Cảnh giác trước tin nhắn giả mạo phần mềm diệt Virus Norton
Các đối tượng tạo lập tin nhắn email giả mạo, sử dụng logo của phần mềm Norton, thông báo gói đăng ký mà nạn nhân đang sử dụng đã được gia hạn thành công, giao dịch đã tự động được thanh toán bằng hình thức trực tuyến. Đính kèm theo email là hóa đơn mua sắm, cho biết số tiền 499 USD (khoảng 12 triệu đồng) đã được trừ vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Đây là yếu tố được các đối tượng sử dụng để gây sự chú ý đối với nạn nhân. Việc một khoản tiền bất thường được sử dụng ngoài ý muốn sẽ khiến nạn nhân bối rối, nhanh chóng tìm cách xử lý vấn đề. Lúc này, nạn nhân sẽ nhanh chóng truy cập vào đường dẫn tới trang web hỗ trợ khách hàng ở dưới cuối email.
Sau khi truy cập, màn hình sẽ chuyển hướng nạn nhân tới trang web giả mạo, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin ngân hàng để phục vụ cho quá trình hủy đăng ký và hoàn tiền. Sau khi hoàn tất các thủ tục, trang web sẽ đưa nạn nhân tới màn hình chờ, đây cũng là lúc mà các đối tượng xấu sử dụng thông tin của nạn nhân để thực hiện các giao dịch chuyển tiền bất hợp pháp.
Trước diễn biến của thủ đoạn lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được các tin nhắn với nội dung tương tự nêu trên.
Người dân cần cẩn trọng xác minh, đối chiếu đường dẫn, địa chỉ email thông qua cổng thông tin chính thống; tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn lạ, không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa xác thực được nội dung tin nhắn và danh tính của người gửi.
Người dân cũng được khuyến cáo nên gia tăng bảo mật cho thiết bị và các tài khoản trực tuyến bằng những phương thức như kích hoạt xác thực yếu tố 2 lớp; thường xuyên cập nhật phần mềm hệ thống và phần mềm cũng như bổ sung, trang bị kiến thức về các biện pháp phòng tránh lừa đảo trực tuyến.
Khi phát hiện thấy dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần trình báo với lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.