Cân nhắc mức chênh lệch học phí giữa các trường nội thành và xã miền núi
Theo Dự thảo, để bảo đảm mức thu học phí phù hợp với mức thu nhập, khả năng đóng góp của người dân, UBND thành phố đề xuất phân loại thành 4 vùng, làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên, áp dụng mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức sàn trong khung quy định tại Nghị định 81/CP và áp dụng mức tăng ở một số cấp học theo từng vùng.
Trong đó, dự kiến tăng thu học phí cao nhất 93,55% tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn các phường thuộc vùng 1 (cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các quận và các phường trên địa bàn thị xã Sơn Tây) với số tiền tuyệt đối 145.000 đồng/học sinh/tháng. Tăng thu học phí cao nhất 316,67% tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn các xã miền núi thuộc vùng 4 (cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các xã miền núi thuộc các huyện) với số tiền tuyệt đối 76.000 đồng/học sinh/tháng.
Việc điều chỉnh tăng học phí không làm ảnh hưởng đến các đối tượng đã được hưởng chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định. Bên cạnh đó, thành phố đề xuất mức thu 75% học phí trong trường hợp học trực tuyến online.
Quang cảnh hội nghị |
Góp ý vào dự thảo, ông Vũ Quang Hào, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tổng hợp, phân tích dư luận xã hội cho biết: Trong dự thảo Tờ trình cũng như Dự thảo Nghị quyết, mức thu học phí mầm non giữa các xã miền núi chênh lệch với khu vực phường đến hơn 9 lần là chưa thỏa đáng nên rất cần xem xét lại mức độ chênh lệch này. Việc thu học phí tại các thị trấn thấp hơn các phường nội thành là hợp lý vì thu nhập và chi phí tại các phường nội thành cao hơn thị trấn. Tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh tỷ lệ học phí giữa các xã miền núi và các phường, mặc dù số lượng trẻ em theo học các trường mầm non và THCS là khá nhỏ so với các vùng khác thuộc địa bàn Hà Nội.
Ở góc độ khác, bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ Trí thức thành phố lại cho rằng, cần làm rõ cơ sở khoa học nào mà học phí online lại đóng bằng 75% học phí trực tiếp. Bên cạnh đó cần công khai, minh bạch các khoản chi từ nguồn thu học phí để giám sát, vì từ nhiều năm nay có rất nhiều sự vụ liên quan đến các khoản đóng của các cháu học sinh. Ngoài ra, cũng cần công khai các khoản thu ngoài học phí như tiền mua điều hòa, sơn sửa lại trường… để phụ huynh hoặc các tổ chức chính trị xã hội giám sát.
“Việc xã hội hóa, tức là kêu gọi đóng góp thêm của phụ huynh là cần thiết nhưng cần nghiêm cấm hiện tượng gọi là phụ huynh “tự nguyện” đóng góp tiền mua trang thiết bị. “Tự nguyện”, đó được hiểu như thế nào, cần phải được làm rõ. Việc quan trọng nhất là làm sao học phí phải tương đương với chất lượng giảng dạy của nhà trường”- bà An nêu.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương phát biểu tiếp thu |
Một số ý kiến khác cho rằng mức tăng thu gần 100% học phí đối với vùng 1 là quá cao, trong khi đời sống người dân đang còn khó khăn sau ảnh hưởng dịch bệnh và giá xăng tăng cao. Ông Chu Văn Giáp, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đan Phượng nhấn mạnh, tăng học phí là cần thiết nhưng cần có lộ trình.
Ghi nhận nội dung Tờ trình, dự thảo Nghị quyết đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo quy trình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội tiếp thu ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, để bổ sung hoàn thiện, đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý, cơ sở chính trị.
Lưu ý đối tượng áp dụng mức thu học phí là các cơ sở giáo dục, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố đề nghị ngành giáo dục đảm bảo công khai minh bạch việc sử dụng ngân sách đầu tư cho giáo dục, trong đó có học phí. Đồng chí khẳng định, hệ thống mặt trận sẽ phối hợp tuyên truyền sâu rộng chủ trương điều chỉnh mức thu học phí năm học tới, tạo đồng thuận trong Nhân dân và tham gia giám sát.