Cảnh báo: Sử dụng túi ni lông đựng thực phẩm sẽ sớm bị ung thư
(TTTĐ) - Sử dụng túi ni lông đã trở thành một thói quen không thể thay đổi của rất nhiều người, đặc biệt là thói quen đựng thực phẩm trong đó rồi nhét vào tủ lạnh.
Sử dụng túi ni lông đã trở thành một thói quen không thể thay đổi của rất nhiều người
Nếu như trước đây, khi túi ni lông chưa phổ biến người ta thường xách theo những chiếc lànnhựa để đựng thực phẩm, thì ngày nay, hình ảnh các bà nội trợ xách trên tay những chiếc túi ni lông đựng rất nhiều đồ không còn hiếm.
Không thể phủ nhận những tiện ích túi ni lông mang lại, bạn có thể đựng thực phẩm,bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, sử dụng túi ni lông khi đi mua sắm quần áo, giầy dép cũng đều được bọc vào túi ni lông...
Có thể bạn chưa biết, mỗi năm nước Mỹ tiêu tốn 12 triệu thùng dầu thô để sản xuất khoảng 100 tỉ túi ni lông. Ước tính trung bình mỗi túi ni lông cần 500 năm để phân hủy hoàn toàn. Số lượng túi ni lông trung bình sử dụng của một người có thể tồn tại đến 4.175 triệu năm. Mỗi phút trên thế giới có hơn 1 triệu túi ni lông được sử dụng. Bình quân mỗi năm một người Ireland sử dụng 328 túi ni lông. Con số này ở Úc là 250 túi/người/năm và ở Scotland là 153 túi/người/năm.
Không có nơi nào hào phóng túi ni lông như ở chợ, trung tâm mua sắm... với đủ các loại túi to, túi nhỏ, túi màu xanh, màu vàng, đỏ... độ dày mỏng cũng khác nhau.
Từ lâu nhiều người bán hàng đã chẳng còn mất công nghĩ tới chuyện sử dụng túi ni lông loại nào để bảo vệ môi trường nữa, họ chỉ quan tâm loại nào đựng được sản phẩm mà giá thành đầu vào rẻ nhất, tiết kiệm nhất. Còn người mua cũng chẳng mảy may nghĩ tới hậu quả từ việc đựng thực phẩm vào những chiếc túi ni lông.
Một trong những thói quen điển hình các bà nội trợ thường làm đó là sử dụng túi ni lông đựng thịt, cá còn tươi sống, đựng rau củ chưa qua sơ chế đã vội vàng đóng túi ni lông rồi đặt vào tủ lạnh dùng dần.Sức khỏe của bạn tốt hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào thói quen bảo quản thực phẩm, trước hết là sử dụng túi ni lông.
Theo nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania (Mỹ), đựng thực phẩm trong túi ni lông hay túi nhựa nói chung đều có thể gây ra những nguy hiểm vềsức khỏekhi xét về thành phần hóa chất tạo nên: BPA và DEHP. BPA có liên quan đến bệnh béo phì và khiến vòng eo lớn hơn ở nhóm đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên.
Ngoài ra, Chương trình quốc gia nghiên cứu về độc học (NTP) và Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư (IARC) đã chứng minh, BPA còn tác động đến não làm chậm phát triển, gây viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh. Đây cũng là loại chất có khả năng gây ung thư cực cao.
Lạm dụng túi ni lông trong việc bảo quản thực phẩm có thể dẫn đến các bệnh ung thư
Theo các nhà khoa học, trong một số loại túi ni lông có lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất, khi bị đốt cháy, gặp hơi nước sẽ tạo thành axit sunfuric dưới dạng các cơn mưa axit, rất có hại cho phổi.
Các loại túini lôngmàu chứa thực phẩm có thể khiến thực phẩm nhiễm các kim loại như chì, clohydric gây tác hại cho não và là nguyên nhân gây ung thư phổi.
Theo Viện Nông nghiệp và Chính sách Thương mại Mỹ, các loại túi nhựa được làm từ polyethylene mật độ cao hoặc polyethylene mật độ thấp và thường được mã hóa nhãn số 2 hoặc 4.
Khi thực phẩm được lưu trữ trong các túi nhựa các hóa chất này có thể ngấm vào thức ăn và sau đó được hấp thụ vào cơ thể, kể cả với các dạngmàng bọc thực phẩm.
