Cảnh báo các tai nạn trẻ hóc dị vật
Liên tiếp các tai nạn hóc dị vật thực quản
Chỉ trong khoảng nửa tháng 6/2023, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc dị vật đường tiêu hóa. Nguyên nhân chủ yếu do trẻ được nghỉ hè, tự vui chơi thiếu sự kiểm soát, quản lý của người lớn.
Mới đây (ngày 18/6), bé P.H (3 tuổi, Hưng Yên) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thăm khám. Bố mẹ của bé kể, bé đột ngột khóc thét và nôn ra dịch bọt màu trắng khi chơi với đồng xu.
Các bác sĩ nội soi gắp dị vật trong thực quản cho bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện cung cấp) |
Ngay khi nhập viện, bác sĩ soi tai mũi họng, chụp X-quang ngực thấy có dị vật ngang đốt sống ngực với đường kính khoảng 2cm. Các bác sĩ đã nội soi cấp cứu, dùng kìm lấy dị vật qua đường miệng trong thời gian ngắn.
BS.CKII Bùi Quang Thạch, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết: "Vị trí dị vật gần đường thở, nếu không xử trí ngay có thể rơi vào đường thở nguy hiểm tính mạng hoặc rơi xuống dạ dày và ruột non cần phải phẫu thuật.
Trường hợp của bé H được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Dị vật dạng trơn nhẵn nên bé không có tổn thương ở niêm mạc thực quản".
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Bác sĩ Thạch chia sẻ, quá trình nội soi cho trẻ cần sự cẩn trọng của bác sĩ do ống tiêu hóa nhỏ hơn nhiều so với người lớn. Trẻ có thể sợ hãi không phối hợp trong quá trình chuẩn bị làm thủ thuật. Việc gây mê hồi sức cũng gặp khó khăn do trẻ còn quá nhỏ.
Từng dị vật sẽ có dụng cụ gắp khác như như thòng lọng, rọ, bóng… Các dị vật dễ gây tổn thương khi gắp ra, bác sĩ thường dùng nhóm dụng cụ đặc biệt giúp bảo vệ niêm mạc thành ống tiêu hóa như ống lồng bên ngoài, mũ chụp đầu ống soi…
Khi bị hóc dị vật, nhất là trẻ nhỏ, phụ huynh cần định hướng sớm là dị vật đường tiêu hóa hay dị vật đường thở.
Sau khi loại trừ dị vật đường thở, người nhà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được can thiệp sớm. Biết được tính chất của dị vật giúp bác sĩ tiên lượng các biến chứng có thể xảy ra và có kế hoạch gắp dị vật phù hợp như lựa chọn dụng cụ, kỹ thuật…
Khi bị hóc dị vật ba mẹ nên cho bé đến cơ sở y tế uy tín để được xử trí kịp thời và đảm bảo an toàn cho trẻ |
Hóc dị vật là tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ. Dị vật của đường tiêu hóa trên rất đa dạng tuy nhiên có thể phân làm 3 loại chính như sau: Dị vật thực sự (đồng xu, lắc tay, nhẫn, xương cá, tăm tre, kim băng, cúc áo, cục pin...) và đây là loại dị vật trẻ em hay gặp nhất.
Dị vật là thức ăn chưa được nhai kỹ như cục thịt, cục măng khô, búi rau. Dị vật dạng cục bã thức ăn được tạo bởi bã, xơ thực vật, nhiều khi kết hợp cả lông, tóc, hạt trái cây... kết hợp với chất nhầy của dạ dày.
Người lớn cần cảnh giác với đồ vật xung quanh, nhất là vật nhỏ, cứng vì trẻ dễ nhầm với đồ chơi hoặc đồ ăn.
Phụ huynh cần tạo không gian an toàn cho con vui chơi trong những ngày hè. Nếu trẻ không may bị hóc dị vật, cha mẹ cần bình tĩnh sơ cứu đúng cách và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Khi bị hóc dị vật, người bệnh không nên dùng các dụng cụ tại nhà để gắp gây tổn thương. Người bệnh không cố khạc hoặc nuốt đồ ăn, nước uống với mục đích đẩy dị vật khỏi chỗ mắc.
Cách này vô tình làm dị vật cắm sâu hơn vào thành thực quản nếu nuốt phải dị vật sắc nhọn hoặc tăng tổn thương trong quá trình dị vật di chuyển trong lòng thực quản, dạ dày.
Các dấu hiệu khi mắc dị vật đường tiêu hóa liên quan đến tính chất dị vật và vị trí, thời gian mắc dị vật. Tại thực quản, bệnh nhi thường có các triệu chứng như nuốt vướng, nuốt nghẹn, đau khi nuốt, đau sau xương ức. Ở trẻ nhỏ có thể quấy khóc hoặc buồn nôn và nôn, có thể khạc ra máu nếu các dị vật gây biến chứng ở thực quản như viêm, áp xe... Tại dạ dày, bệnh nhân có dấu hiệu đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, đầy bụng, chậm tiêu.
Nếu mắc phải dị vật sắc nhọn trong thời gian dài, bệnh nhân có thể bị tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, gây xuất huyết tiêu hóa. Dị vật có thể đâm thủng ống tiêu hóa gây áp xe trong thành ống tiêu hóa, áp xe trung thất, áp xe dưới hoành, áp xe trong ổ bụng, thủng ruột hoặc viêm phúc mạc...
Nguy hiểm nhất là dị vật ở thực quản có thể đâm vào động mạch chủ gây tử vong tức thì. Một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị ngộ độc do các thành phần là các chất độc có trong dị vật như nuốt pin.
Do đó, các phụ huynh không thể lơ là, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ phải chuẩn bị kỹ thức ăn cho trẻ, lấy hết xương cá, xương lợn ra khỏi món ăn; Tập cho trẻ lớn thói quen ăn chậm, nhai kỹ.
Ngoài ra, phụ huynh không cho trẻ ngậm bất kỳ vật nhỏ gì ở miệng vì trẻ dễ nuốt; Không nên đùa, gây cười khi trẻ đang ăn uống, vì dễ khiến trẻ bị sặc; Không nên cho trẻ ăn các loại hạt hoặc những loại quả chưa lấy hạt, vì hạt dễ rớt vào đường thở hoặc thực quản, có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời; Không nên cho trẻ dưới 3 tuổi chơi đùa với các vật dụng quá nhỏ như đồng xu, cục pin, cúc áo, tăm tre...