Cảnh báo lừa đảo qua hình thức mua bán hàng trực tuyến, mạng xã hội
Nhiều chiêu trò tinh vi
Mua bán hàng online hiện đang là một phương thức hiệu quả, nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet với phương thức thủ đoạn mới. Các đối tượng lừa đảo trao đổi, giao dịch mua bán với người bán hàng online qua mạng xã hội Zalo, Facebook… để chiếm đoạt tiền.
Cụ thể, các đối tượng tạo ra nhiều trang bán hàng trên Facebook hoặc mua lại những trang đã có sẵn vài nghìn lượt thích. Chúng thường xuyên đăng tải hàng loạt hình ảnh quần áo, phụ kiện... nhiều mặt hàng từ các cửa hàng nước ngoài. Những hình ảnh này rất đẹp, bắt mắt, lại trông như do chính cửa hàng tự chụp. Mục đích của chúng là để nguỵ trang như một cửa hàng bán đồ bình thường ở Việt Nam.
Sau đó, các đối tượng tạo ra nhiều bài đăng bán đồ khuyến mại và chạy quảng cáo để thu hút khách vào xem đồ. Khi người dùng vào nhắn tin hỏi mua, chúng sẽ lấy lý do đồ khuyến mại nên cần chuyển khoản 100%. Điều này rất bình thường vì hiện nhiều shop bán hàng nhận order cũng như vậy nên người dùng thường không mảy may nghi ngờ. Chờ khi người dùng chuyển khoản xong, những shop này sẽ không gửi đồ đã đặt và chặn Facebook luôn.
Với hình thức lừa đảo vô cùng đơn giản, rất nhiều người đã bị lừa |
Với hình thức lừa đảo vô cùng đơn giản như thế rất nhiều người đã bị sập bẫy. Tuy nhiên cách thức càng đơn giản, người tiêu dùng càng dễ dàng bị lừa. Thêm nữa, sau khi phát hiện bị lừa cũng không có nhiều nạn nhân lên tiếng vì số tiền bị mất cũng không quá lớn, chỉ vài trăm nghìn đến 1 triệu. Tuy nhiên, hàng trăm người bị lừa như thế thì số tiền sẽ rất lớn.
Chị Nguyễn Hằng Nga (ở Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Những mặt hàng đăng lên thường rất bắt mắt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, giá khuyến mại rất tốt nên người dùng không mấy nghi ngờ, cộng với cách trả lời tin nhắn nhẹ nhàng, thân thiện, tạo cảm tình nên có nhiều người tiêu dùng bị sập bẫy. Bản thân mình đã từng bị lừa một lần, số tiền không quá lớn, chỉ hơn 200.000 đồng nên đành ngậm ngùi tiếc nuối”.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều hình thức lừa đảo thông qua mua bán online, trên mạng xã hội. Trước đó, theo trình báo của chị Vũ Thị Kim T (trú tại thành phố Vũng Tàu), chị bán hàng online trên Facebook với các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe.
Chị T nhận được tin nhắn người quen giới thiệu khách hàng có tài khoản Facebook “Minh Quý Bùi” muốn mua hàng, đang thực hiện thủ tục chuyển tiền. Đồng thời, chị được đề nghị truy cập đường link, nhập số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP để nhận tiền.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện theo các hướng dẫn, chị T phát hiện tài khoản tiết kiệm online của chị bị tất toán và rút mất số tiền 50 triệu đồng để chuyển sang tài khoản khác. Một phút sau, chị T lại phát hiện bị tất toán một tài khoản tiết kiệm khác với số tiền hơn 20 triệu đồng. Lúc này chị T mới phát hiện là mình bị lừa nên lập tức ngắt cuộc gọi, đến Vietcombank đề nghị khóa thẻ, tài khoản, nên không bị mất số tiền trong tài khoản này. Tuy nhiên, số tiền 50 triệu đồng bị tất toán trước đó đã được chuyển sang tài khoản khác nên chị không thu hồi được.
Nâng cao cảnh giác, đề phòng kẻ xấu
Liên quan những vụ việc tương tự thế này, Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn mới của các đối tượng tội phạm nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân, đặc biệt đối với những người bán hàng online và các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vừa và nhỏ.
Cụ thể, các đối tượng giả là người Việt Nam ở nước ngoài, đặt mua hàng của người kinh doanh trong nước. Sau đó, thông qua điện thoại di động hoặc mạng xã hội, tội phạm gửi tin nhắn đường link giả mạo website của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union. Các đối tượng sẽ dẫn dắt người bị hại đăng nhập để rút tiền mà vẫn tin rằng chuyển để thanh toán mua hàng.
Bộ Công an cảnh báo, người bán hàng online, các cá nhân kinh doanh cần thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện giao dịch chuyển tiền; Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác. Đối với các tài khoản công khai dùng để giao dịch online, người kinh doanh cần hạn chế số tiền dư quá lớn, tránh để các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, Bộ Công an cũng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh trực tuyến trên mạng internet, nhất là qua các trang mạng xã hội Facebook nâng cao tinh thần cảnh giác. Người dùng cần tăng cường hệ thống bảo mật cho web, Facebook bán hàng; Chủ động phát hiện những dấu hiệu bị mạo danh mình trong hoạt động kinh doanh; Thường xuyên nắm tình hình các khách hàng của mình để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bị lừa đảo.
Khi phát hiện hành vi lừa đảo, Bộ Công an đề nghị người dân cần thông báo ngay đến cơ quan công an để được hướng dẫn giải quyết.