Các cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng quy trình giám sát phản ứng có hại của thuốc
Theo đó, ADR là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, giảm tuân thủ điều trị và tăng chi phí điều trị cho người bệnh. Vì vậy, việc giám sát phản ứng có hại của thuốc đóng vai trò quan trọng, nhằm giảm thiểu những nguy cơ liên quan đến thuốc.
Ảnh minh họa |
Sở Y tế Hà Nội đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghiên cứu và triển khai giám sát ADR theo hướng dẫn của Bộ Y tế với 6 nhiệm vụ chính, đó là: Phân công bộ phận hoặc người phụ trách giám sát ADR; Xây dựng và triển khai quy trình giám sát ADR; Phát hiện; Báo cáo; Đánh giá và dự phòng ADR.
Việc gửi đầy đủ báo cáo ADR về Sở Y tế sẽ được làm căn cứ để đánh giá chấm điểm cuối năm tại đơn vị.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa: “Phản ứng có hại của thuốc (Adverse Drug Reaction-ADR) là phản ứng độc hại, không được định trước, xuất hiện ở liều thường dùng cho người để phòng bệnh, chẩn đoán hay chữa bệnh hoặc nhằm thay đổi một chức năng sinh lý”. Định nghĩa nói trên của WHO không bao gồm các trường hợp thất bại trị liệu, sử dụng thuốc quá liều, lạm dụng thuốc, không tuân thủ theo khuyến cáo và sai sót trong thực hành sử dụng thuốc do con người gây ra. Tuy nhiên, đây cũng không phải là định nghĩa duy nhất. Khi đưa thuốc vào cơ thể với mục đích phòng ngừa hoặc điều trị bệnh, hoạt chất dược lý có trong thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng ảnh hưởng đến cơ thể người dùng, trong đó có những phản ứng có hại, những trạng thái bệnh lý có hại do dùng thuốc, thậm chí gây tử vong cho người dùng thuốc. |