BYD sắp vượt Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất
Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một bước ngoặt lớn đối với thị trường xe điện và cũng cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Trong một lĩnh vực vẫn bị “thống trị” bởi những ông lớn như Toyota, Volkswagen hay General Motors, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như BYD và SAIC Motor vẫn cho thấy những đột phá lớn.
Sau khi vượt qua Mỹ, Hàn Quốc và Đức trong vài năm qua, Trung Quốc hiện đang cạnh tranh với Nhật Bản để giành vị trí dẫn đầu toàn cầu về xuất khẩu ô tô con. Tính đến tháng 10 năm nay, trong số 3,6 triệu xe được xuất khẩu thì có đến 1,3 triệu xe là xe điện.
Bridget McCarthy - Giám đốc hoạt động của quỹ đầu tư Snow Bull Capital có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc cho biết: “Bối cảnh cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô đã thay đổi, vấn đề không còn là quy mô của các công ty ô tô nữa; đó là về tốc độ mà họ có thể đổi mới. BYD đã bắt đầu chuẩn bị từ lâu để có thể thực hiện việc này nhanh hơn mọi người nghĩ và giờ đây phần còn lại của ngành phải chạy đua để bắt kịp họ". Snow Bull Capital cũng đã đầu tư cả vào BYD và Tesla.
Việc "giành vương miện" về doanh số bán xe điện cũng phản ánh sự thay đổi trong động lực cạnh tranh giữa tỷ phú Elon Musk của Tesla, Giám đốc điều hành giàu nhất thế giới và nhà sáng lập BYD, tỷ phú Wang Chuanfu.
Trong khi Elon Musk từng cảnh báo rằng không có nhiều người tiêu dùng đủ khả năng mua xe điện của ông trong bối cảnh lãi suất cao, thì ông Wang lại kiên quyết tấn công thị trường vào thời điểm khó khăn bủa vây. BYD đã cung cấp số lượng lớn xe có giá thấp hơn nhiều so với giá của Tesla Model 3 bán ở Trung Quốc.
Ông Wang Chuanfu - Nhà sáng lập BYD
Châu Âu thời gian gần đây có vẻ như đã sẵn sàng gia nhập với Mỹ trong việc áp đặt mức thuế cao hơn đối với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc để bảo vệ hàng nghìn việc làm trong ngành sản xuất. Trước bối cảnh này, tỷ phú Wang Chuanfu đã tỏ rõ quyết tâm của mình khi tuyên bố đã đến lúc các thương hiệu Trung Quốc phải “phá bỏ những huyền thoại cũ” của thế giới ô tô.
BYD đã mua lại một nhà sản xuất ô tô thuộc sở hữu nhà nước đang thất bại vào năm 2003 và giới thiệu chiếc plug-in hybrid đầu tiên - được gọi là F3DM vào năm 2008. Một nhà phê bình của New York Times đã đánh giá cao thiết kế bên ngoài của nó, gọi chiếc xe nhỏ gọn này "hợp thời trang như một chiếc Toyota Corolla thời Y2K". Sau đó, hãng đã bán được tất cả 48 chiếc trong năm đầu tiên.
Vào khoảng thời gian đó, Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng chính sách trợ cấp cho người mua xe plug-in. Sự hỗ trợ từ chính phủ mở rộng từ các tỉnh, thành phố đến cấp quốc gia, bao gồm giảm thuế cho người tiêu dùng, khuyến khích sản xuất cho các nhà sản xuất, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.
Là một nhà sản xuất ô tô hiếm hoi còn tự sản xuất pin, BYD có vị thế đặc biệt để hưởng lợi. Trước khi bước vào lĩnh vực kinh doanh ô tô, đây là nhà cung cấp lithium-ion đầu tiên của Trung Quốc cho Motorola và Nokia vào đầu những năm 2000. Để tăng quy mô sản lượng trước khi người tiêu dùng đón nhận xe điện, BYD đã nhắm đến các phân khúc ô tô cần nhiều pin. Do đó, xe buýt điện đầu tiên của hãng đã ra mắt ngay sau F3DM.
Gần một thập kỷ rưỡi sản xuất ô tô, BYD đã làm đủ mọi cách để đưa giá ô tô plug-in xuống mức ngang với xe động cơ đốt trong. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng thiết kế của xe lại chưa thực sự bắt mắt.
Năm 2016, BYD đã thuê Wolfgang Egger làm Giám đốc Thiết kế, vị trí mà trước đây ông từng đảm nhiệm cho Audi và Alfa Romeo. Điều này cũng đã gây chú ý với các Giám đốc điều hành quốc tế khác, bao gồm cả Giám đốc thiết kế ngoại thất của Ferrari và nhà thiết kế nội thất hàng đầu của Mercedes-Benz.
Paul Gong, Giám đốc nghiên cứu ô tô Trung Quốc của ngân hàng UBS Group AG cho biết, mặc dù hỗ trợ từ chính phủ đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển nhanh chóng của thị trường ô tô điện tại Trung Quốc, nhưng ông tin rằng yếu tố quan trọng hơn là mức độ cạnh tranh mà sự hỗ trợ này đã tạo ra.
"Điều quan trọng đó là sự sáng tạo, họ phải thử và tìm ra những gì người tiêu dùng thực sự muốn và phải tối ưu hóa chi phí để đảm bảo rằng sản phẩm ô tô điện của họ có khả năng cạnh tranh trên thị trường này", Gong nói.
Sau khi phân tích một chiếc sedan BYD Seal và chỉ ra ưu điểm về chi phí lên đến 25% so với các đối thủ truyền thống, nhóm nghiên cứu của ông Paul Gong kết luận rằng các nhà sản xuất Trung Quốc có khả năng sở hữu một phần ba thị trường ô tô toàn cầu vào cuối thập kỷ này.
Hiện tại, Tesla vẫn đánh bại BYD về các chỉ số quan trọng bao gồm doanh thu, lợi nhuận và vốn hóa thị trường. Các nhà phân tích tại Bernstein dự đoán rằng một số khoảng cách đó sẽ thu hẹp đáng kể vào năm sau. Họ dự đoán Tesla sẽ tạo ra 114 tỷ USD doanh số bán hàng, trong khi BYD sẽ là 112 tỷ USD.