Cảnh báo lừa đảo vay tiền online với thủ tục nhanh gọn
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu vay tiền của người dân để tiêu dùng và phục vụ kinh doanh tăng cao nên các đối tượng tăng cường thực hiện hoạt động cho vay tiền qua APP (vay tiền online) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã liên tiếp tiếp nhận nhiều đơn thư tố cáo các đối tượng dùng thủ đoạn hoạt động cho vay tiền qua APP để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đơn cử vụ việc vừa xảy ra trên địa bàn Quận Ba Đình. Theo đó, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 100 triệu đồng với thủ đoạn như trên.
Cụ thể, vào thời điểm tháng 12 năm 2022, anh T (Sinh năm 1992; Hộ khẩu thường trú tại Nam Định) có nhu cầu vay tiền nên đã lên mạng vay tiền online. Sau khi truy cập vào web và đăng ký tài khoản, anh T được thông báo nhập sai thông tin.
Các đối tượng hướng dẫn anh T chuyển tiền vào tài khoản mới được giải ngân. Sau đó, anh T đã gửi gần 100 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng không lấy được khoản vay. Lúc này anh T mới biết mình bị lừa và đến Công an phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình trình báo.
Hay như mới đây, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, vừa di lý Nguyễn Hồng Nam (23 tuổi, trú xã Vân Đình, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội) để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức cho vay tiền qua mạng Internet.
Đối tượng Nguyễn Hồng Nam tại cơ quan công an |
Trước đó, ngày 31/1, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an thành phố Đà Nẵng) nhận tin báo của chị Đ.T.T.B (27 tuổi, trú tại Đà Nẵng) về việc chị bị đối tượng không rõ lai lịch lừa đảo chiếm đoạt hơn 92 triệu đồng bằng hình thức cho vay online trên mạng.
Vào cuộc điều tra, đến ngày 7/2, công an xác định nghi phạm là Nguyễn Hồng Nam nên tiến hành di lý từ Hà Nội vào Đà Nẵng để phục vụ điều tra. Qua làm việc, bước đầu Nam thừa nhận thực hiện hành vi phạm tội. Đồng thời, khai nhận, từ cuối tháng 5/2022 đến khi bị bắt đã thực hiện hơn 20 vụ lừa đảo bằng thủ đoạn tương tự, chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng của nhiều người khác.
Theo lực lượng chức năng, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng như Nam là đánh vào tâm lý của những người đang cần tiền kinh doanh, tiêu xài muốn được vay với số tiền lớn, thủ tục nhanh gọn. Sau khi tiếp cận được người cần vay, đối tượng sử dụng sim, tài khoản thuộc các trang mạng xã hội như Zalo, Messenger để hướng dẫn thực hiện thủ tục vay thông qua các ứng dụng tài chính online.
Để được vay tiền nhanh, thủ tục đơn giản, người vay phải chuyển tiền qua tài khoản cho kẻ lừa đảo với các lý do như chuyển tiền để đảm bảo hồ sơ vay, tài khoản yêu cầu vay bị sai, thiếu thông tin hoặc số tiền tiền vay vượt quá định mức… Sau khi nạn nhân đã chuyển tiền thì các đối tượng nhanh chóng khóa sim, tài khoản đã liên lạc trước đó, rút tiền khỏi tài khoản.
Người dân cần nâng cao cảnh giác
Hiện nay các đối tượng luôn tìm cách tiếp cận người cần vay tiền thông qua các hình thức gọi điện, nhắn tin đến số điện thoại hoặc đăng tải các bài viết trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… để quảng cáo cung cấp các khoản vay lãi suất thấp, thủ tục online.
Thông tin quảng cáo cho vay tiền online xuất hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội |
Sau khi đã tiếp cận được người cần vay tiền, các đối tượng sẽ thực hiện các bước như với những trường họp nạn nhân như trên. Đặc biệt, các đối tượng luôn yêu cầu người vay phải đóng một khoản tiền phí để đảm bảo, xác minh, hỗ trợ duyệt vay. Một khi người vay đã nộp tiền phí trên thì các đối tượng sẽ có vô vàn các lý do yêu cầu phải tiếp tục nộp thêm tiền để khắc phục các lỗi sai trên và hứa sẽ hoàn trả lại cho khách hàng sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định, rồi sau đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Do đó, để đề phòng nguy cơ bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo, người dân nên cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực tính đúng đắn của công ty tài chính, tư vấn viên trước khi tiến hành các thủ tục tài chính, vay mượn tiền bằng cách gọi điện thoại đến các số hotline của các công ty, kiểm tra xem xét kỹ các đường link trang web trước khi truy cập.
Người dân không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân (CMND, CCCD, địa chỉ...) khi chưa xác định chính xác APP trang Web và danh tính tư vấn viên. Đặc biệt, người dân không chuyển tiền để đóng phí giải ngân khoản vay qua tài khoản cá nhân, không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hay mã OTP do ngân hàng cung cấp cho bất kỳ ai.
Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.