Cảnh báo lừa đảo mua vé máy bay giá rẻ dịp Tết Nguyên đán
Muôn kiểu trục lợi bất chính
Những ngày qua, tận dụng thời điểm cận Tết Nguyên đán, các đối tượng đã tung ra chiêu lừa đảo mua vé máy bay, combo du lịch giá rẻ để trục lợi bất chính.
Khi tìm kiếm với từ khóa "vé máy bay Tết", hay "du lịch Tết" những ngày này trên mạng xã hội, chúng ta dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận với rất nhiều người cung cấp dịch vụ với những mức giá cạnh tranh. Tuy nhiên khi thêm cụm từ lừa đảo phía trước cũng cho ra không ít kết quả về các vụ việc người dân bị các đối tượng lừa đảo hay chất lượng dịch vụ nhận được không đúng với cam kết.
Cách thức các đối tượng lừa đảo sử dụng là tạo lập fanpage giả mạo, đăng bài quảng cáo để thu hút sự chú ý của người dùng. Để tạo lòng tin, các đối tượng đồng phạm còn giả làm khách đặt mua vé máy bay và tự tạo giao dịch thành công.
Ngay sau khi người bị hại chuyển tiền, đối tượng lập tức chặn, xóa toàn bộ dấu vết các tài khoản đã sử dụng liên hệ. Mặt khác việc các tài khoản giả mạo đưa ra các mức giá rẻ để thu hút người tiêu dùng sập bẫy lừa đảo cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị lữ hành chân chính.
Người dân làm thủ tục an ninh tại sân bay |
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), hình thức của các đối tượng lừa đảo chủ yếu là các đối tượng mạo danh đại lý bán vé máy bay; tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức. Đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo.
Khi có khách hàng tìm đến, các đối tượng sẽ hướng dẫn họ làm theo yêu cầu đăng bài trên Facebook để mua được vé máy bay giá rẻ. Các đối tượng làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Đồng thời đề nghị nạn nhân chuyển tiền (từ 30-50% giá trị vé) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn.
Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất ra vé máy bay và ngắt liên lạc. Ngay sau khi người bị hại chuyển tiền, ngay lập tức các đối tượng sẽ chặn Facebook, xóa toàn bộ dấu vết, các tài khoản đã sử dụng liên hệ và cắt liên lạc.
Bên cạnh hình thức giả mạo tài khoản mạng xã hội, nhiều đối tượng còn tự nhận là nhân viên của hãng nên có chiết khấu cao, giả mạo đại lý ủy quyền để đưa ra các mức giá hấp dẫn khiến nhiều người mắc bẫy.
Người dân cần tỉnh táo trước khi thực hiện giao dịch
Trước tình trạng lừa đảo ngày càng diễn biến phức tạp, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần phải tỉnh táo trước khi thực hiện giao dịch trên mạng xã hội đặc biệt là với các quảng cáo giá siêu rẻ và ưu đãi lớn.
Khi có nhu cầu mua vé máy bay, khách hàng nên trực tiếp đặt vé qua website chính của hãng hàng không hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài nếu không thành thạo việc đặt vé qua mạng.
Người dân cần tìm hiểu kỹ, xác nhận thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực. Ảnh minh họa |
Trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, khách hàng cần tìm hiểu kỹ, xác nhận thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay. Đặc biệt, người dân không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín.
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, nhận định: "Chúng ta phải định danh các tài khoản mạng xã hội hết sức có ý nghĩa trong công tác quản lý không gian mạng. Các đối tượng sẽ khó khăn hơn trong việc sử dụng tài khoản nặc danh".
Trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, người dân cần tìm hiểu kỹ, xác nhận thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay; đặc biệt, không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín.