ Nguyễn Văn Chung - Giám đốc Trung tâm luyện thi Tâm Chí Tài; anh Phạm Ngọc Thạch - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Viteccons.
Về phía Báo Tuổi trẻ Thủ đô có nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập; nhà báo Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng Biên tập...
![]() |
Lãnh đạo Báo Tuổi trẻ Thủ đô và Nhà giáo Ngô Văn Nghĩa - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Quốc Trinh tặng hoa diễn giả tại chương trình |
Theo thông lệ trước đây, vào khoảng thời gian này, học sinh sẽ có cơ hội đăng ký xét tuyển sớm, nộp hồ sơ và biết được liệu mình có đủ điều kiện xét tuyển vào các trường đại học sau khi thi tốt nghiệp THPT hay không. Đây được xem là một hình thức giúp các em giảm bớt căng thẳng, có thời gian chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi chính thức.
Em Phạm Hồng Khánh, lớp 12D6, trường THPT Đông Mỹ chia sẻ: “Trước đây, em có tìm hiểu về xét tuyển sớm của các trường đại học và thấy đó là một cách khá yên tâm, vì nếu đủ điều kiện thì em sẽ bớt lo lắng phần nào trước kỳ thi. Nhưng bây giờ bỏ hẳn phương thức này, thật sự em thấy khá hoang mang.
Em không biết liệu đến lúc thi chính thức mình có đủ tự tin và đạt được điểm vào đúng trường, đúng ngành mà mình mong muốn hay không”.
Hồng Khánh cho biết thêm, bản thân em cùng các bạn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh lại lịch học và kế hoạch ôn thi khi chưa có điểm số từ kỳ thi chính thức.
![]() |
Bà Hoàng Thúy Nga - Chuyên viên cao cấp, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) giải đáp những thắc mắc của quý phụ huynh và các em học sinh lớp 12 |
Cùng chung nỗi lo ngại, em Nguyễn Đức Duy, học sinh lớp 12D6 trường THPT Đông Mỹ, chia sẻ rằng cảm giác lo sợ không đủ thời gian để ôn luyện là một trong những lý do khiến nhiều bạn học sinh cảm thấy hoang mang và lo lắng khi phương thức xét tuyển sớm bị loại bỏ.
“Em nghĩ rằng việc xét tuyển sớm là một cơ hội để những học sinh có điểm thi tốt sớm có thể vào trường đại học mà không phải lo lắng về kỳ thi cuối cấp. Giờ đây, em chắc liệu mình có thể đạt được kết quả như mong muốn hay không. Áp lực thi cử ngày càng lớn, và việc thiếu cơ hội xét tuyển sớm làm em cảm thấy rất bất an”, Đức Duy chia sẻ.
Từ những lo ngại này, không khó để thấy rằng việc bỏ xét tuyển sớm không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý học sinh mà còn gây ra những bất lợi đối với những em gặp khó khăn trong việc ôn tập hoặc không có đủ điều kiện học tập.
![]() |
Chương trình “Đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp năm 2025” do Báo Tuổi trẻ Thủ đô cùng các đơn vị phối hợp tổ chức thu hút gần 2000 em học sinh THPT cùng các đại biểu, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp hàng đầu tham dự |
Chuyên gia tháo gỡ nút thắt tâm lý
Tại chương trình, bà Hoàng Thúy Nga - Chuyên viên cao cấp, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đã giải đáp những lo ngại của học sinh và cung cấp những lời khuyên bổ ích để các em có thể vững vàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bà Nga khẳng định: “Việc Bộ GD&ĐT bỏ xét tuyển sớm là một quyết định đúng đắn. Các em không nên lo lắng về việc thiếu cơ hội. Trên thực tế, việc xét tuyển sớm chỉ giúp các em biết được mình có đủ điều kiện để xét tuyển hay không nhưng không thể quyết định toàn bộ cơ hội vào trường đại học. Quan trọng nhất là các em cần tập trung toàn bộ thời gian và năng lực vào kỳ thi tốt nghiệp, bởi kết quả thi THPT chính là yếu tố then chốt quyết định cơ hội trúng tuyển”.
Là cơ quan ngôn luận, diễn đàn của thế hệ trẻ Thủ đô và cả nước, Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chuỗi chương trình “Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến về tư vấn hướng nghiệp năm 2024” nhằm kịp thời cung cấp cho các học sinh THPT những thông tin hữu ích, thiết thực về các ngành học, tư vấn hướng nghiệp chọn trường, chọn nghề cũng như gặp gỡ trực tiếp với những người thành công trong ngành để hiểu và tiếp thêm động lực theo đuổi ước mơ. Chương trình do Báo tổ chức kéo dài trong suốt tháng 3 và 4/ 2025 trên nhiều trường THPT địa bàn TP Hà Nội. |
