Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói về nguyên nhân lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng ở miền Trung
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Bộ TN&MT đã có những đề xuất kịp thời, hiệu quả... |
Đăng đàn trước Quốc hội, sau rất nhiều tranh luận về tác động của thủy điện nhỏ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói, ông muốn cung cấp thông tin khách quan để Quốc hội có cái nhìn chính xác về hiện tượng mưa bão, lũ lụt, sạt lở nặng nề vừa xảy ra.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Quốc hội |
Bộ trưởng dẫn báo cáo từ Ủy ban quản lý rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc với nhận định được nhấn mạnh, thế giới đang chịu tác động biến đổi khí hậu với cường độ và tần suất thiên tai xảy ra tăng gấp 4 lần trong 40 năm qua. Việt Nam, đặc biệt, lại nằm trong vòng bão Tây Nam Thái Bình Dương, đứng thứ 7 trong số các quốc gia có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới, là một trong 16 nước chịu tác động lớn nhất của hiện tượng khí hậu cực đoan.
Bộ trưởng khẳng định, trong bối cảnh đó, nguy cơ tác động tới con người đã được kéo giảm. Từ từ năm 2009, Việt Nam đã tiến hành chương trình nghiên cứu về lũ ống, lũ quét ở các tỉnh miền núi, miền Trung, Tây Nguyên và từ năm 2012 có chương trình điều tra biến đổi địa chất, cảnh báo sạt lở ở miền núi.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thảm họa thiên tai tại miền Trung vừa qua cho thấy đây là kết quả của tổ hợp các dạng thái thiên tai cộng gộp lại. 4 cơn bão đến liên tiếp, trong đó bão số 9 mạnh nhất 20 năm qua. Hình thái áp thấp duy trì kéo dài ở miền Trung dẫn đến mưa lớn. Có những ngày ở Quảng Nam, lượng mưa tới 500mm/ngày.
“Điều đó có nghĩa là cả nửa mét nước trút xuống. Như vậy nghĩa là trời đổ nước xuống chứ không phải mưa nữa” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Về yếu tố địa chất, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường thông tin, ở những vùng sạt lở vừa qua, như Trạm 67 tại Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), tại Cha Lo, Đoàn 337 (Quảng Trị), Trà Leng, Trà Vân ở Nam Trà My (Quảng Nam), vùng sạt sở đều ở độ cao 300 - 900m. Độ cao này, ít liên quan đến vị trí thủy điện.
Bộ trưởng cho rằng, những khu vực này đều nằm trong các đới đứt gãy địa chất. Đứt gãy tạo nên độ phong hóa 9-16 mét, tạo ra hình thái đá lẫn cát, sét, sỏi, độ gắn kết kém. Trạm 67, Đoàn 337… đều nằm ở khu vực có độ trượt, dốc lớn.
Những khu vực này luôn tiềm ẩn sẵn hình thái đứt gãy, cộng với hiện tượng mưa trên 100mm thì đều có nguy cơ sạt lở, còn khi mưa đến 500mm thì làm tăng thêm trọng lượng, kéo sạt trượt mạnh mẽ.
“Những chuyện đã xảy ra, qua số liệu ban đầu có thể khẳng định vậy. Còn tại các vị trí sạt sở, rừng đều đã phủ xanh toàn bộ chứ không phải núi trống, đồi trọc”, Bộ trưởng khẳng định
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu không có hệ thống hồ chứa thì tình hình lũ lụt vừa qua còn khủng khiếp hơn. “Lỗi không phải là thủy điện nhỏ. Ở Na Uy, đất nước này có vô số thuỷ điện nhỏ trên khắp lãnh thổ, đã mang lại hiệu quả khai thác tốt. Vậy thì vấn đề cần được nhìn nhận, đánh giá khách quan”, ông Hà nói.
Ngành đã dự báo trước 15 ngày về việc bão dồn dập, đã dự báo trước 2 ngày về khả năng mưa lớn trên diện rộng. Từ đó, các địa phương đã điều tiết, cắt lũ tốt. Nhìn chung, hệ thống hồ chứa tại các khu vực đã điều tiết được tới 39 - 70% lũ, đạt mục tiêu đề ra. Hạn chế ở đây, nếu có, chính là vì nhiều hồ chứa nhỏ chưa đảm bảo cắt lũ được 100%.
Về nghi vấn thiên tai nặng nề hơn khi mất diện tích rừng tự nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nếu không chuyển đổi rừng tự nhiên thì không thực hiện được các hoạt động kinh tế xã hội khác. Vấn đề là phải xác định được khu vực nào rừng nhất định cần giữ.
Về những ý kiến cảnh báo về thách thức, về sự khủng hoảng tư duy của các mô hình phát triển, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cần tích cực thể chế hoá Nghị quyết 24 của Trung ương, thể chế hoá mệnh lệnh về chuyển đổi mô hình sang tăng trưởng xanh, không hi sinh môi tường để đổi lấy kinh tế, thay đổi tư duy từ chế ngự tự nhiên chuyển sang với sống hài hoà với tự nhiên.