Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao
Thời gian vừa qua, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố chủ động phối hợp với các Ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn thành phố, triển khai đồng bộ các biện pháp, hình thức tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bước đầu đã đạt được kết quả nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm.
Tuy nhiên, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, triệt để lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế - xã hội.
Trước tình hình diễn biến của loại tội phạm này trong giai đoạn hiện nay, để nâng cao hiệu quả của công tác phòng ngừa xã hội, đòi hỏi phải triển khai các biện pháp tuyên truyền chuyên sâu, nhắm đến từng nhóm người dân để nâng cao kiến thức, tỉnh thần cảnh giác và chủ động phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân; Công an thành phố Hà Nôi đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nôi phối hợp, báo cáo Cơ quan có thẩm quyền để tăng cường triển khai các biện pháp, hình thức tuyên truyền.
Người dân cần nêu cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo mời làm cộng tác viên bán hàng online |
Cụ thể, gửi tin nhắn SMS đến người dân đang cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội để cảnh báo, nội dung: “Công an thành phố Hà Nội cảnh báo: Hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang diễn biến phức tạp. Đề nghị người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không làm việc với cá nhân, tổ chức nào qua điện thoại, không tải các đường link, phần mềm giá mạo cơ quan, Ngân hàng để nhập thông tin cá nhân, số CCCD, số tài khoản ngân hàng, mã OTP. Các cơ quan chức năng điều tra, xác minh, xử lý tội phạm đều được tiến hành trực tiếp, không thông qua điện thoại, mạng xã hội gửi thông báo, tin nhắn yêu cầu đến người dân. Khi phát hiện thông tin nghi vấn thì trình báo ngay với Cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết”.
Thông qua Cơ quan báo chí, các trang thông tin điện từ tổng hợp, các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo...); hệ thống thông tin truyền thông khác để phổ biến các hình thức, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; các khuyến cáo, cảnh báo, hướng dẫn người dân nhận diện các dấu hiệu của tội phạm, các biện pháp phòng tránh; tuyên truyền kết quả đấu tranh, những sáng kiến, cách làm hiệu quả của các tập thể, cá nhân trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Theo Công an thành phố Hà Nội, các thủ đoạn của đối tượng lừa đảo là sẽ gọi điện cho người dân, tự giới thiệu là cán bộ của các cơ quan nhà nước (cán bộ địa chính, văn phòng đăng ký đất đai, cảnh sát khu vực...) yêu cầu người dân kê khai, bổ sung thông tin CCCD, tài khoản định danh điện tử... hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng, truy cập website giả mạo (tải thông qua các đường link do đối tượng gửi, các ứng dụng, website này có chức năng hoặc chứa mã độc có khả năng thu thập thông tin, chiếm quyền sử dụng thiết bị của người dùng), sau đó chiếm quyền sử dụng thiết bị, tài khoản ngân hàng của người bị hại và chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản đến các tài khoản khác để chiếm đoạt.
Thủ đoạn tiếp theo là các đối tượng đăng bài quảng cáo trên các mạng xã hội (Facebook, Telegram, Tinder…) với nội dung chào mời tham gia các hội, nhóm, câu lạc bộ hẹn hò, quan hệ nam nữ… Sau đó, yêu cầu người bị hại tham gia mua các gói sử dụng dịch vụ, nâng cấp tài khoản, thực hiện nhiệm vụ bình chọn cho gái mại dâm trá hình trên các website do đối tượng tạo lập, có máy chủ đặt tại nước ngoài… để dụ dỗ người bị hại tham gia, sau đó lấy nhiều lý do để yêu cầu người bị hại chuyển tiền thực hiện các nhiệm vụ rồi chiếm đoạt. Ngoài ra, các đối tượng còn dụ dỗ người bị hại trao đổi video, hình ảnh khỏa thân... sau đó sử dụng các hình ảnh này để đe dọa, cưỡng đoạt tài sản của người bị hại.
Thủ đoạn nữa là các đối tượng đánh cắp quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội, sử dụng mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị chuyển hộ tiền, vay tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại gửi cho chúng.
