Cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí để đảm bảo ngân sách Nhà nước
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình làm rõ một số nội dung được các đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận
Bài liên quan
Ngân sách nhà nước chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế đặt hàng
Hà Nội tiết kiệm chi thường xuyên 13 nghìn tỷ đồng nhờ tinh giản bộ máy
Chiều 15/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế, xã hội.
Giải trình làm rõ một số nội dung được các đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, cân đối NSNN là vấn đề lớn nhất trong đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia, là yếu tố quan trọng đánh giá tín nhiệm quốc gia.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, từ đầu năm đến nay, do tác động của tình hình thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội và thu, chi, cân đối NSNN năm 2020. Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng phương án điều hành; Đề xuất các giải pháp về tài khóa để ứng phó với tác động của dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn xã hội.
Mặc dù đến nay, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 song diễn biến thế giới còn rất phức tạp. Với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng, có độ mở cao, tác động của đại dịch này tới nền kinh tế là rất nghiêm trọng và có thể kéo dài. Trên cơ sở kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính đã đưa ra các kịch bản tác động đến cân đối NSNN.
Kết quả thu ngân sách 5 tháng đầu năm mới đạt 38,2% dự toán, giảm 9,2% so cùng kỳ và là mức thấp nhất từ năm 2014 đến nay. Dự báo thu ngân sách năm 2020 sẽ không đạt dự toán Quốc hội quyết định. Theo quy định của Luật NSNN, trường hợp thu ngân sách không đạt dự toán, các cấp ngân sách (cả Trung ương và địa phương) đều phải rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Trên cơ sở thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi, sắp xếp, cắt giảm các nhiệm vụ chi, quản lý chặt chẽ sử dụng dự phòng ngân sách; Các địa phương sử dụng các nguồn lực hợp pháp, bao gồm cả nguồn tăng thu ngân sách năm 2019 chuyển sang, để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, Bộ Tài chính dự kiến trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 4,5%, bội chi NSNN khoảng 4,73% GDP, tương ứng tăng 75 nghìn tỷ đồng so với dự toán đầu năm; Nợ công khoảng 55,5% GDP. Trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 3,6%, bội chi NSNN khoảng 5,02% GDP, tương ứng tăng 90 nghìn tỷ đồng so với dự toán đầu năm; Nợ công khoảng 56,4% GDP.
Tuy nhiên, với cả 2 kịch bản này, dự kiến bội chi NSNN bình quân 5 năm vẫn nhỏ hơn 3,9% GDP, nợ công khoảng 55% GDP. Trước tình hình sản xuất, kinh doanh, cân đối thu chi ngân sách còn khó khăn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ, từ nay đến cuối năm cần triển khai có hiệu quả các giải pháp tài khóa hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo nhịp sống sinh hoạt bình thường của người dân, trong khi vẫn phải tiếp tục cảnh giác cao với dịch bệnh.
Các Bộ, ngành, địa phương điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.
Cùng với đó, các địa phương đẩy nhanh giải ngân, phấn đấu giải ngân hết số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2020 (bao gồm cả năm 2019 chuyển sang) khoảng 700 nghìn tỷ đồng (bằng 2,2 lần số vốn thực giải ngân năm 2019); Đồng thời tranh thủ, đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài để hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế.
Các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ, nguồn tăng thu ngân sách năm 2019 chuyển sang năm 2020 và nguồn lực tại chỗ để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; Thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự trên địa bàn và các nhiệm vụ chi cấp thiết phát sinh theo chế độ và hỗ trợ trong trường hợp bị hụt thu; Rà soát, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thật cần thiết để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.