Cách ăn bánh Trung thu tốt cho sức khoẻ
(TTTĐ) Bánh trung thu luôn là thứ quà không thể cưỡng đối với bất cứ ai vào dịp Rằm tháng Tám này. Đây là loại bánh khá ngọt và nhiều calo nên dễ gây ra cảm giác ngấy và không tốt chức sức khoẻ nên ăn quá nhiều. Vì vậy, mọi người nên kết hợp ăn bánh trung thu cùng với một số thực phẩm để giảm độ ngấy, không sợ tăng cân, lại có lợi cho sức khỏe hoặc ăn có liều lượng nhất định.
Một chiếc bánh Trung thu lượng đường hơn hai bát cơm
Ths.Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm giáo dục truyền thông dinh dưỡng, viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: "Một chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm khoảng 170g sẽ cung cấp vào cơ thể gần 600 kcal, đối với 1 bánh nướng nhân thập cẩm 180g thì chứa hơn 700 kcal. Lượng bột đường của 1 chiếc bánh dẻo hoặc 1 bánh nướng bằng 2 - 3 bát cơm, ngoài ra, đường lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh nên gây tăng đường huyết nhanh".
Phần lớn chất béo trong bánh từ thịt mỡ là loại chất béo no gây nhiều tác hại. Chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật nên nếu bảo quản không tốt chúng dễ bị hỏng gây ra ngộ độc. Ngoài ra, nhiều loại bánh trung thu hiện nay thường có nhân là trứng muối với hàm lượng cholesterol cực kỳ cao, nếu những người bị tiểu đường tiêu thụ nhiều sẽ khiến bệnh chuyển biến xấu.
Ngoài ra, mức độ an toàn thực phẩm của bánh trung thu không đảm bảo bởi trong bánh có rất nhiều loại thực phẩm, gia vị và phụ gia thực phẩm. Từng loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm như thực phẩm bị ôi thiu, thực phẩm nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh, nhiễm hóa chất độc hại.
Nếu không kiểm soát được nguyên liệu, khi chế biến không đảm bảo quy trình về vệ sinh làm cho sản phẩm dễ bị ô nhiễm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Các gia đình như lựa chọn sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ tên của cơ sở sản xuất, địa chỉ, hướng dẫn sử dụng và bảo quản, thành phần bánh, ngày sản xuất và thời hạn sử dụng. Người tiêu dùng cũng nên lựa chọn bánh không bị dập nát, bao bì không bị rách, không có màu sắc khác thường hay có mùi lạ.
Với người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng nên lựa chọn các loại bánh dùng cho người ăn kiêng ít đường và ít chất béo, mặc dù vậy vẫn phải ăn rất hạn chế để kiểm soát bệnh. Với những người mắc các bệnh như viêm túi mật, sỏi mật, viêm dạ dày, cao huyết áp, cholesterol cao, bệnh nhân tim mạch… không nên ăn bánh trung thu.
Những thực phẩm nên ăn kèm bánh Trung thu
Uống rượu vang đỏ và nhâm nhi bánh trung thu là một trào lưu thời thượng rất được thịnh hành hiện nay.Xét theo góc độ dinh dưỡng, rượu vang đỏ chứa nhiều vitamin, khoáng chất và axit amin nên có thể loại bỏ sự béo ngậy của món bánh trung thu.Hơn thế rượu vang đỏ có vị chát nhẹ nên giảm bớt độ ngấy của bánh trung thu, đồng thời hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.
Đối với người Việt Nam khi ăn bánh trung thu thì không thể thiếu được nước trà xanh. Một miếng bánh nướng, bánh dẻo ngọt ngào cùng một ngụm trà chan chát là sự kết hợp trên cả mức tuyệt vời.
Trong trà xanh chứa nhiều EGCG là chất tăng cường quá trình đốt chất béo trong cơ thể và kích thích hệ thần kinh, do đó thường thức bánh trung thu cùng trà xanh không chỉ giúp tăng nhã hứng mà còn giúp tiêu hóa bánh tốt hơn.
Ngoài việc ăn bánh trung thu kết hợp với trà xanh, mọi người có thể thay thế bằng một cốc trà thảo dược dịu nhẹ. Những vị trà tươi mới như trà hoa cúc, trà xanh, trà chanh, trà bạc hà, trà sen sẽ là gợi ý hoàn hảo cho bạn.
Lượng chất chống oxy hóa dồi dào trong trà vừa giúp giảm cảm giác ngấy khi ăn bánh vừa làm giảm thiểu sự tích tụ dầu, mỡ trong cơ thể. Do vậy, vừa ăn bánh vừa uống trà thảo dược thì không phải quá lo lắng đến chuyện tăng cân nếu có lỡ ăn hơi nhiều bánh.
Hoa quả kết hợp cùng với bánh trung thu cũng rất tốt cho sức khoẻ. Vì bánh trung thu có vị ngọt lịm dễ ngấy, nên khi ăn cùng những hoa quả có vị chua như táo, kiwi, cam… sẽ giúp giảm độ ngấy và kích thích hệ tiêu hóa, giảm lượng mỡ tích tụ trong cơ thể.
Phương Thu