Công an TP Hà Nội cảnh báo người dân tăng cường cảnh giác tội phạm công nghệ cao. Ảnh minh hoạ |
Ngoài ra, trong thời gian gần đây, nắm bắt được tâm lý người dân hiện nay đã cảnh giác với chiêu trò lừa đảo bằng cách: gọi điện thoại, tin nhắn cho bạn bè, người thân…nhờ chuyển tiền vay tiền, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn lừa đảo tinh vi hơn để vay tiền, yêu cầu chuyển tiền thông qua hình thức giả cuộc gọi video. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là: tìm kiếm thu thập thông tin cá nhân, mối quan hệ cá nhân được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội…lấy những hình ảnh, video cũ của người dân. Sau đó, các đối tượng sử dụng công nghệ “Deepfake” (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để tạo ra các sản phẩm công nghệ giả dưới dạng âm thanh, hình ảnh, video. Từ đó, các đối tượng, sử dụng các hình ảnh, video giả đó gọi cuộc gọi “video call” để giả làm người thân vay tiền, giả làm con cái đang du học nước ngoài gọi điện cho bố mẹ nhờ chuyển tiền đóng học phí, giả tạo các tình huống khẩn cấp cần phải chuyển tiếp gấp... Khi thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng sẽ phát lại video dưới hình thức mờ ảo, chập chờn như đang ở nơi sóng yếu làm cho người dân tin tưởng là thật và chuyển tiền cho đối tượng chiếm đoạt.
Các đối tượng còn đăng tin có nội dung tuyển dụng việc làm online, có thu nhập cao trong các hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook, Telegram... hoặc nhắn tin đến máy điện thoại của các bị hại, nếu đồng ý tham gia bị hại sẽ liên lạc với đối tượng với tài khoản Zalo, Telegram... Sau đó, đối tượng giả danh nhân viên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki... để tuyển dụng, giao việc và yêu cầu bị hại ứng tiền chuyển khoản thanh toán các đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử trên, sau đó sẽ được thanh toán hoàn trả lại với số tiền lợi nhuận từ 10-15% số tiền thực hiện chuyển khoản. Sau một vài đơn hàng (có giá trị thấp) thành công, các đối tượng yêu cầu bị hại thực hiện thanh toán các đơn hàng có giá trị cao, sau đó lấy nhiều lý do thông báo đơn hành bị lỗi và yêu cầu bị hại thực hiện lại nhiều lần hoặc đổi sang thực hiện đơn hàng có giá trị cao hơn, rồi chiếm đoạt tiền của bị hại đã chuyển và cắt liên lạc với bị hại.
Đối tượng lừa đảo tự lập công ty chứng khoán, website tổ chức kinh doanh sàn ngoại hối (forex), tiền điện tử (altcoin) giả (thực tế không có hoạt động kinh doanh gì). Sau đó, các đối tượng sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram, Tinder... để đăng bài, rồi kết bạn làm quen với người bị hại.
Sau một thời gian quen biết, đối tượng giới thiệu, dụ dỗ, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư tiền vào các sàn giao dịch điện tử, theo giới thiệu các sàn đều có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với nền tảng giao dịch điện tử hàng đầu thế giới, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhưng lại an toàn có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian, thậm chí người chơi còn được đội ngũ chuyên gia của sàn hướng dẫn đặt lệnh giúp chắc chắn thắng, nhưng bản chất các sàn này đều là phần mềm do đối tượng lập ra.
Sau một thời gian, sàn giao dịch thông báo dừng hoạt động để bảo trì, hoặc lỗi không truy cập được, khách hàng không đăng nhập được để rút tiền hoặc bị mất hết tiền kỹ thuật số trong tài khoản, đồng thời các đối tượng cũng khóa các tài khoản Facebook, Zalo, Telegram, Tinder... cắt liên lạc với bị hại.
Ngoài ra, để làm cho người bị hại tin tưởng hơn, các đối tượng thuê người khác đăng ký thành lập các công ty, tạo các website có tên và hình ảnh nhận diện có hình thức gần giống với tên của các Công ty đang hoạt động có uy tín trên thị trường. Sau đó, các đối tượng đến các Ngân hàng mở tài khoản ngân hàng theo tên của Công ty đã mở để sử dụng vào việc nhận tiền của người đầu tư để chiếm đoạt.