Cảnh giác với chiêu trò giả danh shipper nhằm chiếm đoạt tài sản
Thủ đoạn tinh vi
Đang làm việc tại công ty, chị Nguyễn Diệu Linh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận cuộc gọi từ số điện thoại 08270649xx tự xưng là shipper, hỏi chị có nhà không để đến đến giao hàng. Như thường lệ, chị Linh đề nghị shipper cứ gửi đơn hàng ở chỗ cũ và nhắn cho chị số tài khoản ngân hàng kèm giá trị đơn hàng để chị thanh toán bằng cách chuyển khoản. Chị cũng không mảy may nghi ngờ cho đến khi người này cho biết đơn hàng có giá là 159.000 đồng.
"Tôi kiểm tra không có đơn hàng nào của tôi có giá này cả", chị Linh nói. Tiếp đó, chị Linh gọi lại cho đối tượng hỏi đơn hàng là đơn gì, đồng thời đề nghị shipper này chụp ảnh gửi qua tin nhắn. Đối tượng trả lời: "Em chỉ nhận từ bưu cục nên không rõ là đơn gì, hình như là quần áo, chị cứ kiểm tra lại".
Tuy nhiên, để tạo lòng tin, đối tượng chụp ảnh gói hàng gửi qua tin nhắn cho chị Linh. Chị Linh kiểm tra lại vị trí gửi hàng thường đặt thì không thấy bất kỳ món hàng nào như "shipper giả" đã thông báo và không chuyển tiền cho đối tượng. Chỉ sau thời điểm này ít phút, shipper thật - đã quen với chỗ gửi hàng cũng giao hàng đến cho chị Hoa và để hàng vào vị trí thường đặt.
Kịch bản tinh vi được những kẻ lừa đảo sử dụng để tấn công tâm lý nạn nhân |
Không may mắn và đủ tỉnh táo như chị Linh, chị Vũ Phương Trà (Đống Đa, Hà Nội) trở thành nạn nhân của chiêu thức lừa đảo này khi bị mất số tiền 750.000 đồng cho đơn hàng giả mạo. Khi đó, nhận cuộc gọi giao đơn 400.000 đồng, chị đã nhờ đối tượng giao cho lễ tân và chuyển khoản.
Tuy nhiên, sau đó shipper báo nhầm đơn, yêu cầu chuyển thêm 350.000 đồng.
Gần 14h cùng ngày, đối tượng tiếp tục nhắn chị Trà có đơn hàng mới và chuyển thêm 560.000 đồng vào số tài khoản ban đầu. Chị yêu cầu chụp ảnh đơn hàng để biết bản thân đã đặt món hàng gì nhưng đối tượng viện cớ đã di chuyển, không còn ở sảnh chung cư. Khi xuống gặp lễ tân, chị Trà mới biết không hề có đơn hàng được giao.
Người dân cần nâng cao cảnh giác
Trên các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm mua hàng trực tuyến, nhiều người tiêu dùng đã và đang liên tục phản ánh về tình trạng xuất hiện một nhóm đối tượng chuyên mạo danh shipper để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Kịch bản lừa đảo được dựng lên một cách tinh vi, nhưng đáng nói, điều khiến cho nhiều người mất đi sự cảnh giác, rơi vào vòng xoáy bị lừa, lại đến từ vấn nạn bị rò rỉ thông tin về số điện thoại, địa chỉ và thói quen mua sắm của từng người.
“Điều tôi lo lắng và bức xúc nhất lúc này là tại sao những kẻ lừa đảo lại có được chính xác các thông tin của tôi? Tiền thì đã mất rồi nhưng biết đâu một thời gian nữa, những kẻ này lại sử dụng những chiêu trò mới, tinh vi hơn để tiếp tục hành vi lừa đảo”, chị Vũ Phương Trà bày tỏ sự lo ngại.
Theo cơ quan Công an, đây là hình thức lừa đảo mới, các đối tượng thông qua việc tham gia các buổi bán hàng trực tuyến (livestreams) trên các nền tảng mạng xã hội để thu thập thông tin khách hàng và các sản phẩm được đặt mua từ các bình luận công khai của khách hàng; thậm chí bọn chúng mua thông tin khách hàng qua các kênh khác. Khi đã có được thông tin, các đối tượng sẽ giả danh là người giao hàng thuộc các công ty vận chuyển có tiếng để gọi tới khách hàng vào giờ hành chính hoặc khi khách hàng không có nhà.
Người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua |
Các đối tượng nói đã gửi hàng cho người quen, hàng xóm và yêu cầu chuyển tiền thanh toán đơn hàng. Nhận được tiền, chúng sẽ tiếp tục dùng nhiều lý do như nhắn nhầm tài khoản thanh toán để hù dọa trừ tiền, sau đó lừa nạn nhân nhấn vào đường link có chứa "mã độc" để chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài khoản ngân hàng; đồng thời chiếm đoạt luôn số tiền nạn nhân đã thanh toán trước đó rồi cắt đứt liên lạc.
Trước tình trạng này, lực lượng chức năng khuyến cáo, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận và tuyệt đối không click vào bất cứ đường link nào do người lạ gửi tới để tránh "mắc bẫy" kẻ gian. Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường, phải dừng giao dịch ngay và cung cấp thông tin vụ việc cho lực lượng Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý.
Mới đây, Bộ Công an đã phát hiện và đấu tranh xử lý hàng trăm cá nhân, tổ chức, đường dây liên quan tới hành vi mua bán dữ liệu cá nhân. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép lớn nhất từng phát hiện lên tới gần 1.300 GB, với hàng tỉ dữ liệu cá nhân, trong đó có rất nhiều dữ liệu cá nhân mang tính nội bộ, nhạy cảm.
Các chuyên gia cho biết, vấn nạn mua bán dữ liệu cá nhân tràn lan là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lừa đảo trực tuyến của các tội phạm công nghệ. Khi dữ liệu cá nhân bị bán và rơi vào tay kẻ xấu, chúng có thể sử dụng để thực hiện các cuộc lừa đảo có tính cá nhân hóa cao. Việc có trong tay nhiều dữ liệu cá nhân giúp kẻ xấu thực hiện các cuộc tấn công có độ chính xác và thành công cao hơn. Bởi vì khi chúng có thể biết rõ tên, địa chỉ, số điện thoại… thì sẽ dễ dàng tạo sự tin tưởng từ phía nạn nhân.