Cả nước ghi nhận 66 trường hợp mắc COVID-19 trong dịp Tết
66 ca mắc COVID-19 trong 6 ngày nghỉ Tết
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 27/1 (tức mùng 6 Tết Quý Mão) của Bộ Y tế cho biết có 12 ca mắc COVID-19, giảm nhẹ so với ngày trước đó. Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 7 ca
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.377 ca nhiễm COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.483 ca nhiễm).
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam thời gian qua |
Theo Bộ Y tế, từ ngày 20/1 - 26/1 (tức 29 Tết đến mùng 5 Tết), chỉ ghi nhận 66 trường hợp mắc COVID-19 tại 20 tỉnh, thành và không ghi nhận ca tử vong.
Đến nay, cả nước có 11.526.348 ca mắc; 10.612414 người khỏi bệnh (chiếm 92% số mắc); Hiện chỉ có 2 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế trong đó, thở ô xy qua mặt nạ: 2 ca
Ngày 26/1 không ghi nhận ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 0 ca. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Bộ Y tế đánh giá các dịch bệnh khác cũng đang được kiểm soát, không ghi nhận ổ dịch lớn trong cộng đồng, không ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ Y tế nhấn mạnh tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.
Bộ cũng chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu để phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc COVID-19, nhất là các đối tượng nhập cảnh từ các khu vực đang bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của SARS-CoV-2; Đồng thời đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, nhất là khi học sinh trở lại trường, người lao động trở lại làm việc sau Tết; tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngành Y tế tiếp tục thúc đẩy tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Các cơ sở y tế có phương án thường trực, sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch và thu dung, điều trị, khám bệnh, chữa bệnh thường quy.
Ngoài ra, Bộ tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch để nâng cao ý thức dân phòng, chống dịch; khuyến cáo, vận động dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, tạo sự đồng thuận; không chủ quan, lơ là với dịch COVID-19.
Nhiều địa phương đã tổ chức tiêm vắc xin xuyên Tết
Tổng số mũi tiêm vắc xin COVID-19 đến nay ở nước ta là 266.058.416 liều. Tính riêng từ ngày 19 - 25/01/2023, cả nước triển khai tiêm được hơn 30.000 liều vắc xin. Nhiều địa phương đã tổ chức tiêm vắc xin xuyên Tết.
Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên: Tiêm mũi 3: Tổng số có 51.883.975 mũi tiêm (81,1%). Trong đó, 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (64,3%); Quảng Nam (63,3%); Phú Yên (62,8%); Đồng Nai (53,9%); Đồng Tháp (60,7%), 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (100%); Sóc Trăng (100,4%). Tiêm mũi 4: Tổng số có 17.496.153 mũi tiêm (87,4%).
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.808.005 mũi tiêm (69,1%). Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (43,7%); Phú Yên (48,6%); Bình Thuận (44,1%); TP HCM (36,4%); Đồng Nai (43,1%). Tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,3%); Sóc Trăng (103,5%); Bến Tre (94,9%).
Nhóm từ 5-11 tuổi: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.468.337 mũi tiêm: Mũi 1: 10.245.228 mũi tiêm (92,7%). Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (77,5%); Quảng Trị (78,8%); Đà Nẵng (68,5%); TP HCM (64,6%), Bà Rịa - Vũng Tàu (73,3%)
Mũi 2: 8.223.109 mũi tiêm (74,4%). Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (56,1%); Đà Nẵng (37%); Quảng Nam (49,4%); TP HCM (41%), Bà Rịa - Vũng Tàu (44,6%).
Ảnh minh hoạ |
Theo đánh giá mới nhất của Bộ Y tế, dự báo tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.
Dịp tháng Giêng mùa lễ hội năm nay, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số ca nhiễm, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền.