Bộ Y tế làm việc với Sở Y tế Hà Nội về công tác điều trị Covid-19 và an toàn tiêm chủng vắc xin Covid-19
Báo cáo tại buổi làm việc, TS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong năm 2020 và đầu năm 2021, các đơn vị của Bộ Y tế đã hỗ trợ Hà Nội tiếp nhận và điều trị người bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Nội vẫn liên tục bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn để kịp thời chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác sàng lọc, phân luồng, phân tuyến, cách ly điều trị ca bệnh Covid-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phân công 5 bệnh viện tiếp nhận người bệnh Covid-19 bao gồm Bệnh viện Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Đống Đa, Bắc Thăng Long và có phương án đáp ứng điều trị theo từng cấp độ dịch bệnh.
Ngày 5/5/2021, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh phát hiện các ca mắc trong bệnh viện và tạm dừng tiếp nhận điều trị người bệnh Covid-19 cho thành phố Hà Nội, Sở Y tế đã ngay lập tức có phương án tiếp nhận, điều trị người bệnh. Đến ngày 13/5/2021, Bệnh viện Bắc Thăng Long bắt đầu tiếp nhận điều trị người bệnh Covid-19 của thành phố.
Sở Y tế Hà Nội giao Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đức Giang chịu trách nhiệm là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận cách ly điều trị người bệnh Covid-19 của thành phố Hà Nội.
Mỗi bệnh viện tổ chức riêng 1 khu vực điều trị cách ly người bệnh Covid-19 với cơ số: Bệnh viện Thanh Nhàn 20 giường bệnh, Bệnh viện Đức Giang 20 giường bệnh trong Khoa Hồi sức tích cực trong tổng số giường bệnh được giao để thu dung điều trị người bệnh nặng, nguy kịch từ các tuyến chuyển đến.
Các bệnh viện khác được giao cách ly điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng, nhẹ, trung bình.
Đến nay, Sở Y tế đã tham mưu UBND TP ban hành Phương án số 148/PA-UBND ngày 16/6/2021 về việc đáp ứng 1.000 giường bệnh điều trị người bệnh Covid-19, giường bệnh điều trị người bệnh nghi ngờ Covid-19.
Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội đang có 3 bệnh viện (Đức Giang, Thanh Nhàn, Bắc Thăng Long) điều trị các bệnh nhân Covud-19. Tổng số ca dương tính đã tiếp nhận và điều trị: 277 (Đức Giang: 178, Bắc Thăng Long: 56, Thanh Nhàn: 43). Theo đó, tổng số ca đã điều trị khỏi bệnh và ra viện: 129 trường hợp. Tổng số ca đang điều trị: 148 trường hợp F0. Các bệnh viện đang thực hiện tốt công tác điều trị người bệnh Covid-19, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Trong công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, Sở Y tế Hà Nội được Bộ Y tế phân bổ 4 đợt với tổng số 182.350 liều vắc xin phòng Covid-19 do Astra zeneca sản xuất. Đến nay toàn thành phố đã hoàn thành đợt 1, 2 kết quả:
Đợt 1 đã tiêm được: 8.748/8.000 liều được cấp (tỷ lệ 109,4%); đợt 2: đã tiêm được 61.430/53.350 liều được cấp (đạt 115,1%); đợt 3: đã tiêm được 82.535 /71.000 liều đã được cấp đợt 3 (đạt 116%).
Trong tuần này Sở Y tế đã tiếp nhận thêm 43.000 liều do Bộ Y tế cấp đợt 4 và đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức tiêm chủng ngay sau khi tiếp nhận để đảm bảo tiến độ.
Giám đốc Sở Y tế cho biết Hà Nội phát biểu tại cuộc họp |
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở y tế đặc biệt là bệnh viện; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19;
Giám sát thực hiện tăng cường quản lý, sàng lọc người bệnh đến bệnh viện theo hướng dẫn tại Công văn số 664/KCB-QLCL&CĐT ngày 15/6/2021 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế;
Siết chặt công tác phòng chống dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là tại các bệnh viện đang được phân công điều trị F0, tổ chức tập huấn, đào tạo liên tục và giám sát chặt chẽ việc thực hiện, tuân thủ các quy trình chuyên môn, kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm hạn chế mức thấp nhất việc lây nhiễm chéo;
Tiếp tục nâng cao năng lực của đội ngũ y tế về công tác điều trị Covid-19, tiêm chủng vắc xin và xử lý đúng, kịp thời đối với các tai biến của tiêm chủng (nếu có);
Tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về chiến lược phòng chống dịch của Thành phố đó là 5K + vắc xin; tuyên truyền về lợi ích của vắc xin phòng bệnh để người dân sẵn sàng phối hợp với các cơ quan triển khai tiêm vắc xin khi có.
Bên cạnh đó, Hà Nội kiến nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn cụ thể về việc thành lập, vận hành bệnh viện dã chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19 để Sở Y tế có căn cứ trình UBND TP thành lập bệnh viện dã chiến trong trường hợp cần thiết đáp ứng nhu cầu điều trị; Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn về nguồn chi trả và thanh quyết toán xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho các đơn vị triển khai thực hiện xét nghiệm cho người bệnh, người chăm sóc, nhân viên y tế.
Cùng với đó, sớm có hướng dẫn cách ly cho các trường hợp sau khi ra viện và trường hợp F1 để đảm bảo an toàn điều trị và phòng chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, hỗ trợ công nghệ thông tin để Hà Nội sớm triển khai y tế thông minh trong khám chữa bệnh, tiêm chủng…
PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phát biểu tại cuộc họp |
Kết luận tại buổi làm việc, PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã ghi nhận sự đóng góp của ngành y tế Thủ đô trong công tác khám chữa bệnh, tiêm chủng cũng như xét nghiệm phát hiện Covid-19.
Hà Nội đã sớm triển khai có bài bản, chủ động xây dựng các phương án “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn trong điều trị Covid-19.
Nhanh chóng triển khai công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 theo kế hoạch. Cùng với đó, hệ thống xét nghiệm đáp ứng nhu cầu, đã chủ động hỗ trợ xét nghiệm cho các đơn vị trong đợt dịch này. Triển khai tốt công tác tiêm chủng vắc xin phòng chống Covid-19…
Tuy nhiên, Hà Nội tuyệt đối không chủ quan, thời gian tới, ngành y tế Thủ đô cùng với Bộ Y tế chung tay thực hiện tốt công tác điều trị cũng như công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho từng khâu đó, phân cấp cho lãnh đạo các bệnh viện, các đơn vị y tế trên địa bàn, tổ chức tập huấn an toàn tiêm chủng, tập huấn điều trị, triển khai hội chẩn trực tuyến trong công tác điều trị, triển khai các nhóm trong zalo,… để triển khai kịp thời, xử lý nhanh các trường hợp bất thường xảy ra.