Cặp vợ chồng nghi bạo hành bé gái gây tử vong sẽ bị xử lý như nào theo quy định của pháp luật?
Hình ảnh những vết bầm tím ở khắp các vị trí trên cơ thể cháu M nghi do bạo hành, được người thân đăng tải trên mạng xã hội
Bài liên quan
Bắt khẩn cấp cặp vợ chồng bạo hành bé gái nhiều ngày dẫn đến tử vong
Nhật Bản: Vấn nạn cha mẹ bạo hành con cái gia tăng
HopeBox gieo ước mơ và hy vọng cho phụ nữ bị bạo hành
Ngày 1/4, lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, sau khi nhận báo cáo sơ bộ từ Công an quận Đống Đa về vụ việc bé gái nghi bị mẹ đẻ và cha dượng bạo hành dẫn đến tử vong, đơn vị chỉ đạo bắt giữ khẩn cấp cặp vợ chồng này để điều tra, làm rõ sự việc.
Vụ việc này có tính chất đặc biệt nghiêm trọng bởi hành vi của cặp vợ chồng quá tàn bạo.
Trước đó, mạng xã hội đăng tải nội dung về vụ bé gái tên N.N.M.M (3 tuổi, tạm trú ở phường Phương Liên, quận Đống Đa) bị cha dượng và mẹ đẻ bạo hành đến chết khiến dư luận phẫn nộ.
Theo nội dung đăng tải trên mạng xã hội, cháu bé bị cha dượng là N.M.T cùng mẹ ruột là N.T.L.A (trú quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) tra tấn dã man như thời trung cổ trong 24 ngày.
Được biết sáng 30/3, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận bé gái tên là M trên người có nhiều thương tích, có dấu hiệu bạo hành được đưa vào viện cấp cứu. Tuy nhiên, do thương tích quá nặng, bé gái đã tử vong ngay sau đó.
Sau khi cơ quan chức năng khám nghiệm pháp y, thi thể nạn nhân được đưa về quê ở huyện Đông Anh, Hà Nội mai táng.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm trao đổi về việc xử lý đôi vợ chồng nghi bạo hành bé gái dẫn tới tử vong |
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về nghi án bé gái bị cha dượng và mẹ đẻ bạo hành dẫn tới tử vong, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Đây là tội ác không thể xuất hiện trong xã hội văn minh khi tước đoạt quyền sống là quyền cơ bản nhất của con người, đặc biệt là trẻ em - đối tượng được pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em bảo hộ.
Mọi hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh. Điều 6, Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em ghi nhận: Các quốc gia thành viên thừa nhận rằng mọi trẻ em đều có quyền vốn có là được sống. Các quốc gia thành viên phải bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em.
Cháu bé đã phải chịu nhiều thiệt thòi khi bố mẹ ly hôn và phải gửi cho bà ngoại chăm sóc. Đáng lẽ ra, với lứa tuổi cháu rất cần sự thương yêu, che chở của người mẹ nhưng không thể ngờ rằng cháu bé lại bị chính người mẹ và cha dượng bạo hành một cách dã man, tàn bạo.
Những hình ảnh cháu bị tử vong với nhiều thương tích trên thi thể đã khiến cho mọi người không khỏi xót thương tột cùng và cùng với đó là sự phẫn nộ trong công chúng đề nghị phải xử lý nghiêm đối tượng.
Dù có bất cứ lý do gì liên quan đến việc chăm sóc cháu bé hoặc do sử dụng ma túy gây ảo giác mà các đối tượng đã vô cớ sát hại cháu bé đều là hành vi mất nhân tính và không thể biện minh trước sự trừng phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật.
Dưới góc độ pháp luật, “ngáo đá” có thể khiến người sử dụng ma túy gây các tội ác trong tình trạng loạn thần nặng nhưng không phải là tình tiết giảm nhẹ. Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được tác hại khi sử dụng các chất kích thích sẽ dẫn tới tình trạng mất kiểm soát hành vi nên hậu quả xảy ra đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó theo quy định của pháp luật.
Điều 13, Bộ luật Hình sự quy định: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Nếu có căn cứ xác định, người mẹ và cha dượng đã có hành vi sử dụng vũ lực bạo hành cháu bé gây tử vong thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo điểm b, n, khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung cơ bản là giết người dưới 16 tuổi và có tính chất côn đồ.
Nếu nghi phạm có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì phải đối mặt mức hình phạt cao nhất tử hình là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 2 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình…
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 đến 5 năm.