Cảnh báo phòng bệnh khi thời tiết sương mù, độ ẩm cao
Dễ lây lan các bệnh hô hấp
Người dân lo ngại, sương mù kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt đối với người dậy sớm đi làm việc. Nhiều người cho rằng, việc sương mù có thể làm trầm trọng thêm vấn đề ôi nhiễm môi trường vốn đã xảy ra trong thời gian gần đây.
Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sương mù là một trong số hơn 20 loại hình thời tiết thường gặp ở Việt Nam. Nguyên nhân xuất hiện sương mù, do sự chênh lệch về độ ẩm và nhiệt độ của không khí.
Thời tiết sương mù, nồm ẩm rất dễ lây lan các bệnh về hô hấp |
Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nguyên nhân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc xuất hiện sương mù dày là do khu vực này đang nằm trong khối không khí lạnh và khô với trường gió bắc đến tây bắc thổi từ độ cao 1.500 - 5.000m.
Dưới tác động của trường gió này, ở miền Bắc, trời chuyển sang trạng thái ít đến quang mây, nên hiện tượng sương mù bức xạ đã xuất hiện, gây giảm tầm nhìn, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông, đi lại cũng như hoạt động bay tại sân bay Nội Bài.
Vào mùa đông, nhiệt độ không khí thấp và độ ẩm không khí cao kết hợp với tốc độ gió rất yếu, thậm chí không có gió. Đây là 3 yếu tố quan trọng để hình thành sương mù.
Với độ ẩm không khí như hiện nay sẽ tác động tới những người vấn đề về xương khớp, tim mạch, người mắc bệnh lý nền… rất dễ xảy ra những đợt khởi phát bệnh cấp tính.
Ngoài ra, hiện tượng sương mù còn lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí sẽ nguy hại lớn cho sức khỏe. Đặc biệt, trong thời điểm cận Tết nhu cầu tập trung đông người, đi lại cao nên có nguy cơ lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp.
Các chuyên gia cũng cho rằng, sương mù là hiện tượng tự nhiên, là độ ẩm không khí tạo thành, không hẳn là ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, độ ẩm tăng cao cũng làm cho một số bệnh truyền nhiễm dễ lây lan hơn. Hiện tượng sương mù không phải vấn đề quá lớn với sức khỏe, nhưng người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh trong thời điểm như hiện nay.
Cảnh báo phòng bệnh dịp Tết Nguyên đán
Tại buổi họp báp quý I/2024 do Bộ Y tế tổ chức ngày 2/2, trao đổi về tình trạng sương mù dày đặc tại Hà Nội những ngày gần đây có nguy cơ với sức khỏe, ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: "Hiện tượng sương mù thường xảy ra hằng năm vào mùa đông, nhất là ở các tỉnh phía Bắc, khu vực miền núi. Tại Hà Nội, hiện tượng này khá hiếm, nhưng đã xuất hiện trong thời gian gần đây; đây là vấn đề của thời tiết và khí hậu.
“Trong thời tiết như hiện nay, người dân rất dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp khi ra đường. Do đó, người dân cần đeo khẩu trang khi ra đường để phòng bệnh, nhất là với những người có sức đề kháng kém như: Người già và trẻ nhỏ…”, ông Nguyễn Lương Tâm lưu ý.
Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng |
Cũng tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đưa ra cảnh báo, hiện nay, thời tiết vẫn diễn biến bất thường. Tại miền Bắc, đang là mùa giá lạnh, hanh khô, xen kẽ những ngày nồm ẩm là nguyên nhân nhiều dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Thêm vào đó, trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch đang càng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa lễ hội sắp tới khiến nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm là rất cao. Các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan thời điểm này là cúm, COVID-19, sởi, thủy đậu…
Để chủ động công tác phòng, chống dịch và kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp và trong dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội năm nay, thời gian gần đây, Bộ Y tế đã có các công văn chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch; thường xuyên cung cấp, cập nhật các khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh mùa đông xuân, bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát lan rộng ra cộng đồng.
Ngoài ra, các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam.
Để phòng bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo, trong những ngày sương mù dày đặc, người dân nên có những biện pháp phòng ngừa kịp thời như: Tránh ra đường quá sớm vào buổi sáng; sử dụng khẩu trang y tế để ngăn chặn khí độc trong sương.
Người dân cần đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh hô hấp để tránh trở nặng và nguy hiểm; giữ ấm cơ thể để đảm bảo nguồn nhiệt; vệ sinh cá nhân thường xuyên; không phơi quần áo ngoài trời để qua đêm; thực hiện việc là quần áo để tiêu diệt nấm mốc bám trên áo quần...