Một trong những thói quen điển hình các bà nội trợ thường làm đó là sử dụng túi ni lông đựng thịt, cá còn tươi sống, đựng rau củ chưa qua sơ chế đã vội vàng đóng túi ni lông rồi đặt vào tủ lạnh dùng dần
Theo thời gian các hóa chất trong túi ni lông sẽ làm thay đổi mô, tổn thương di truyền, lỗi nhiễm sắc thể, sẩy thai, dị tật bẩm sinh, dậy thì sớm và những thay đổi nội tiết tố.
Ở trẻ em, hóa chất chứa trong túi ni lông có thể gây hại đến hệ thống miễn dịch và kích thích làm gián đoạn các vấn đề về hành vi, nhận thức…
Thời gian phân hủy tự nhiên của túi ni lông phải mất từ 500 - 1.000 năm, do đó rất ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống của con người.
Và còn nhiều nghiên cứu khác đã được đưa ra để cảnh báo cho toàn nhân loại biết được tác hại của việc lạm dụng túi ni lông trong việc bảo quản thực phẩm, nhưng dường như vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh nhiều người, đặc biệt là những người có thói quen bảo quản thực phẩm bằng ni lông.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh ( nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội): “Cách tốt nhất là chúng ta không nên bảo quản thực phẩm bọc ni lông trong tủ lạnh một khoảng thời gian dài, nên dùng hết sau khi để thực phẩm vào tủ lạnh 1-2 lần.
Màng bọc thực phẩm cũng có nguy cơ gây bệnh cao
Loại túi ni lông đảm bảo hơn bất cứ loại túi nào chính là túi ni lông được làm từ nhựa trong suốt. Còn nếu chúng ta sử dụng những loại túi có màu xanh, đỏ, vàng… hoặc túi trắng màu đục để gói thực phẩm hay bất cứ loại gì khác thì đều không đảm bảo sức khỏe.
Đây là dạng túi làm từ nhựa tái chế, có chất độc, khả năng thôi nhiễm chất độc, khiến chúng ngấm vào thực phẩm là chuyện không thể tránh. Nếu thực phẩm ở dạng chín, ướt, có muối, mỡ đựng trong những loại túi này rồi cho vào tủ lạnh thì nguy cơ càng cao hơn.
Việc lôi ra rồi lại bọc túi ni lông bỏ vào dùng nhiều lần sau còn khiến vi khuẩn sản sinh nhanh, lúc này không chỉ là khả năng thôi nhiễm mà còn chính thực phẩm cũng bị vi khuẩn xâm hại.
Màng bọc PE dạng mềm, trong suốt từng được ca ngợi trong an toàn thực phẩm thì đến bây giờ liệu có còn tuyệt đối an toàn hay không, câu trả lời là không.
Ngay cả những loại đồ gốm, sành sứ chúng ta nghĩ là an toàn thì thực ra chúng có rất nhiều kim loại nặng như chì, cadimi, đồng rồi cả thủy ngân… đựng lâu ngày sẽ bị thôi nhiễm ra khiến cơ thể ăn phải và bị nhiễm kim loại.
Dù là túi ni lông hay bất cứ loại đồ nhựa nào đi chăng nữa đều có mặt trái của nó, người tiêu dùng phải biết sử dụng một cách thông minh”.
Nên quay lại thời kì mang làn đi mua thực phẩm
Để bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân, Thạc sĩ Phùng Thị Anh Minh (Viện Kỹ Thuật Hóa Học, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, nên quay lại thời kì mang làn hoặc mang một chiếc túi qua kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm để đi chợ hàng ngày, tất cả thịt cá, rau củ không cần đựng trong túi nilông mà để trực tiếp vào làn hoặc túi.
“Khi về, nếu chưa chế biến thức ăn ngay, hãy rửa sạch để vào trong các dụng cụ bằng sứ, nhựa chất lượng cao và để vào tủ lạnh. Đó là biện pháp an toàn để đảm bảo vệ sinh và bảo vệ sức khỏe. Hoặc chúng ta có thể dùng túi giấy để đựng thực phẩm…
“Ở các nước phát triển như Sigapore, Hồng Kong, Nhật Bản… người dân vẫn thường sử dụng túi giấy để đựng thức ăn. Tại các nước này, bạn sẽ phải bỏ ra một số tiền rất lớn mới mua được một chiế túi nilông vì chúng rất đắt. Đó cũng là cách để bảo vệ người dân khỏi sát thủ giấu mặt mang tên túi nilông”,tiến sĩ Minh gợi ý.
PV