Bà giải thích thêm rằng, bỏ xét tuyển sớm không có nghĩa là mất cơ hội, mà thực ra giúp các em có thời gian để chuẩn bị kỹ càng hơn cho kỳ thi quan trọng này. Việc bỏ phương thức xét tuyển sớm sẽ giúp học sinh tăng tính nghiêm túc và trách nhiệm trong việc học tập, tập trung ôn thi một cách hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, bà Nga cũng chia sẻ thêm về những quy định mới trong việc xét tuyển học bạ, khi yêu cầu các cơ sở đào tạo phải sử dụng toàn bộ kết quả học tập lớp 12. Đây là một trong những thay đổi quan trọng của quy chế tuyển sinh 2025.
![]() |
Thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhiều trường đại học, cao đẳng đã chủ động công bố đề án tuyển sinh giúp học sinh có thêm thông tin lựa chọn ngành nghề |
Bà Nga nhấn mạnh: “Các em cần có sự chuẩn bị kỹ càng trong suốt quá trình học lớp 12, không chỉ trong học kỳ đầu. Điều này rất quan trọng vì các trường đại học sẽ căn cứ vào kết quả học bạ đầy đủ, không chỉ riêng học kỳ đầu”.
Điều này có nghĩa là học sinh cần duy trì phong độ học tập ổn định suốt cả năm học, không được lơ là hay chủ quan, đặc biệt là vào những tháng cuối cùng của năm học. Sự nghiêm túc ngay từ bây giờ sẽ giúp các em có một kết quả học tập tốt, đồng thời không bỏ lỡ cơ hội khi đăng ký xét tuyển học bạ.
Một điểm cần lưu ý nữa là việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ sẽ không còn đồng nhất, mà mỗi trường sẽ có quy định riêng. Chính vì vậy, bà Nga khuyên các em học sinh cần chủ động tìm hiểu kỹ thông tin từ các trường về yêu cầu đối với chứng chỉ ngoại ngữ của mình, tránh những sự hiểu nhầm không đáng có.
Xây dựng tương lai từ ngành học, đừng chỉ nhìn vào trường
Một trong những lời khuyên quan trọng mà bà Hoàng Thúy Nga - Chuyên viên cao cấp, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) dành cho các em học sinh tại “Đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp năm 2025” là “Chọn ngành trước, chọn trường sau”. Bà cho biết, để tìm được con đường học tập và nghề nghiệp phù hợp, các em phải hiểu rõ sở thích và năng lực của bản thân, từ đó đưa ra lựa chọn đúng đắn.
“Tương lai của các em rất rộng mở với rất nhiều hình thức xét tuyển khác nhau, để chọn được trường mà mình mong muốn trước hết cần phải hiểu năng lực bản thân mình là gì, muốn gì, khi lựa chọn một trường nào đó thì trước hết mình phải chọn ngành học, thấy bản thân phù hợp với ngành đó hay không, sau đó mới tính đến việc tìm hiểu các trường có đào tạo ngành đó, như vậy thì cơ hội trúng tuyển và cơ hội việc làm trong tương lai của các bạn trẻ sẽ được đáp ứng tốt nhất”, bà Nga chia sẻ.
![]() |
Nhiều bạn trẻ chủ động tìm hiểu chương trình đào tạo, ngành học phù hợp với năng lực bản thân |
Bà Nga cũng lưu ý rằng, việc thành công của các bạn trẻ không nằm ở việc học ở trường nào, ngành nào mà chính do bản thân mình học như thế nào, năng lực của mình sau khi tốt nghiệp ra sao. Do vậy bà nhấn mạnh, khi các bạn trẻ đăng ký xét tuyển hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin của các cơ sở đào tạo, thông tin tuyển sinh liên quan đến ngành nghề đào tạo, vị trí việc làm chuẩn đầu ra và đầu vào của ngành để đáp ứng tốt nhất mong muốn và năng lực của bản thân mình.
Bên cạnh đó, chuyên viên cao cấp Bộ GD&ĐT cũng không quên nhắc nhở các học sinh, ngoài năng lực học tập, yếu tố tài chính của gia đình và xu thế phát triển của xã hội cũng là những yếu tố cần xem xét khi lựa chọn ngành nghề và trường học.
Chia sẻ tại chương trình, Nhà giáo Ngô Văn Nghĩa - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Quốc Trinh cho biết: Trong giai đoạn then chốt này, việc định hướng nghề nghiệp, lựa chọn ngành học không chỉ là trách nhiệm của học sinh mà còn cần sự đồng hành sát sao từ gia đình, nhà trường và xã hội. “Chúng tôi tin rằng, chương trình hôm nay sẽ giúp các em học sinh có thêm nhiều thông tin hữu ích, tiếp cận được những tư vấn thực tế từ các chuyên gia, từ đó vững tin hơn trong việc chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực và đam mê của bản thân”, thầy Nghĩa chia sẻ. |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Nâng cao hiệu quả học tiếng Anh của học sinh Gen Z, Gen Alpha

6 điểm đăng ký thi tốt nghiệp cho thí sinh học chương trình cũ

Bước chạy yêu thương gây quỹ “Sưởi ấm con chữ vùng cao”

Bật mí chiến thuật "thi là đỗ" cùng chuyên gia tuyển sinh

Chuẩn bị hành trang cho kỳ thi vào lớp 10 THPT

6 điểm tiếp nhận đăng ký thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ

Thắp sáng đam mê ngoại ngữ cho học sinh từ bậc Tiểu học

Hành trang lý tưởng cho xu hướng nghề nghiệp tương lai

Chìa khóa giúp sỹ tử lựa chọn đúng đường
